Chúng tôi đến khi bữa cơm trưa của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực số 3 vừa dọn ra. Chỉ có mấy mâm cơm, vì nhiều anh em đang túc trực giúp đỡ gia đình liệt sỹ Đại úy Phạm Công Huy lo đón, tiếp khách, chuẩn bị cho lễ tang vào ngày 16-1.
Trước bữa ăn, Thượng úy Nguyễn Đức Anh, người anh thân thiết của Huy gắp thức ăn vào bát cơm rồi để đôi đũa lên trên, xếp chiếc ghế ngồi đối diện… Thượng úy Nguyễn Đức Anh cho biết: “5 ngày nay, từ lúc nhận được tin Huy hy sinh, mỗi ngày 3 bữa cơm của đơn vị, anh em trong Đội đều để phần bát cơm cho em ấy, như Huy vẫn còn đang ở đây”. Nói đến đây giọng anh chùng xuống, không khí bữa ăn nỗi buồn bao phủ, sự ra đi bất ngờ của liệt sĩ, Đại úy Phạm Công Huy là nỗi mất mát lớn.
Thượng úy Nguyễn Đức Anh lau chùi chiếc mũ của liệt sĩ, Đại úy Phạm Công Huy. |
Trung tá Nguyễn Như Ý, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực số 3 kể lại, ngày 6-1, Đội nhận lệnh tập trung 100% quân số thương trực tại đơn vị. Khoảng 20h ngày 8-1, Huy cùng các cán bộ, chiến sĩ khác được điều động đi làm nhiệm vụ. “Sáng hôm sau, tôi đang tổ chức giao ban định kỳ hàng ngày của đơn vị thì nhận được thông tin 3 đồng chí hy sinh trong đó có Huy. Vì trong tổ công tác hôm đấy, có 2 người tên Huy nên tôi không tin, liên tục gọi điện thoại nhiều nơi để xác minh. Khi biết được thông tin chính thức, tôi và anh em trong đơn vị từ bàng hoàng đến đau lòng và căm phẫn trước hành vi của nhóm đối tượng chống đối đã dùng xăng để sát hại đồng chí, đồng đội của chúng tôi”- Trung tá Nguyễn Như Ý chia sẻ.
Trong bữa ăn, đồng đội để phần cơm cho liệt sĩ, Đại úy Phạm Công Huy |
Trước thời điểm khi tổ công tác của đội lên đường nhận nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Như Ý đã cho anh em trong đội nghỉ sớm, cùng nhau ra sân đá bóng ngay cạnh đấy. Do Huy là người yêu thích môn thể thao này nên cậu ấy hét vang, chạy ngay đi thay quần áo để vào sân. Đến gần 18h, dù sắp đến bữa cơm tối, Huy vẫn xin phép dắt xe máy ra ngoài nói đi cắt tóc và mua một số đồ… rồi Huy về ăn cơm muộn hơn và lên đường nhận nhiệm vụ thì xảy ra chuyện.
Cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực số 3 rửa xe cứu hỏa, sẵn sàng lên đường chữa cháy |
Năm 2013, sau khi học xong, Huy được điều động về công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Đống Đa. Đến năm 2017, Huy được điều động về Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Bắc Thăng Long (sau này đổi tên là Khu vực số 3). Sau đó, anh tham gia lớp đại học tại chức hệ vừa học vừa làm của Trường Đại học PCCC. Tuy học cả ngày nhưng tối anh lại đi hơn 30km về đơn vị trực, khi xảy ra cháy tiếp tục cùng đồng đội tham gia chữa cháy, CNCH.
Gần đây thôi, tháng 8-2019, Huy còn trực tiếp giải cứu người đàn ông quốc tịch Pháp. Khoảng 13h30’ ngày 17-8, nhận được tin báo từ Trung tâm thông tin chỉ huy 114, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực số 3 nhận lệnh chi viện phối hợp với các đơn vị chức năng giải cứu người đàn ông đang leo ra ban công căn phòng thuê trên tầng 7 và có ý định tự vẫn. Khi đến hiện trường, tổ công tác nhận thấy có 1 người đàn ông quốc tịch Pháp đang trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, ngồi ở trên thành cửa sổ tầng 7 của Khách sạn Mê Linh.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội và Thượng tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Công an huyện Mê Linh, Công an thị trấn Quang Minh đã phối hợp với các đơn vị và đại diện Đại sứ Pháp tại Việt Nam vận động thuyết phục người đàn ông trong nhiều giờ đồng hồ nhưng anh này vẫn không bỏ ý định tự tử.
Quá trình giải cứu của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn và phải kéo dài thời gian bởi người đàn ông ngoại quốc có tâm lý sợ sệt, khó tiếp xúc với bất cứ ai. Cửa phòng căn hộ 704 đã bị người này khóa chặt. Trước dấu hiệu tâm lý ngày càng bất ổn, sau hơn 8 giờ vận động thuyết phục, Công an đã giải cứu người đàn ông này. Lúc này, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH số 3 triển khai 2 cuộn dây cứu người từ tầng 8 khách sạn.
Đến khoảng 19h30’, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực số 3, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực số 2 phối hợp với Công an huyện Mê Linh tổ chức triển khai đội hình CNCH tụt dây từ tầng 8 xuống tầng 7 để khống chế. Khi đó, Huy đu cuộn dây tiếp cận người đàn ông. Đồng đội và nhiều người theo dõi mong chờ từ Huy và rất nhanh chóng, anh đã triển khai kỹ chiến thuật đưa người đàn ông từ cửa sổ vào trong nhà an toàn. Nhanh chóng một tổ công tác khác phối hợp cùng với Huy giữ chặt người đàn ông đang trong tinh thần hoảng loạn.
Tiếp đó, khoảng 7h45’ ngày 23-9, đội tiếp tục chi viện chữa cháy ở chợ Tó, địa chỉ xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. 3 xe chữa cháy xuất phát, Huy cùng 18 cán bộ chiến sỹ đến đám cháy. Khi đó, do tính chất phức tạp của vụ hỏa hoạn, các cửa hàng trong chợ có nhiều hàng hóa nên lửa và khói bốc cao nghi ngút, có khả năng một số công trình trong chợ sụp đổ… Dưới sự chỉ đạo của chỉ huy chữa cháy, Huy cùng đồng đội triển khai các biện pháp trinh sát, sử dụng đường lăng khống chế đám cháy không lan rộng ra trong phạm vi cho phép. Đến 9h30’ cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế, dập tắt.
Đấy chỉ là một trong nhiều vụ chữa cháy, CNCH mà Huy đã cùng đồng đội tham gia. Vụ chữa cháy gần đây, trong ca trực, tiếng còi báo động, anh cùng đồng đội lên đường chi viện chữa cháy ở làng nghề, huyện Đan Phượng nhưng đi được khoảng 20km thì nhận lệnh quay về vì vụ hỏa hoạn đã được khống chế… Và đây cũng là nhiệm vụ cuối cùng mà anh tham gia trong cuộc đời binh nghiệp của người lính cứu hỏa.
Sáng 14-1, đại diện gia đình anh đã đến đội để xin lại chiếu, chăn, màn, các vật dụng cá nhân… để nhường chiếc giường cho đồng đội khác tiếp tục công việc dang dở mà anh đang theo đuổi. Tại tầng 1, nơi để mũ và ủng của cán bộ chiến sỹ, Thượng úy Nguyễn Đức Anh lấy tay lau chùi mũ cho người em thân thiết và cho biết, hôm tổ chức lễ tang sẽ mang đến để đặt cạnh linh cữu của liệt sĩ Phạm Công Huy, kỷ vật thiêng liêng của người lính cứu hỏa.
Tác giả: Minh Hiền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn