Để đạt được những chiến công, thành tích đó, có phần đóng góp rất quan trọng của lực lượng Tài chính CAND trong việc đảm bảo ngân sách đáp ứng các yêu cầu công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng của Công an các cấp.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, hệ thống tổ chức CAND được hình thành; mọi nhu cầu chi tiêu phục vụ cho hoạt động, đảm bảo chế độ đãi ngộ về vật chất cho cán bộ, chiến sĩ Công an ở cơ quan Bộ do ngân sách trung ương đảm bảo, ở địa phương do ngân sách địa phương đảm bảo.
Cục Tài chính thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo để nâng cao chất lượng công tác tài chính trong lực lượng CAND. |
Để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Nha Công an Việt Nam, ngày 17-4-1946, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Nghị định số 331/TC lập một quỹ ứng tại Nha Công an Việt Nam, quy định quy chế chi tiêu, có tổ chức tài chính, kế toán và bộ phận cán bộ được phân công làm công tác tài chính, kế toán. Để đánh dấu sự kiện này, Bộ Công an đã xác định ngày 17-4 hằng năm là Ngày truyền thống của lực lượng Tài chính CAND.
Thời điểm được xác định là Ngày truyền thống của lực lượng Tài chính CAND (ngày 17-4-1946), đất nước ta đang ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kinh tế vô cùng khó khăn, chúng ta phải đồng thời chiến đấu với thù trong, giặc ngoài. Để đảm bảo công tác, chiến đấu, mỗi cơ quan và cán bộ, chiến sĩ Công an đã phải tăng gia, sản xuất tại chỗ với phương châm tự túc, tự cấp. Tổ chức đảm nhiệm công tác tài vụ, kế toán là một bộ phận nằm trong văn phòng cơ quan Công an các cấp.
Qua các giai đoạn lịch sử cách mạng với tên gọi khác nhau, đến ngày 11-1-1967, thực hiện Nghị quyết số 03/CP của Hội đồng Chính phủ về việc củng cố và tăng cường lực lượng CAND, tới ngày 28-12-1968, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu đã ký Thông tư liên Bộ số 147/TT-LB về việc sửa đổi chế độ quản lý tài chính của lực lượng CAND.
Theo đó, từ ngày 1-1-1969, việc chi tiêu của lực lượng Công an từ Trung ương đến địa phương đều do ngân sách Trung ương đài thọ và do Bộ Công an quản lý thống nhất theo ngành dọc. Vụ Tài vụ - Vật tư là cơ quan chuyên môn giúp Bộ tổng hợp kế hoạch quản lý, phân bổ ngân sách, vật tư, thiết bị, xây dựng cơ bản… của lực lượng CAND theo đúng chính sách của Nhà nước và quy định của Bộ trưởng.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho lực lượng CAND gắn việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng với công tác đảm bảo kinh phí và hình thành hệ thống tổ chức, thiết lập công tác quản lý tài chính theo hệ thống trong toàn lực lượng CAND.
Ngày 21-12-1973, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 267/TTg quy định về việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của lực lượng CAND. Từ năm 1974, Bộ Công an được giao quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo ngành dọc và trực tiếp chịu sự quản lý của Bộ Tài chính. Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho việc đảm bảo yêu cầu giữ bí mật và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản của lực lượng CAND.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 6-6-1975, Quốc hội khóa V ra Nghị quyết hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Công an lấy tên là Bộ Nội vụ. Cơ quan tài chính, hậu cần của Bộ cũng được củng cố, kiện toàn với Quyết định số 08/CP ngày 21-1-1977 của Hội đồng Chính phủ. Theo đó, Vụ Tài vụ - Vật tư được tách thành Vụ Tài vụ và 4 vụ, cục chuyên ngành hậu cần.
Ngày 18-4-1978, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn ký ban hành Quyết định số 53/NV-QĐ quy định nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Vụ Tài vụ. Trong đó quy định: Vụ Tài vụ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tài vụ - kế toán trong toàn lực lượng Công an, quản lý chặt chẽ các loại kinh phí, phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng. Với việc thành lập Vụ Tài vụ, công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, quản lý và sử dụng ngân sách trong toàn lực lượng đã có cơ quan chuyên môn cấp vụ phụ trách…
Từ đó đến nay, hệ thống tổ chức tài chính tiếp tục được củng cố từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương. Đi đôi với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính, kế toán được bố trí từ Bộ đến các đơn vị sử dụng ngân sách được củng cố cả về số lượng cũng như chuyên môn, nghiệp vụ; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài chính, tài sản của các cấp Công an trong từng thời kỳ.
Điểm lại những sự kiện lịch sử về sự hình thành và phát triển của lực lượng Tài chính CAND có thể thấy: Trải qua 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Tài chính CAND nói riêng đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, quy định của Bộ Công an và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND; không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ và cấp ủy đảng, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm tài chính phục vụ có hiệu quả các yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng; từng bước hoàn thiện phương thức bảo đảm tài chính của lực lượng CAND phù hợp với cơ chế quản lý ngân sách thời kỳ đổi mới, triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Tài chính CAND luôn tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính; chủ động đáp ứng yêu cầu công tác trong mọi giai đoạn cách mạng.
Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng Tài chính CAND xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là chủ động tài chính phục vụ triển khai Đề án "Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và triển khai Công an xã chính quy; cùng với đó là nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo đề xuất Bộ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy hệ lực lượng tài chính CAND từ Bộ đến các đơn vị, địa phương thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, cơ cấu thu chi ngân sách đảm bảo tuân thủ pháp luật và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.
Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác tài chính trong CAND luôn lấy Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là kim chỉ nam, là mục tiêu phấn đấu để ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao ý thức trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới…
Với những nỗ lực và thành tích đạt được, lực lượng Tài chính CAND đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Cục Tài chính được tặng thưởng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhì (2011), “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhất (2016), Cờ thi đua của Chính phủ (2017) và trong nhiều năm liền được tặng “Cờ thi đua của Bộ Công an”. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Tài chính CAND được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại; được Chính phủ, các cấp, các ngành tặng Bằng khen, Giấy khen… |
Tác giả: Thiếu tướng Trịnh Ngọc Bảo Duy - Cục trưởng Cục Tài chính
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn