Dưới chân núi Bà Ðen

Thứ năm - 04/05/2017 01:54
Núi Bà Ðen là một biểu tượng của Tây Ninh. Ngọn núi sừng sững cao nhất miền Nam, tỏa xuống chung quanh màu xanh yên bình.


Núi Bà Ðen từng là một chiến khu cách mạng, nối kết với chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu D oai hùng. Vùng đất chiến khu xưa, nay đang phát triển năng động, với những sáng tạo của riêng mình. Gương mặt người Tây Ninh tỏa nét hiền lành, sắt son, ánh đậm truyền thống quê hương bất khuất.

Dưới chân núi Bà Đen, cuộc sống yên bình nhờ không ít sáng kiến của những người giữ bình yên cuộc sống. Ra đường ít thấy Công an, nhưng tai mắt nhiều. Mặt trận rộng, toàn dân tham gia sát cánh cùng bảo vệ an toàn, an ninh cuộc sống.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ

Cái hay nhất thấy được ở Tây Ninh là chủ trương áp dụng khoa học công nghệ. Một tỉnh biên giới, rừng núi nhiều, dân thưa, trình độ tin học hẳn chưa cao lắm, còn bao nhiêu thứ phải lo, sao lại nhấn mạnh vào áp dụng khoa học công nghệ?

Dưới chân núi Bà Ðen
Công an huyện Dương Minh Châu chào cờ tại hội trường. 

Một tư duy đi trước: phải đẩy mạnh khoa học công nghệ, lấy đó làm phương tiện, công cụ quản lý để thúc đẩy phát triển. Tây Ninh lên thành phố chưa lâu, đang phấn đấu nhanh chóng trở thành “thành phố thông minh”, đưa tin học vào quản lý, ứng dụng trong đời sống mọi mặt. Thư mời họp cũng không còn giấy, chỉ gửi mail, đến cái máy tưới cây cũng đặt tự động, đến giờ tự bơm tưới…

Công an Tây Ninh là một ngành đi đầu trong xu hướng mới này, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cư trú, phục vụ điều tra, liên kết các khâu, nhanh chóng, bí mật…

Công an Tây Ninh có chương trình đào tạo công nghệ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, áp dụng những ứng dụng mới, coi công nghệ thông tin là một mặt trận, triển khai đội chống tội phạm công nghệ cao.

Việc tuyên truyền, vận động quần chúng cũng được truyền qua các phương tiện thông tin trong cuộc sống, truyền hình, phát thanh, trang mạng… mở rộng nâng cao tinh thần cảnh giác, vạch trần các phương thức tội phạm, hướng dẫn cách phát hiện những dấu hiệu tội phạm mới...

Dưới chân núi Bà Ðen - Ảnh minh hoạ 2

Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, khi xảy ra vụ việc, chẳng cần phải tốn nhiều thời gian xuống xã xác minh, tìm hiểu nhân thân, lý lịch, gia cảnh, tiền án tiền sự… làm ồn xóm ấp. Các phần mềm dữ liệu đã được nạp sẵn, liên tục cập nhật thông tin mới, chỉ cần bấm máy là có đủ dữ liệu kịp thời phục vụ công tác điều tra. Đối tượng, và cả dân cũng chẳng biết Công an đã “vào cuộc” lúc nào. Dân xóm, ấp không còn ồn ào mỗi khi “Công an vào cuộc”, vẫn âm thầm mà đạt hiệu quả nhanh.

Thành phố văn minh là thành phố áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào mọi mặt quản lý, điều hành. Tại huyện Dương Minh Châu, hệ thống camera dày đặc được bố trí, theo dõi và xử lý trình trạng vi phạm giao thông và phòng chống tội phạm.

Cảnh sát giao thông đỡ phải ra đứng đường, nhưng vẫn theo dõi tình huống giao thông chặt chẽ qua camera và xử lý bằng các phần mềm chính xác, nhanh chóng, công bằng. Chẳng hạn, camera ghi lỗi vi phạm, có phần mềm đối chiếu, ghi rõ mức phạt, nhập lỗi vào là hiện ra mức phạt cho người vi phạm thấy rõ.

Không thấy bóng Công an trên đường phố mà mọi việc vẫn trôi chảy bình yên là một dấu hiệu cho thấy có sự áp dụng quản lý hiện đại, tạo hình ảnh văn minh, nhất là trong mùa lễ hội.

Những mô hình sáng tạo

Ở Tây Ninh có nhiều mô hình - Trung tá Lê Trung Quốc, Phó trưởng Công an huyện Dương Minh Châu - kể: Chẳng hạn mô hình toàn dân tham gia tố giác, vây bắt tội phạm, được tổ chức tại ấp, xã, từ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Dân giám sát, tố giác, Công an kiểm tra, tổng hợp chứng cứ, đấu tranh ngăn chặn tội phạm.

Mô hình các “Tổ xe ôm an toàn an ninh trật tự”. Công an xây dựng phong trào, vận động thành lập tổ, có ban điều hành, hướng dẫn phong trào cảnh giác, cách nhận biết các dấu hiệu phạm tội. Các tổ xe ôm tích cực tham gia, báo tin, tố giác, truy đuổi tội phạm.

Đây là một mô hình từ cuộc sống, gắn với cuộc sống, một mặt trận của nhân dân, do nhân dân tích cực tham gia. Công an là lực lượng nòng cốt, vận động thành phong trào, sát cánh hỗ trợ, tạo nên sức mạnh quần chúng rộng rãi phòng ngừa và vây bắt tội phạm mỗi khi chúng vừa xuất hiện.

Một mô hình hay, hiện đại và văn minh là lắp đặt hệ thống camera theo dõi giao thông và phòng chống tội phạm. Tại huyện Dương Minh Châu, Công an huyện tham mưu đề xuất Ủy ban vận động các Mạnh thường quân để xã hội hóa việc trang bị camera. Nhận thấy có ích cho xã hội, nhiều Mạnh thường quân nhiệt tình tham gia đóng góp, xây dựng nên một hệ thống camera hữu hiệu.

Dưới chân núi Bà Ðen - Ảnh minh hoạ 3
Các danh hiệu mà Ðảng Nhà nước và Bộ Công an trao tặng cho công an huyện Dương Minh Châu.

Huyện Dương Minh Châu làm đầu tiên, tạo ra hệ thống canh gác thường xuyên, văn minh, rút kinh nghiệm cho nhiều nơi khác làm theo, đạt hiệu quả cao khiến tội phạm chùn tay.

Nhiều vụ án trộm cắp tài sản, đục két sắt khi chủ vắng nhà, được camera công cộng ghi lại, giúp Công an nhanh chóng xác định chính xác đối tượng, điều tra và truy bắt nhanh gọn.

Hồ Dầu Tiếng là nguồn nước quan trọng của cả vùng, được Công an bảo vệ đêm ngày, từ mặt hồ, đảo, đê đập, cống ngầm, hầm xả lũ… Trên mặt hồ, mô hình đội đánh bắt hải sản an toàn, an ninh, trật tự được thành lập, phối hợp với Công an theo sát tình hình, không để xảy ra tình huống bị động…

Các đảo trên hồ Dầu Tiếng khi nước lên thì dân di dời, nước rút dân nhiều nơi đến sản xuất nông nghiệp, nên dễ diễn ra những phức tạp. Mô hình tổ chức thanh niên xung kích được thành lập, bảo vệ môi trường, quản lý an ninh, trật tự, đất đai…

Hiệu quả phá án từ việc lắp hệ thống camera cao. Nhiều vụ án nhờ có camera ghi lại, Công an nhanh chóng phá án, các tai nạn giao thông có camera làm chứng, cũng được giải quyết nhanh chóng, tạo thêm niềm tin và giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Với địa hình phức tạp, rừng núi, biên giới, dân thưa, hệ thống camera phát huy cao hiệu quả, trong khi vào dịp lễ đông người vẫn không thấy nhiều CSGT. Một số nơi như Hòa Thành còn dựng hình ảnh CSGT cầm máy bắn tốc độ đặt ngoài đường để cảnh báo người đi đường.

7 cây cờ thi đua

Mô hình Tổ an ninh xã ấp ở huyện Dương Minh Châu liên tục 7 năm liền được nhận Cờ thi đua của Bộ Công an. Phần thưởng này ghi nhận các thành tích về phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, tỷ lệ phá án cao, phát huy hiệu quả các mô hình…

“Làm thì được, nói khó quá” là câu quen thuộc của các lãnh đạo Công an Tây Ninh. Ai cũng ngại nói về thành tích, chỉ sẵn sàng lao vào công việc như người lính, với cái tâm hết mình vì bình yên cuộc sống.

“Giỏi đến đâu không biết, nhưng dân không mến thì khó hoàn thành nhiệm vụ”, Trung tá Lê Trung Quốc - Phó trưởng Công an huyện Dương Minh Châu nhấn mạnh cái gốc của các nguyên nhân dẫn đến thành công và nói thêm: Ở đây dân quý Công an, sát cánh cùng Công an bảo đảm an ninh trật tự, góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp văn minh. Làm thế nào để dân quý không phải ngày một ngày hai, phải là cả quá trình để dân tin. Dân tin rồi, khó mấy có dân giúp cũng vượt qua được.

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, trung thành, chiến đấu vì  hạnh phúc nhân dân, Công an Tây Ninh đạt danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Danh hiệu ấy có cả chiến công của ông cha, cả sự tận tụy chiến đấu của lớp trẻ ngày nay của lực lượng bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân dưới chân núi Bà Đen.

Sang Hoa

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

 Từ khóa: tây ninh, sừng sững

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây