Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, các nhóm zalo, facebook không chỉ góp phần phòng, chống tội phạm mà còn giúp chính quyền địa phương phát hiện, xử lý nhiều vụ bạo hành trong gia đình, hút chích ma túy, kẹt xe, lấn chiếm lòng lề đường, hạ tầng cơ sở xuống cấp… Nhận thấy hiệu quả, Công an nhiều quận, huyện trên toàn TP Hồ Chí Minh học tập làm theo và đến nay đạt nhiều kết quả tốt.
Trung tá Lê Minh Trí, Đội trưởng Đội xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ Dân phố, Công an quận Bình Thạnh cho biết, toàn quận Bình Thạnh đã có 827 nhóm zalo, facebook, viber với hơn 40.000 người tham gia, chiếm khoảng 30% số dân toàn quận. Trong năm 2019, các nhóm này đã cung cấp hơn 500 nguồn tin có giá trị giúp cơ quan Công an xử lý hình sự gần 20 vụ, xử phạt hành chính gần 400 vụ.
Bên cạnh phòng chống tội phạm, Trung tá Lê Minh Trí cho hay, các nhóm zalo, facebook còn thực hiện rất hiệu quả công tác tuyên truyền vấn đề thời sự ở tất cả các lĩnh vực. Nếu như trước đây khi cần tuyên truyền, phổ biến vấn đề gì đến dân thì Công an các phường phải đợi đến các cuộc họp dân ở khu phố.
Còn bây giờ, khi tiếp nhận văn bản cần tuyên truyền, cơ quan Công an có thể chụp lại văn bản hoặc cô đọng lại rồi đưa lên zalo, facebook, rất nhanh gọn. Chẳng hạn như thông tin cảnh giác về thủ đoạn mới của bọn tội phạm, lúc trước tuyên truyền đến người dân thì đã “nguội”, nay đảm bảo tính thời sự, nhiều người dân nhờ vậy mà tránh bị lừa.
Công an phường Linh Xuân trao trả lại tài sản cho chị Bích Ngọc. |
Hay như công tác tuyên truyền về dịch bệnh virus Covid-19, qua tương tác cho thấy rằng người dân rất quan tâm đến những thông tin chính thống của chính quyền địa phương tải lên. Cũng như chia sẻ, cung cấp thông tin để cùng nhau góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Trong việc truy bắt Tuấn “khỉ” (Lê Quốc Tuấn), kẻ nổ súng giết người ở huyện Củ Chi cũng vậy, các nhóm mạng xã hội đã tuyên truyền thông tin chính thống từ Công an TP Hồ Chí Minh để người dân nhận thức rõ hơn về vụ việc trước những thông tin không chính xác đầy rẫy trên các mạng xã hội.
“Nhà ai có người đến ở qua đêm mà không đăng ký tạm trú; ai phóng uế, vứt rác bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, xả nước thải ra nơi công cộng…tất cả đều xuất hiện trên các nhóm zalo, facebook và buộc chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm. Ở chiều hướng ngược lại, người tham gia vào các nhóm này cũng có ý thức hơn trong sinh hoạt hàng ngày, từ lời ăn tiếng nói đến những việc làm gây phương hại đến cộng đồng dân cư. Do vậy, sắp tới Công an quận sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến toàn bộ người dân trên địa bàn”- Trung tá Lê Minh Trí cho biết.
Cuối năm 2019, Đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tá Đào Hải Đăng - Trưởng Phòng 5, Văn phòng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã cùng Công an TP Hồ Chí Minh đến quận Bình Thạnh để khảo sát, đánh giá hiệu quả của mô hình này. Đại tá Đào Hải Đăng cho biết, mục đích công tác khảo sát lần này nhằm ghi nhận các kiến nghị, đề xuất về chính sách pháp luật, nguồn kinh phí, công nghệ, phương tiện từ Công an các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công an tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP có những chủ trương giải pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng chống tội phạm thời gian tới.
Công an quận Thủ Đức là nơi sớm học tập mô hình này từ Công an quận Bình Thạnh. Đến nay, nhóm zalo, facebook ở các phường đã và đang hoạt động khá tốt. Các thành viên trong nhóm không chỉ có BCH Công an phường mà còn có lãnh đạo UBND và các ban ngành đoàn thể nên rất thuận trong việc tiếp nhận và xử lý nguồn tin người dân cung cấp.
Như trang thông tin phòng chống tội phạm ở phường Linh Xuân với hơn 300 thành viên hình thành từ tháng 3/2019. Gần 1 năm qua, hàng chục, hàng trăm thông tin trên trang này đã góp phần rất lớn trong công tác phòng chống tội phạm và nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn toàn phường.
Khoảng 10h20 ngày 12/2, chị Nguyễn Thị Duyên (ngụ quận 12) đến Công an phường Linh Xuân giao nộp 1 bóp nữ do chị nhặt được tại góc đường số 5- quốc lộ 1K, phường Linh Xuân. Bên trong bóp có hơn 3 triệu đồng và một số giấy tờ tùy thân mang lên Lê Phương Bích Ngọc. Tuy HKTT của chị Ngọc ở quận Tân Phú nhưng qua mạng zalo công an phường thông báo và nhanh chóng tìm được chủ sở hữu, trao trả lại tài sản.
Sau đó hình ảnh được đưa lên nhóm zalo, kèm theo lời cảm ơn từ phía Công an phường đến người trả lại của rơi là chị Nguyễn Thị Duyên. Nhiều người trong nhóm bày tỏ sự cảm kích dành cho chị Duyên, kèm theo lời chúc bình an, may mắn. Câu chuyện khá đơn giản nhưng giàu tính nhân văn đó nhờ nhóm zalo đã lan tỏa đến mọi người, rất bổ ích cho cuộc sống …
Hiệu quả thiết thực khác mà nhóm zalo, facebook mang lại đó là công tác phát hiện và xử lý tình trạng xây dựng trái phép hiện nay ở TP Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây, cán bộ trật tự xây dựng, cán bộ địa chính xã, phường thường hay qua mặt lãnh đạo để bảo kê xây nhà trái phép, sai phép, lấn chiếm thì nay rất khó thực hiện.
Chỉ cần người dân nghi ngờ và chụp ảnh căn nhà xây dựng không đúng quy định đưa lên nhóm là đều được lãnh đạo kiểm tra, xử lý ngay.
“Phát hiện xây dựng trái phép qua nhóm zalo, facebook là thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả nhất”- Ông Nguyễn Chí Thiện- Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho biết. Bởi đơn giản khi đưa lên nhóm zalo, facebook nghĩa là vụ việc đã phơi bày trước người dân trong phường nên có muốn làm ngơ, bao che cũng không ai dám làm.
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối 2019, toàn TP Hồ Chí Minh có 15/24 quận, huyện (187/322 xã, phường, thị trấn) đã triển khai ứng dụng mạng xã hội zalo và 5/24 quận, huyện (52/322 xã, phường, thị trấn) đang triển khai ứng dụng mạng xã hội facebook trong công tác phòng, chống tội phạm. Qua đó, người dân đã cung cấp 1.224 tin báo có giá trị liên quan đến an ninh trật tự đã giúp lực lượng Công an xử lý, khám phá 868 vụ, bắt 925 đối tượng và giải quyết nhiều vụ việc liên quan an ninh trật tự, góp phần kéo giảm số phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố trong năm 2019 là 8,31%. |
Tác giả: Mã Hải
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn