Giúp dân gượng dậy sau lũ

Thứ tư - 12/09/2018 01:51
Vượt sông Mã, những chuyến xuồng chở lương thực vào cứu đói cho dân, hay dầm mình trong bùn đất giúp dân dựng nhà là những hình ảnh đẹp của Công an Thanh Hóa trong suốt 10 ngày qua.

Mười ngày trôi qua, cuộc sống của người dân nơi rốn lũ Quan Hóa và Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn còn nhiều cơ cực. Trẻ em chưa thể đến trường vì bị nước lũ cô lập, người dân mất nhà, không có phương tiện giao thông do cầu treo bị sập. Ở huyện Mường Lát vẫn còn 2 xã giao thông bị chia cắt. Vượt sông Mã, những chuyến xuồng chở lương thực vào cứu đói cho dân, hay dầm mình trong bùn đất giúp dân dựng nhà là những hình ảnh đẹp của Công an Thanh Hóa trong suốt 10 ngày qua.

Mang lương thực vượt sông cứu đói cho dân

Dù lũ đi qua đã 10 ngày nhưng huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn còn nhiều xã bị cô lập. Thiếu nước sạch, thiếu lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho cuộc sống sinh hoạt là những cơ cực mà người dân nơi đây đang trải qua. Mưa lũ kéo dài từ ngày 28 đến 31-8 đã làm cho 9 xã, thị trấn của huyện Mường Lát bị ảnh hưởng, 105 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hỏng.

Chia sẻ với phóng viên, Thượng tá Lò Đức Minh, Trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết, sau nhiều ngày bị cô lập, QL15C vào thị trấn Mường Lát chỉ còn hơn 1,5km là thông. Từ trung tâm huyện đã thông đường vào được một số xã, ngay cả bản Pọng, xã Tam Chung là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất đến nay cũng đã tiếp cận được. Hơn 10 ngày qua kể từ khi Mường Lát hứng chịu mưa to và rất to, nước sông Mã dâng cao, lũ bất ngờ tràn về, 100% CBCS Công an huyện đã không có ngày nghỉ.

Giúp dân gượng dậy sau lũ
Công an huyện Mường Lát giúp dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Không chỉ ngâm mình trong bùn đất, trong nước lũ cứu dân, mà trước đó do dự đoán nước sông có thể gây ngập nhà dân, Công an huyện tham mưu với UBND huyện, triển khai lực lượng di dời tài sản giúp dân.

Ngày 31-8, lũ về cuốn trôi nhà cửa, trường học, ruộng vườn, Công an huyện ứng trực 24/24h, chia thành các tổ công tác đến các xã, tiếp cận đến từng bản. Ở nơi đây không có điện, thông tin liên lạc hoàn toàn bị chia cắt, lực lượng Công an phải tổ chức đi bộ để truyền tin về trung tâm. Khó khăn không thể kể xiết khi có đồng chí mỗi ngày vượt vài chục cây số đường rừng trong mưa để truyền tin.

Có đồng chí ngụp lặn trong dòng lũ để đưa dân ra nơi an toàn. Có đồng chí giúp dân làm nhà, dọn dẹp bùn đất, dỡ bỏ đống đổ nát. Nhưng xúc động nhất là suốt từ ngày 28-8 đến nay, tổ công tác đường sông gồm 10 CBCS chưa được nghỉ ngơi, các anh đã chuyên chở hàng tấn lương thực, thực phẩm vào cứu đói cho dân xã Mường Lý, xã Tam Trung và một số xã khác.

Theo Thượng tá Lò Đức Minh thì đến nay còn 2 xã là Mường Lý và Mường Chay vẫn bị cô lập hoàn toàn. Mường Lý nằm bên kia sông Mã, đường vào duy nhất là phải vượt sông. Huyện đã cấm tất cả phương tiện khách trên sông do không đảm bảo an toàn. Vận chuyển lương thực vào Mường Lý chỉ có xuồng chuyên dụng của Công an huyện Mường Lát.

Từ ngày 28-8 đến nay, 2 xuồng cao tốc của Công an huyện vận chuyển hàng chục chuyến mì tôm và gạo vào Mường Lý cứu đói cho dân. Sông Mã gầm thét dữ dội, nước sông cuồn cuộn nhưng theo Thượng tá Lò Đức Minh thì các chuyến hàng đều được vận chuyển an toàn tới dân.

Gồng mình giúp dân vượt lũ

Trong chuyến ngược về rốn lũ, chúng tôi gặp Tổ Công an tăng cường của Công an huyện Quan Hóa lên 3 xã vùng cao bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử vừa qua. Họ đều là những cán bộ Công an trẻ của lực lượng CSGT, Cảnh sát hình sự, Quản lý hành chính, cán bộ phong trào đi giúp dân khắc phục sau lũ, đảm bảo ANTT, bảo vệ tài sản khi dân di dời.

Đã 12 ngày trôi qua, ai cũng mệt mỏi, nhưng nhiệt huyết thì không giảm. Ở nơi rốn lũ, họ phải khắc phục thiếu nước sạch và lương thực. Có chiến sĩ trẻ tâm sự với chúng tôi, từ ngày 28-8 khi mưa bắt đầu dữ dội, đồng chí đã được tăng cường lên đây giúp dân di dời tài sản.

Đêm 30 và ngày 31-8 lũ ập về, sông Mã như con quái thú gầm thét, cuốn phăng nhà cửa, cây cối, 10 CBCS trong tổ chia ra để giúp dân bị kẹt trong lũ. Nhất là khi dân bỏ chạy lên đồi do có thông tin vỡ đập thủy điện, anh em trong tổ phải tuyên truyền, vận động để dân bình tĩnh, không hoang mang vì đây là tin thất thiệt.

 Theo Trung tá Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng Công an huyện Quan Hóa thì từ ngày 28-8 khi xuất hiện mưa to, Công an huyện đã dự đoán được khả năng nước sông sẽ dâng cao, lũ về, nên đã tham mưu cho UBND huyện di dời dân. Công an huyện là đơn vị đầu tiên giúp dân ở thị trấn Hồi Xuân, xã Xuân Phú, xã Thanh Xuân, xã Nam Xuân di dời tài sản an toàn.

Nhưng ngày 31-8 lại xảy ra sự cố khi trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin sắp vỡ đập thủy điện khiến người dân hoang mang, nhiều gia đình bỏ chạy lên đồi cao. Công an huyện nhanh chóng báo cáo Huyện ủy, UBND huyện, yêu cầu Đài phát thanh và các loa truyền thanh xã phát tin trấn an nhân dân. Khi Công an huyện dùng loa cơ động đi tuyên truyền tại các xã thì một số hộ về, nhưng còn một số vẫn lo sợ. Vừa chống lũ, lực lượng Công an đồng thời triển khai song song nhiệm vụ đảm bảo ANTT, đề phòng một số đối tượng chống phá, kích động trong ngày Quốc khánh.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi xác minh, Công an huyện đã triệu tập 4 đối tượng ở huyện Quan Hóa và Mai Châu (Hòa Bình) lên lấy lời khai. Các đối tượng thừa nhận mình đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, sau đó viết bài xin lỗi cộng đồng mạng.

Thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ đã khiến cho 717 ngôi nhà ở Quan Hóa bị ảnh hưởng, trong đó có 183 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 2 cầu treo bị lũ cuốn trôi, 2 cầu bị hư hỏng, 7 điểm trường bị ảnh hưởng, 9 bản và 1 xã bị cô lập… Cuộc sống của người dân vùng lũ Quan Hóa và Mường Lát còn rất nhiều khó khăn phía trước. Chính vì vậy mà các tổ công tác của Công an huyện Quan Hóa và Công an huyện Mường Lát tiếp tục bám địa bàn, giúp dân khắc phục sau lũ cho tới khi ổn định cuộc sống.

Tác giả: Trần Hằng

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây