Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã nghe đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành hiện đang phức tạp về dịch báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng chống dịch tại địa bàn; những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Trong đó, tình hình dịch bệnh đang “ nóng” nhất tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Theo đó, hiện dịch COVID-19 trong nước vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ghi nhận từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay đã có 9.376 ca mắc tại 41 tỉnh/thành phố, trong đó riêng ngày 17/6 đã ghi nhận 503 ca mắc cộng đồng, cao nhất từ khi dịch xuất hiện năm 2020 tới nay. Các địa phương có số mắc cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đợt dịch lần thứ 4 này được nhận định là phức tạp với đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng, đặc biệt là biến chủng B.1.167.2 của Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực tham gia triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19, phát huy hiệu quả vai trò là lực lượng nòng cốt, tuyến đấu chống dịch, góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống dịch chung của cả nước, đặc biệt tại các địa phương trọng điểm dịch bệnh và có nguy cơ cao như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và các tỉnh biên giới...
Theo Báo cáo của lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh ngày càng phức tạp, toàn bộ CBCS Công an các địa bàn đều phải căng mình chống dịch, triển khai các chốt kiểm dịch, chốt cách ly cũng như truy vết dịch tại cộng đồng trong khi, phương tiện, trang thiết bị bảo hộ y tế còn thiếu.
Để tăng cường trang thiết bị bảo hộ cho CBCS và chế độ chính sách đối với CBCS tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch, ngoài chủ động phát động phong trào ủng hộ trong CBCS, Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với một số cơ quan, doanh nghiệp kêu gọi hỗ trợ thêm trang thiết bị y tế như: găng tay, áo chống dịch, khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắn, nước rửa tay.. để tăng cường nguồn lực chống dịch; đồng thời quan tâm tổ chức xét nghiệm kịp thời cho CBCS; chủ động hỗ trợ chế độ ăn uống, tăng cường sức khỏe cho CBCS…
Về đề xuất với lãnh đạo Bộ và BCĐ phòng chống dịch của Bộ, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị, Bộ quan tâm phân bổ nguồn vaccine cho địa phương để tiêm phòng cho CBCS của Công an TP HCM cũng như lực lượng CBCS chi viện hỗ trợ TP Hồ Chí Minh gồm: học viên của Đại học An ninh nhân dân, Đại học CSND và Trường Cao đẳng CSND trên địa bàn cùng tham gia công tác đảm bảo ANTT và phòng chống dịch, nhất là tại TP Thủ Đức, quận Tân Bình, quận Gò Vấp và Bình Tân.
Theo báo cáo của lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, hiện Bình Dương có 6 ổ dịch liên quan chủ yếu đến công nhân làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì dịch sẽ có nguy cơ bùng phát mạnh tới lực lượng công nhân các Khu Công nghiệp, ảnh hưởng tới 1,2 triệu công nhân ở Bình Dương, khu giáp ranh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của Công an Bình Dương là biên chế còn rất mỏng, bởi vậy, ngoài đề xuất được Bộ hỗ trợ về test thử nhanh và nguồn vaccine để tiêm phòng ngừa cho lực lượng tuyến đầu, Công an tỉnh Bình Dương cũng đề nghị được Bộ tăng cường chi viện về lực lượng, trước mắt là 200 CBCS để hỗ trợ địa phương lập chốt, tuần tra đảm bảo ANTT và phòng chống dịch.
Chia sẻ khó khăn vất vả đối với CBCS trong công tác phòng chống dịch; biểu dương tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác phòng chống dịch của Công an các địa phương thời gian qua, phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, đợt dịch thứ 4 bùng phát, căng thẳng nhất chính là tại các bệnh viện và các Khu công nghiệp với số lượng ca lây nhiễm lớn, kế hoạch sản xuất bị đình trệ, kéo theo đó là phương án cách ly, đảm bảo ANTT và nhiều vấn đề được đặt ra trực tiếp có liên quan lực lượng Công an.
Lực lượng Công an với vai trò là tuyến đầu, cần chủ động tích cực; tiếp tục quán triệt giáo dục CBCS nâng cao bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ. Đồng ý với đề xuất của Công an tỉnh Bình Dương về việc tăng cường CBCS của Bộ chi viện cho địa phương, trong đó yêu cầu Công an tỉnh Bình Dương trực tiếp trao đổi với Bộ Tư lệnh CSCĐ về quân số cụ thể cần chi viện. Lưu ý đối với các CBCS chi viện về địa phương, cần được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cần thiết về phòng dịch.
Đề nghị Công an các địa phương chú trọng rà soát lại các phương án kế hoạch, chủ động trong việc chuẩn bị địa điểm lập khu cách ly riêng cho CBCS. Bên cạnh đó, các bệnh viện, bệnh xá của Công an các địa phương cũng như tại các Bệnh viện của Bộ chủ động kế hoạch xét nghiệm, điều trị ở mức cao nhất. Đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu Bệnh viện 30/4 cần hết sức khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai hệ thống xét nghiệm cho CBCS, kể cả vừa test nhanh vừa xét nghiệm khẳng định.
Cho ý kiến về vấn đề vaccine và trang thiết bị phòng dịch, ngoài nguồn do Bộ Công an phân bổ, đề nghị Giám đốc Công an Các địa phương cần tranh thủ nhiều nguồn để tăng cường vaccine tiêm phòng cho CBCS tuyến đầu.
Ban Giám đốc Công an các tỉnh cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và BCĐ phòng chống dịch của địa phương để không lơ là mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch, bởi khi có dịch bùng phát không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội mà đối tượng bị tổn hại, ảnh hướng trực tiếp nhất chính là người dân…
Tác giả: Tâm Phạm
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn