Nhiều năm qua Công an thị xã Đông Hòa luôn chủ động phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tạo nên điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn cho du khách tại 3 di tích lịch sử, danh thắng quốc gia là núi Đá Bia trên dãy núi Đại Lãnh, Khu di tích lịch sử tàu không số Vũng Rô ở vịnh biển Vũng Rô và danh thắng quốc gia Mũi Điện, nơi đây là vùng du lịch khám phá cảnh quan ngoạn mục, đậm chất hoang sơ gắn với những huyền tích độc đáo, cuốn hút du khách trong và ngoài nước.
Đi qua đèo Cả trên huyết mạch giao thông xuyên Việt nối liền hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa với cảnh quan hùng vĩ bởi những cung đường uốn lượn quanh co trên lưng dãy núi Trường Sơn chồm mình vươn ra phía biển. Nhìn lên đỉnh núi du khách bắt gặp Đá Bia, còn gọi là Thạch Bi Sơn – một danh thắng quốc gia nằm ở độ cao 706m so với mặt nước biển.
Ở đó có khối đá khổng lồ, cao 76m, sừng sững vươn lên bầu trời. Tương truyền cách đây 550 năm, trong hành trình Nam tiến, vua Lê Thánh Tông sai lính khắc chữ trên Đá Bia vào mùa xuân Tân Mão – 1471. Khi qua đèo Cả giữa thế kỷ XIX, quan đại thần triều Nguyễn Phan Thanh Giản nhìn lên Đá Bia tưởng nhớ vua Lê Thánh Tông, nên viết bài thơ chữ Hán, được dịch nghĩa: “Mảnh đá đầu non dựng/Tầng cao ngất một phương/Chia bờ nêu cột Hán/Đuổi giặc trú xe đường/ Chữ triện mây lu nét/ Công thần sử dọi gương/Chạm bia người đã vắng/Lữ khách chạnh lòng thương”.
Để khai thác tiềm năng văn hóa du lịch ngọn núi thiêng, con đường hơn 200 bậc thang lên Đá Bia len lỏi giữa rừng đã được xây dựng từ năm 2000 và đã thu hút nhiều nhóm du khảo, leo núi thể thao.
Công an thị xã Đông Hòa phối hợp cùng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự tại danh thắng quốc gia Mũi Điện. |
Phía đông Đá Bia là hải đăng Mũi Điện được người Pháp xây dựng từ năm 1890 và là một trong hai điểm đất liền Việt Nam đón bình minh sớm nhất. Từ trên đèo Cả nhìn xuống là vịnh biển Vũng Rô xanh màu ngọc bích. Trong chiến tranh, nơi ấy từng là điểm đến của 3 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011.
Đến đêm 15/2/1965, chuyến tàu không số thứ tư do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy vận chuyển 63 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô. Sau khi bốc dỡ toàn bộ vũ khí lên bờ, tàu chuẩn bị rời bến thì bị sự cố kỹ thuật, đến khi sửa chữa xong thì trời sáng tỏ nên phải giăng lưới, phủ lá rừng che kín thân tàu tạo thành “mỏm núi” Bãi Chùa.
Tình cờ máy bay địch phát hiện “mỏm núi” khác biệt những tấm không ảnh trước đó, nên huy động máy bay bắn rốc két, tên lửa, khiến lá ngụy trang bị cháy, tàu 143 lộ diện. Đại đội K60 địa phương cùng thủy thủ trên tàu không số đã kích hoạt chất nổ đánh chìm tàu, tạo nên “Sự kiện lịch sử ở Vũng Rô”.
Để chủ động bảo đảm ANTT, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, Công an thị xã Đông Hòa không chỉ tăng cường Công an chính quy về hai xã Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm, mà còn tuyển chọn, đề xuất bổ nhiệm Trưởng, Phó Công an xã là những cán bộ năng động, từng đảm nhiệm chức trách ở các đội nghiệp vụ, có nhiều trải nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao.
Mặt khác, các đội nghiệp vụ thuộc Công an thị xã Đông Hòa thường xuyên bám sát địa bàn cơ sở, phối hợp Công an hai xã Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm và Đồn Biên phòng cửa khẩu Vũng Rô, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, triển khai phương án tuần tra, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, kết hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng vững chắc phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, nên hơn 1 năm qua địa bàn này không xảy ra trọng án; du khách tham quan, khám phá các di tích, danh thắng quốc gia đảm bảo an ninh - an toàn.
Cạnh đó, mỗi năm Công an xã Hòa Xuân Nam còn phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu Vũng Rô và các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động vận tải hàng hóa và chuyển tải khí hóa lỏng ở cảng Vũng Rô; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ hàng trăm tàu cá của ngư dân cùng hàng chục tàu vận tải biển trong và ngoài nước neo đậu tránh bão; góp phần bảo vệ an toàn hầm đường bộ, hầm đường sắt đèo Cả trên huyết mạch giao thông xuyên Việt…
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND thị xã Đông Hòa chia sẻ: “Những nỗ lực tích cực của Công an thị xã Đông Hòa bảo đảm ổn định ANTT, an ninh du lịch đã góp phần hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tham quan, thưởng ngoạn 3 di tích lịch sử, danh thắng quốc gia ở nơi này tăng cao dần mỗi năm.
Thêm một điều đáng ghi nhận là người dân địa phương không chỉ chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế gắn liền dịch vụ du lịch sinh thái mà còn nâng cao nhận thức bảo vệ ANTT, bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng quốc gia, đổi mới văn hóa ứng xử… Vì thế vùng đất phía cực Nam Phú Yên đã và đang chuyển động khởi sắc, phát triển kinh tế rừng – biển gắn liền kinh tế du lịch…”.
Tác giả: Phan Thế Hữu Toàn
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn