Gia Lai tuyên chiến với tín dụng đen

Thứ ba - 07/08/2018 05:10
Với quyết tâm đẩy lùi tín dụng đen, mang lại một cuộc sống yên bình cho người dân, Phòng Cảnh sát hình sự đã cùng với các ngành các cấp thực hiện nhiều giải pháp đặc biệt, đến nay đã thu được một số kết quả tích cực.


Trong năm vừa qua, nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của bà con nhân dân, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Với quyết tâm đẩy lùi tín dụng đen, mang lại một cuộc sống yên bình cho người dân, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) đã cùng với các ngành các cấp thực hiện nhiều giải pháp đặc biệt, đến nay đã thu được một số kết quả tích cực.

Các anh đã làm điều đó như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Gia Lai vào một ngày mùa hè ở phố núi.

Nhức nhối ở vùng nông thôn, đồng bào thiểu số

Theo Thượng tá Sơn, tình trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp nhất ở các khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua công tác nắm tình hình từ các địa phương, ngành Công an biết được một số đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và sự khó khăn của người dân để cho vay dưới nhiều hình thức đơn giản như: bán nợ hàng hóa, vật tư nông nghiệp hoặc cho vay không cần thế chấp với mức lãi suất 3-5%/tháng.

Gia Lai tuyên chiến với tín dụng đen
Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Gia Lai.

Một khi đã dính vào “tín dụng đen” thì người vay, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều hộ mất khả năng thanh toán, phải gán nhà, gán đất dẫn đến ngày càng nghèo đói.

Gia đình ông Siu Chbai thuộc diện hộ nghèo ở thôn Plei Toan, xã Chư Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Nhiều năm nay, dù nỗ lực làm ăn song cái nghèo vẫn cứ luẩn quẩn với gia đình ông. Sản phẩm ở nương rẫy, ruộng vườn làm ra không đủ để trả lãi tư thương. Bởi vậy, với khoản vay ban đầu chỉ là 20 triệu đồng, lãi suất 5% mỗi tháng, sau hơn 10 năm, lãi mẹ đẻ lãi con, khoản tiền phải trả của gia đình ông đã lên tới hơn 150 triệu đồng. Đến lúc này, gia đình ông không thể trả lãi được nữa, đành phải bán đất rẫy đi để trả bớt một phần, khoản nợ còn lại cũng chưa biết lấy gì để trả.

Việc vay vốn tư thương với lãi suất cao đã trở nên phổ biến ở các xã của huyện nghèo Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ở mỗi thôn buôn thường có một đến một vài hộ tư thương cho vay với lãi suất thông thường là 3-4% mỗi tháng nếu nông dân đồng ý bán toàn bộ nông sản làm ra cho họ. Ngược lại, lãi suất sẽ là 5-6%. Nếu tính ra lãi suất 1 năm sẽ là 36-72%, một mức lãi “cắt cổ” đối với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Điều khác biệt cũng là lý do nhiều người chọn hình thức vay này là bởi nó rất dễ, không cần phải thế chấp, chỉ việc phải ký vào cuốn sổ ghi nợ là được vay từ 15-30 triệu đồng, thậm chí 50 triệu đồng một mùa rẫy.

Theo thống kê của huyện Ia Pa, tình trạng nông dân vay nợ tư thương với lãi suất cao đang xảy ra tại 8/9 xã của huyện. Đến nay đã có hàng trăm hộ không còn khả năng thanh toán. Trong đó, số tiền gốc là 18 tỷ đồng nhưng tiền lãi đã lên tới hơn 58 tỷ đồng. Những hộ đi vay chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, không có vốn đầu tư nên phải đi vay tư thương. Hiện chính quyền và ngành chức năng huyện Ia Pa đang vào cuộc để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Lách luật bằng cách không ghi lãi suất

Hoạt động cho vay nặng lãi phổ biến như vậy, nhưng việc xử lý là rất khó. Thượng tá Trần Trọng Sơn cho hay: “Tất cả các vụ mà cơ quan điều tra nắm được chưa đủ cơ sở để khởi tố hình sự về hành vi cho vay nặng lãi. Theo quy định, để xử lý hình sự thì phải xác định được đối tượng cho vay “mức lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất Nhà nước quy định”. Cụ thể, lãi suất cao nhất là 20%/năm, tương đương 1,7%/tháng và chứng minh được có tính chất bóc lột trong cho vay”.

Theo Thượng tá Sơn, hiện nay việc cho vay tự phát ở các địa phương được các chủ nợ làm rất tinh vi để lách luật. Hầu hết việc vay mượn đều thông qua thỏa thuận miệng, giấy nợ không ghi rõ ràng nên rất khó xử lý. Thậm chí các đối tượng cho vay không ghi tỷ lệ tiền lãi trong giấy ghi nợ. 

Chẳng hạn, khi cho người dân vay 10 triệu đồng trong vòng 1 tháng lãi 30.000 đồng/ngày, sau 1 tháng là 900.000 đồng, chủ nợ sẽ ghi giấy nợ 10,9 triệu đồng. Với lãi cao là 50.000 đồng/ngày, chủ nợ sẽ ghi nợ 10 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho người vay 8,5 triệu đồng; hoặc ghi 11,5 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho người vay 10 triệu đồng.

“Sự việc khó xử lý vì hợp đồng này là dân sự, do vậy trước mắt chỉ khuyến cáo người dân cẩn trọng trong lúc vay. Các cấp ủy, chính quyền không quan tâm giải quyết vấn đề này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự nông thôn. Bởi trong trường hợp chủ nợ không thu hồi được nợ sẽ thuê các đối tượng đòi nợ thuê, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, Thượng tá Sơn nói.

Các ban ngành cùng vào cuộc

Khó là vậy, nhưng vì đời sống của người dân, PC45 và các ngành chức năng quyết tâm vào cuộc dẹp bỏ. Với những điểm dịch vụ tài chính có đăng ký, được cấp phép, PC45 sẽ điều tra xác minh có tồn tại hoạt động cho vay nặng lãi hay không, sau đó sẽ lập danh sách đề nghị rút giấy phép để dễ bề xử lý hơn. 

Song song với việc dẹp bỏ các điểm cho vay trái phép, PC45 đã tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương tư vấn cho bà con hiểu rõ tác hại của việc vay nặng lãi; kêu gọi ngân hàng hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục cho vay đối với các hộ dân ở một số khu vực xác định.

Gia Lai tuyên chiến với tín dụng đen - Ảnh minh hoạ 2

“Tất cả những điều này nhờ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của cả đội, của cả lực lượng hình sự từ tỉnh đến huyện. Lính hình sự phải tiếp xúc với tội phạm, với mặt trái xã hội, nhưng phải giữ vững được bản chất của lính hình sự”, Thượng tá Sơn chia sẻ.

Ngày 3-7, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương về việc ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn. 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban ngành tăng cường quản lý các giao dịch mua bán hàng hóa, nông sản, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc sang nhượng đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là trong vùng đồng bào DTTS; rà soát số đối tượng môi giới cho người dân vay lãi suất cao, đặc biệt là người dân tộc thiểu số bằng hình thức ép giá nông sản, lừa đảo mua bán, sang nhượng đất đai, cưỡng đoạt tài sản... 

Tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng ngừa trong hoạt động “tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ; xử lý hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép liên quan đến dịch vụ cho vay tiền...

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi phát, in, vẽ, dán tờ rơi quảng cáo “cho vay tiền nhanh” trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự xã hội; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần hướng dẫn cải cách thủ tục lập hồ sơ tín dụng theo hướng đơn giản hơn, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, điều chỉnh mức lãi suất phù hợp để người dân nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận, vay vốn...

Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn, nhờ những nỗ lực của các ban ngành và đặc biệt là CBCS Phòng CSHS, những băng nhóm tội phạm kiểu xã hội đen hầu như không thể hình thành trên địa bàn tỉnh. 

“Tội phạm hoạt động ở Gia Lai hoặc muốn đến Gia Lai mà sử dụng vũ khí, lập băng đảng, băng nhóm phức tạp sẽ không có đất sống. Lực lượng toàn tỉnh sẽ đấu tranh đến cùng và cũng không ai có thể chống lưng cho chúng hoạt động. Nhờ đó, trước giờ trên địa bàn Gia Lai dù cũng có băng nhóm nhưng chỉ là tự phát, không phức tạp”, Thượng tá Sơn cho biết.

Trong những năm vừa qua, Phòng CSHS tỉnh luôn được tặng Cờ thi đua. Năm 2016, đơn vị được tặng cờ của Bộ Công an; năm 2017 được cờ của Tổng cục Chính trị và năm nào cũng được tặng bằng khen của tỉnh, của bộ về các thành tích. 

“Tất cả những điều này nhờ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của cả đội, của cả lực lượng hình sự từ tỉnh đến huyện. Lính hình sự phải tiếp xúc với tội phạm, với mặt trái xã hội, nhưng phải giữ vững được bản chất của lính hình sự”, Thượng tá Sơn chia sẻ.

Long Viên

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây