Với sự xuất hiện cùng lúc của 21 nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC, công tác bảo vệ an ninh càng trở nên vất vả và phức tạp.
Đáp ứng và phù hợp
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên chúng tôi, công tác an ninh, bảo vệ cho các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC đã được triển khai đồng bộ và trải dài từ sân bay quốc tế Đà Nẵng cho đến các tuyến đường đi của đoàn xe cũng như tại nơi lưu trú của các đoàn. Các phương án bảo vệ cũng đã được lên kế hoạch sẵn và tùy tình huống thì được triển khai sao cho phù hợp với hoàn cảnh và từng nhà lãnh đạo nền kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi, một thành viên của Tiểu ban An ninh trật tự APEC (Bộ Công an cho biết), mỗi nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC đều có những yêu cầu, đòi hỏi riêng về công tác bảo vệ an ninh. Là nước chủ nhà APEC, Việt Nam luôn phải đáp ứng các yêu cầu này một cách cao nhất và phù hợp nhất với hoàn cảnh, điều kiện an ninh trong nước. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ của Việt Nam cũng hết sức hỗ trợ, hợp tác với lực lượng an ninh của các nước bạn, nhất là những cơ quan mật vụ chuyên trách bảo vệ lãnh đạo cấp cao.
Thông thường, đơn vị chuyên nhận nhiệm vụ triển khai phương án bảo vệ các trưởng đoàn APEC, các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC hay phu nhân và phu quân APEC là Bộ Tư lệnh cảnh vệ.
An ninh cho Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn có 3 vòng. Vòng trong cùng do đơn vị bảo vệ Tổng thống (PPD) trực thuộc Cơ quan Mật vụ Mỹ đảm nhiệm. |
“Tính đến nay, hơn 200 hội nghị và các cuộc họp có liên quan của Năm APEC Việt Nam 2017 được tổ chức tại 9 tỉnh thành đã được bảo vệ an toàn. Và Tuần lễ cấp cao Đà Nẵng đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực lớn của đơn vị. Không gian bảo vệ rộng và dàn trải cũng khiến công tác trở nên khó khăn hơn. Đó là chưa kể đến việc di chuyển trên đường phố của các đoàn lãnh đạo nền kinh tế APEC”, một cán bộ Bộ Tư lệnh cảnh vệ tiết lộ.
Từ Tổng thống Mỹ...
Để bảo vệ an toàn và đảm bảo cho sự thành công của Tuần lễ cấp cao APEC, gần 1.000 cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh cảnh vệ đã có mặt tại Đà Nẵng để thực thi nhiệm vụ được giao, trong đó đặc biệt là bảo vệ các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC.
Trong số 21 nhà lãnh đạo APEC, công tác bảo vệ an ninh cho Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ là phức tạp nhất. Chỉ riêng tại khu vực sân bay, thường khi Tổng thống Mỹ công du nước ngoài, an ninh Mỹ bao giờ cũng đòi hỏi một khu vực riêng, kiểm soát an ninh cả các tòa nhà cao tầng quanh sân bay để bố trí. Khi Tổng thống Mỹ hạ cánh và cất cánh ở sân bay, thường là khu vực này sẽ bị đóng cửa trong vòng 3-6 tiếng, tùy tình hình và thời điểm.
Đối với Tuần lễ cấp cao APEC, trước khi chiếc Air Force One chở Tổng thống Donald Trump hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, đoàn Mỹ đã có tới 4 chiếc Boeing C-17 Globemaster III cùng C-40 liên tục hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 8 tháng 11 để mang theo các hàng hóa, đồ dùng, trang thiết bị an ninh phục vụ cho chuyến công tác và chiếc Cadillac “Quái thú” chuyên phục vụ di chuyển trên đường phố.
Thêm vào đó là chiếc trực thăng Marine One, sau khi khởi động dưới sân đỗ có vị trí ưu tiên đặc biệt tại sân bay Đà Nẵng hôm 7-11, đã thử cất cánh bay trên trời, hướng về các khu nghỉ dưỡng ở bờ biển. Marine One là trực thăng chuyên chở Tổng thống Mỹ di chuyển ở phạm vi ngắn trong các chuyến công du nước ngoài. Lần này tới Đà Nẵng, Marine One có nhiệm vụ hỗ trợ, cảnh giới từ trên cao trong suốt hành trình của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Putin đến sân bay Đà Nẵng. |
Thông tin từ Ban Thư ký APEC cho hay, lần này đến Việt Nam, đoàn Mỹ có 1.200 người đi theo Tổng thống Donald Trump gồm các quan chức Chính phủ, tùy tùng của Tổng thống, doanh nghiệp, nhà báo, mật vụ và các lực lượng an ninh. 3 tháng trước khi Tuần lễ cấp cao APEC được bắt đầu, các mật vụ cùng nhân viên Nhà Trắng đã thực hiện một số cuộc tiền trạm và kiểm tra kỹ lưỡng những địa điểm trong lịch trình hoạt động của Tổng thống Donald Trump.
Một cán bộ trong Bộ Tư lệnh cảnh vệ cho chúng tôi biết, đoàn tiền trạm an ninh này của Mỹ đã đưa ra một số yêu cầu về đảm bảo an ninh không phận, bố trí các đoàn xe dẫn đường, bệnh viện và cả nơi có thể ẩn náu trong trường hợp khẩn cấp hoặc xảy ra một vụ tấn công. Còn trong Tuần lễ cấp cao APEC, ngay từ những ngày đầu của tháng 11, mật vụ Mỹ đã cùng với một số cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đi kiểm tra an ninh tại các khu vực mà Tổng thống Mĩ di chuyển qua.
Chó nghiệp vụ (hay còn gọi là đơn vị K9) là thành viên không thể thiếu trong lực lượng an ninh đảm bảo an toàn cho Tổng thống Mỹ mỗi khi công du nước ngoài. Tối 9-11, cánh phóng viên chúng tôi đã được tận mắt ngắm nhìn những chú chó này khi chúng được các mật vụ Mỹ dắt đi trong một khu vực ở sân bay quốc tế Đà Nẵng. Những chú chó này có nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện các dấu hiệu khả nghi và tìm kiếm các mối đe dọa tiềm ẩn ở bán kính 100m xung quanh Tổng thống Mỹ.
Chưa hết, việc bảo vệ Tổng thống Mỹ bao giờ cũng được thực hiện thành 3 vòng an ninh trong đó không thể thiếu đơn vị bảo vệ Tổng thống (PPD) trực thuộc Cơ quan mật vụ Mỹ. Công việc của PPD vô cùng đa dạng, từ lập đội xe hộ tống, sắp xếp nhân viên an ninh tháp tùng tổng thống trong các chuyến công du toàn cầu đến túc trực bên cạnh tổng thống 24/7.
Tôn chỉ hành động của họ là bảo vệ tổng thống bằng mọi giá, dù phải hy sinh tính mạng. Rất dễ để nhận diện các thành viên PPD. Họ thường mặc vest, có vẻ ngoài lạnh lùng và thường đứng sát cạnh Tổng thống Mỹ mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Nhiều lúc, họ cũng phải chạy bám theo đoàn xe của tổng thống...
Các lực lượng chuyên nhiệm của Công an nhân dân Việt Nam đảm bảo an ninh cho APEC 2017. Ảnh: CTV. |
...đến ông chủ Điện Kremlin
Cũng giống như ông chủ Nhà Trắng Donald Trump, là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng khắp thế giới nên vấn đề đảm bảo an ninh cho ông chủ Điện Kremlin cũng luôn được đề cao. Tuy không rầm rộ như người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn thường công du nước ngoài với đoàn tháp tùng hàng trăm người, bao gồm nhiều vệ sĩ và nhân viên an ninh.
4 ngày trước khi chuyên cơ chở Tổng thống Vladimir Putin tới Đà Nẵng, chiếc vận tải IL-76 số hiệu RA 76669 phục vụ công tác hậu cần đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Còn trong sáng 10-11, Tổng thống Vladimir Putin được dàn vệ sĩ hùng hậu cùng các đơn vị CSGT và an ninh của Việt Nam hộ tống từ sân bay về khách sạn để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo trong Tuần lễ cấp cao APEC.
Một trung úy trong đơn vị phục vụ đoàn Tổng thống Nga cho chúng tôi biết, các vệ sĩ đi theo Tổng thống Nga tới Đà Nẵng lần này đều còn rất trẻ, chưa quá 35 tuổi, cao tầm 1,8m đến 1,9m và đều là những nhân viên ưu tú từ các lực lượng đặc nhiệm Nga mang tên Cục bảo vệ Liên bang (FSO). Anh bạn phóng viên ở Hãng Sputnik của Nga đang tham dự đưa tin Tuần lễ cấp cao APEC cũng xác nhận điều này với chúng tôi.
Anh kể rằng, theo thông tin mà anh biết được, dàn vệ sĩ của Tổng thống Putin luôn được tuyển chọn kỹ lưỡng và ngoài các kỹ năng thông thường của vệ sĩ, những người này phải có kinh nghiệm nhảy dù quân sự và sử dụng vũ khí hạng nặng. Trước khi được chính thức phục vụ Tổng thống Nga, họ còn phải trải qua khóa huấn luyện về sinh tồn và chiến đấu trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Lực lượng vệ sĩ của ông Putin được phân chia các nhiệm vụ cụ thể, từ việc bảo vệ tiếp cận cho đến ngăn chặn từ xa những người muốn tiếp cận ông và thậm chí cả nhiệm vụ bắn tỉa. Những "tay súng" này "núp" ở những nơi người thường khó có thể nhận ra và nổ súng tiêu diệt những kẻ muốn làm hại Tổng thống Nga từ khoảng cách hàng trăm mét.
Nhật báo Komsomol tiết lộ, để đảm bảo nắm rõ thực địa và có kế hoạch tốt nhất cho an toàn của người đứng đầu đất nước, nhân viên FSO sẽ bắt đầu thu thập thông tin về điểm đến của ông Putin trước chuyến thăm ít nhất 1-2 tháng. Về vũ khí, những “người mặc áo đen” bao quanh Tổng thống Vladimir Putin thường được trang bị loại súng Gyurza 9mm có thể xuyên thủng áo giáp chống đạn trong phạm vi 50m.
Ngoài ra, dàn vệ sĩ lớp ngoài của ông Vladimir Putin được trang bị súng tiểu liên AK-47, AKS-74U và súng bắn tỉa Dragunov. Thậm chí họ còn sử dụng súng máy cỡ lớn RPK, súng phóng lựu và tên lửa vác vai. Nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết ông Vladimir Putin có quan hệ tốt với các vệ sĩ, luôn gọi họ bằng tên riêng. Bản thân Tổng thống là một sĩ quan tình báo bí mật trong nhiều năm nên ông ý thức rất rõ những mối nguy mà mình phải đối mặt.
Đơn vị 8341
Trong khi đó, đội cảnh vệ thân cận nhất đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều là thành viên Cục An ninh trung ương (hay còn gọi là Đơn vị 8341). Thông tin về đơn vị này không được báo chí Trung Quốc tiết lộ nhiều. Người ta chỉ biết cơ quan này đặt tại Bắc Kinh, do cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thành lập năm 1949 ngay trước khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và được trao toàn bộ trách nhiệm an ninh cá nhân của các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.
Cục An ninh Trung ương thực chất là một sư đoàn các quân nhân thiện chiến, hoạt động dưới sự chỉ đạo của một vị quan chức quân đội mang hàm thiếu tướng.
Khi tới Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi trên chiếc máy bay thương mại Boeing 747-400 của Hãng Hàng không Quốc gia Air China đã được sửa đổi để phục vụ cho riêng ông. Cụ thể, ghế hành khách được tháo bỏ và thay thế bằng sofa, giường ngủ.
Nội thất của cabin dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình có phòng khách, phòng làm việc và phòng ngủ. Không gian máy bay được cơ cấu lại thành 4 khu vực, trong đó khu vực phía trước dành riêng cho Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao làm việc và nghỉ ngơi. 3 khu vực phía sau dành cho quan chức cấp Bộ, nhân viên an ninh, y tế và phi hành đoàn.
Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định sử dụng máy bay thương mại thay cho chuyên cơ riêng để tiết kiệm chi phí, chống lãng phí và tham nhũng.
Mỗi người một vẻ
Giống như nhà lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng luôn suy tính tiết kiệm tối đa cho ngân sách khi đi công du nước ngoài. Hôm 9-11, ông Shinzo Abe tới Đà Nẵng trên chiếc Boeing 747-400 chuyên phục vụ Hoàng gia, Thủ tướng và các quan chức cấp cao trong chính phủ. Với sải cánh gần 70 m và hệ thống động cơ tuyệt vời, máy bay này đạt tốc độ 916 km/h và tầm bay 14.000 km, do 2 phi công điều khiển. Chiếc máy bay này có 2 màu chủ đạo đỏ và trắng - trùng với màu quốc kỳ Nhật Bản và chở được tối đa 140 người.
Còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thì có chuyên cơ riêng và cầu kỳ hơn khi mang hẳn chiếc xe sang phục vụ ông đến Đà Nẵng. Chiếc xe này đã được siêu vận tải C-130 chở tới sân bay quốc tế Đà Nẵng trưa 7-11.
Đó là chuyện an ninh, đi lại, còn về ăn uống thì Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga cũng khá cầu kỳ và cẩn thận. Như đối với Mỹ thì những gì mà ông Donald Trump dùng trong các bữa ăn ở APEC đều do một đội ngũ đầu bếp và nhân viên phục vụ đảm nhận trách nhiệm từ khâu mua đồ ăn, nấu nướng dưới sự giám sát của các mật vụ để chắc chắn rằng không ai có thể can thiệp vào quá trình này.
Trước khi chiếc Air Force One cất cánh rời Mỹ để thực hiện chuyến đi của Tổng thống Donald Trump, đội ngũ này đã chuẩn bị sẵn và mang nguyên liệu để chuẩn bị cho thực đơn phục vụ Tổng thống. Cựu bếp trưởng Nhà Trắng Walter Scheib từng khẳng định không có chuyện có một nhân viên riêng chuyên thử đồ ăn cho tổng thống nhưng có rất nhiều biện pháp an ninh để đảm bảo an toàn cho tổng thống mỗi khi thưởng thức đồ ăn.
Thậm chí khi tổng thống dùng bữa tại một nhà hàng ở địa phương, các mật vụ cũng phải đảm bảo rằng ít người biết địa điểm chính xác mà ông sẽ đến, cũng như thức ăn tại nhà hàng không nhiễm độc với việc theo dõi khi đầu bếp nhà hàng chế biến. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin thì ông không bao giờ sử dụng các thực phẩm chưa được Điện Kremlin kiểm chứng.
Trước khi ông Vladimir Putin thực hiện chuyến công du, các thực phẩm từ Nga sẽ được vận chuyển trước, trong khi các cơ quan an ninh như FSB, SVR, FSO sẽ giám sát các đầu bếp của nước sở tại cùng đội ngũ nếm đồ ăn.
Huyền Chi - Thiện NhânNguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn