Thượng tá Nguyễn Hồng Long người xã Quỳnh Hậu, là bạn học cùng lớp thời cấp 3 Quỳnh Lưu 1 với tôi. Tốt nghiệp phổ thông Nguyễn Hồng Long vào Công an, tôi đi học Đại học nông nghiệp. Học xong Long có lẽ thuộc thành phần ưu tiên, được về công tác tại huyện nhà, rồi lên đến Phó trưởng công an huyện, tôi cứ theo Nhà nước điều động vào công tác Tây Nguyên.
Đến mấy chục năm không gặp nhau, sau này nhờ facebook mà biết thêm thông tin của bạn. Thì ra Nguyễn Hồng Long bao nhiêu năm vẫn đau đáu về Tây Nguyên, thuộc làu Tây Nguyên như bộ đội thời chiến. Hễ ở đâu có thông tin về liệt sỹ là Long đi! Không quản xa xôi trắc trở.
Thượng tá Nguyễn Hồng Long, nguyên phó trưởng công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. |
Cũng từ đó những người thân quen đã giới thiệu cho những manh mối những người từng sống và từng biết về Tiểu đoàn 200 pháo binh Quân khu 5 và Đoàn 300 cao xạ Quân khu 5 giai đoạn 1962 - 1964.
Rất may Long quan hệ khá rộng rãi với anh em chiến sỹ trong ngành Công an, lại có nhiều người thân, sau rồi biết được nhiều cựu chiến binh, đồng ngũ của cha tại các vùng Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Có những người bạn ở quê tình nguyện đưa ô tô riêng chở Long từ Nghệ An vào Tây Nguyên hết lần này đến lần khác. Có những đơn vị biên phòng (Đồn 663, 665), mấy lần tạo điều kiện giúp Long sang tận đất Lào tìm mộ.
Trong quá trình đi tìm gặp các cựu chiến binh ở địa bàn Tây Nguyên, có lúc tưởng chừng như công cuộc kiếm tìm mộ phần của cha rơi vào bế tắc thì lại bất ngờ gặp được những người nắm rõ thông tin, hé mở một hướng mới.
Có lần Long nhận được thông tin có các cụ cựu chiến binh là người dân tộc thiểu số Giẻ Triêng - Bắc Tây Nguyên, một thời từng phục vụ chiến đấu trong Tiểu đoàn 200 pháo binh Quân khu 5, họ khẳng định đã chôn một người thuộc tiểu đội Trinh sát. Mà cha của Long lại là Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát của Đoàn 300 cao xạ. Tuy tuổi đã cao, nhưng các cụ cựu chiến binh vẫn còn khá khỏe và khá minh mẫn.
Mừng quá, tức tốc đi ngay, song khi tới nơi, dở bản đồ thì vùng đất ấy lại thuộc về nước Lào. Lại có người khẳng định người đã hy sinh chôn ở đất ấy là chú A Hương, y sỹ của Tiểu đoàn 200.
Rồi đến lần có người cho biết thông tin của một cựu chiến binh, ông tên Thí, đang sống ở Đắk Lắk. Năm 1964 ông Thí là chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 407, được tăng cường lên Đắk Lắk, có thể là người nắm khá rõ tình hình Tiểu đoàn 200. Lúc sắp xếp vào được đến nơi thì cụ Thí lại đã qua đời.
Rừng sâu nơi nào là chỗ cha nằm? |
Có người đồng hương cùng đơn vị với bố Long thời ở mặt trận Tây Nguyên có thể biết rõ sự việc thì sức khỏe quá yếu, không thể đi lại trên chặng đường dài, mà đầu óc thì nhớ nhớ quên quên, chẳng giúp được gì.
Lại có thông tin về cựu chiến binh ở Thanh Hóa. Ra tận nơi thì gặp cụ Nguyễn Hùng Kiểm, Đại tá về hưu, hồi trước ở Tiểu đoàn 200 pháo binh, đóng tại Măng Khên, nay thuộc huyện Đắc Pa của Lào. Chính xác địa danh, nhưng thông tin chẳng có manh mối gì mới.
Đêm cứ trằn trọc không ngủ. Nhớ cha một phần, thương mẹ bằng mười. Mẹ Long đẻ được hai người con, Long và đứa em gái. Cha sau huấn luyện ở Sơn Tây thì đi thẳng vào chiến trường. Đến Quảng Nam, ông gửi về cho vợ được hai lá thư rồi thì mất hết mọi tin tức. Mẹ một mình gánh vác công việc gia đình nuôi con, với nỗi đợi chờ đằng đẵng hơn nửa thế kỷ.
Một dạo, có người thấy Long đi tìm kiếm mộ cha suốt dọc dài Tây Nguyên quá vất vả mà hầu như vô vọng, đã giới thiệu và khuyên nên gặp một số nhà ngoài cảm danh tiếng ở Hà Nội và Hải Dương, may ra có kết quả. Long đành thử vận, kiểu như thêm một chỗ dựa tinh thần. Khăn gói ra đi, chờ chực đến lượt mình được xem xét thì lại quá thất vọng. Với kiến thức nghiệp vụ nghề nghiệp, cộng với sự nhạy cảm của một sỹ quan Công an, từ những lời khua môi múa mép vô căn cứ, thậm chí là sai trái, Long đã nhanh chóng nhận ra trò bịp của các nhà ngoại cảm ất ơ.
Rồi vào các trang mạng "Người đưa đò" (của Nguyễn Sỹ Hồ)... tìm kiếm thông tin. Có lúc lóe lên chút niềm tin rồi lại chợt tắt. Qua các trang mạng, Long thấy có ba liệt sỹ trùng tên cha mình là Nguyễn Văn Chi. Một ông an táng tại Nghĩa trang Việt Lào - huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ông nữa sinh năm 1940, hy sinh ngày 5 tháng 5 năm 1964, an táng tại Ba Vì - Hà Nội. Ông còn lại hy sinh ngày 2/3/1964, an táng tại phường Long Thành, quận 9 thành phố Hồ Chí Minh. Tĩnh tâm lại thì thấy 3 liệt sỹ cùng tên nhưng khác cả ngày sinh lẫn ngày hy sinh; lại được an táng quá xa mặt trận Tây Nguyên. Có chút mừng, lại thất vọng!...
Bây giờ đã nghỉ hưu, người sỹ quan Công an ấy lại được thoải mái thời gian để tiếp tục hành trình xuyên Tây Nguyên, trên chặng đường tìm kiếm mộ của cha mình. Tuy nhiên, thời gian đã phủ bóng mờ lên tất cả. Địa hình Tây Nguyên sau hơn 40 năm khai thác, canh tác, rừng rú khi xưa đã thay đổi quá nhiều thậm chí là biến mất. Những đồng đội cũ của cha, người còn người mất, có người còn sống thì sức khỏe đã quá yếu, trí nhớ đã suy giảm. Nếu có tìm thấy chính xác nơi đồng đội đã chôn cất cụ, nơi ấy cũng chỉ có thể là đất đen. Tất cả đã hóa vào đất mẹ!
Một cái khó nữa là thông tin về các đơn vị bộ đội thời trước, đã có quá nhiều thay đổi, thuyên chuyển, thậm chí giải tán, xóa sổ! Gần đây Long nhận được thông tin từ bác A Dâu, đồng đội cũ của cha khẳng định: Cuối năm 1964 (tháng 10-1964), Đoàn 300 cao xạ Quân khu 5 bị giải thể. Một đại đội tăng cường về tỉnh Bình Định (do chú Ý, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy), một đại đội tăng cường lên Đắk Lắk (do chú Nguyễn Quí Cáp chỉ huy). Như vậy, con đường phía trước bỗng đâu lại hóa phức tạp.
Bây giờ hễ có thông tin ở đâu có liệt sỹ người Quỳnh Lưu, hy sinh giai đoạn đầu những năm sáu mươi là Long lại lên đường. Đi để mà hy vọng!
Gần đây, nghe thông tin ở huyện Chư Prông (một huyện biên giới thuộc tỉnh Gia Lai) có một số mộ liệt sỹ người Quỳnh Lưu, hy sinh thời chống Mỹ, Long lại tức tốc ba lô lên đường. Mộ cha mình chưa thấy, nhưng phát hiện trong nghĩa trang nhiều ngôi mộ liệt sỹ cùng huyện, quá bùi ngùi, không rõ gia đình có biết hay không thì chụp ảnh, đăng facebook!
Cầu cho hành trình của Long có được manh mối tốt, gặp được các cụ cựu chiến binh một thời sống chết giữa chiến trường Tây Nguyên, nắm rõ sự việc. Tuổi hưu rồi, phải chạy đua với thời gian, may ra bạn đạt được ý nguyện một đời!
- Sinh năm 1939 - Quê quán: Thôn Phú Thọ, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - Nhập ngũ ngày 3/2/1960 - Cấp bậc: Hạ sỹ - Đơn vị: Đoàn 300 - Cao xạ, Quân Khu 5 - Hy sinh ngày 1-5-1964 - Nơi hy sinh: Huyện 40 - Kon Tum - Nơi an táng: Huyện 40 Kon Tum - Hiện đã bị thất lạc. - Vợ: Lê Thị Thụy - Con trai: Nguyễn Hồng Long, nguyên Phó trưởng công an huyện Quỳnh Lưu. Đồng đội, cựu chiến binh, đồng bào đồng chí đã từng cùng công tác, chiến đấu, ai biết thông tin về mộ phần liệt sỹ Nguyễn Văn Chi xin báo cho anh Nguyễn Hồng Long theo số điện thoại 0913029484. Xin chân thành cảm ơn! |
Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn