Trong quá trình triển khai chương trình này luôn có sự nỗ lực của lực lượng Công an “cắm bản”.
Bài 1: Đổi thay ở những xã mới nghe thấy đã xa
Xây dựng NTM là chủ trương của Đảng và Nhà nước đang được các cấp, các ngành và đông đảo người dân hưởng ứng. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị ở các tỉnh miền núi phía Bắc, phong trào xây dựng NTM theo Bộ Tiêu chí quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 17-10-2016 đang lan tỏa sâu rộng. Nhiều địa bàn từ một xã nghèo, đường giao thông bị chia cắt, giờ đã đổi thay đáng kể.
Niềm vui từ những con đường bê tông
Nằm cách Hà Nội 200km, Văn Chấn là một trong những huyện nghèo của tỉnh Yên Bái. Với ¾ diện tích là đồi núi, thời tiết khắc nghiệt khiến cuộc sống của bà con luôn phải đối diện với khó khăn. Tháng 10-2017, trận lũ tràn qua địa bàn gây thiệt hại nặng nề về tài sản, diện tích hoa màu, gia súc.
Trung tá Hoàng Thanh Ngọc, Phó trưởng Công an huyện Văn Chấn vừa “hoa tiêu” đường cho chúng tôi, vừa tâm sự: Huyện có 28 xã và 3 thị trấn với 17 dân tộc sinh sống (trên 15,5 vạn nhân khẩu). Cuộc sống bà con thường xuyên phải “đối mặt” với thiên tai, lũ lụt nên quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM gặp không ít khó khăn. Song với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng toàn thể bà con, một số địa bàn đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Từ trục quốc lộ 32, chúng tôi rẽ vào trung tâm xã Thanh Lương – một trong những địa bàn được công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Con đường liên thôn - bản Thanh Lương không còn trơn trượt, ổ “voi”, ổ “gà” khó đi như những năm trước đây. Con đường trải thảm bê tông dẫn vào trung tâm xã. Cuộc sống của bà con đã đổi thay.
Ông Hà Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương đón chúng tôi bằng cái bắt tay rất chặt. Ông hồ hởi khoe, ngày 26-9-2017 vừa qua, sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 100% tuyến đường nối từ trung tâm xã đến huyện được bê tông hóa.
Tác giả trò chuyện với bà con xã Thanh Lương (Văn Chấn – Yên Bái). |
Đứng trước trụ sở Hội trường UBND xã khang trang với diện tích hơn 200m2 còn nguyên vẹn mùi sơn, chúng tôi được đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, do chưa có kinh phí đầu tư xây dựng, khi có hội nghị, cán bộ xã cùng bà con phải họp trong căn nhà cấp 4 xập xệ. Nay hội trường có sức chứa gần 300 người được Nhà nước đầu tư đưa vào sử dụng từ giữa năm 2017 đã đáp ứng nhu cầu hội họp, tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho bà con các dân tộc: Mường, Tày… trên địa bàn.
Đến nay xã đã làm mới và nâng cấp được 26 công trình đường giao thông nông thôn, 7 công trình thủy lợi; xây dựng được 5 nhà văn hóa thôn, 1 nhà đa năng; xóa bỏ hơn 200 nhà tạm; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động; tình hình ANTT trên địa bàn luôn được giữ vững v.v…
Được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thanh Lương đã cho thấy sự chung tay của cấp ủy, chính quyền cũng như nghị lực vượt khó của bà con nơi đây. Ông Phùng Văn Minh, 88 tuổi, nhà ở bản Khá Thượng 1 (Thanh Lương) vui mừng kể rằng: “Năm lên 10 tuổi, ông bị biến chứng sau trận ốm dai dẳng. Một mắt không nhìn thấy gì. Sau này, tuổi già, sức yếu, mắt còn lại mờ dần. May là giữa năm 2017, có đoàn công tác của Bộ Y tế lên mổ mắt miễn phí, tôi mới nhìn thấy đường. Lúc ấy, tôi thấy đường trong thôn đẹp lắm. Nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng được khánh thành khang trang. Tôi và bà con ai cũng thấy phấn khởi!”.
Đồng hành cùng dân bản
Đỉnh đèo Ô Quý Hồ - một trong “tứ đại đỉnh đèo” phía Bắc ngút ngàn tầng mây. Từ Lào Cai, để qua huyện Tân Uyên (Lai Châu), mọi người phải vượt qua cung đường đèo uốn lượn khó đi. Là một huyện mới được thành lập vào ngày 1-1-2009, Tân Uyên được biết đến là địa bàn khó khăn trong tỉnh. Nhưng với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự chung tay tích cực của bà con các chòm bản trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, nơi đây tựa khoác tấm “áo choàng” mới rực rỡ sắc màu.
Về xã Trung Đồng (Tân Uyên), chúng tôi thấy một diện mạo nông thôn hoàn toàn đổi thay so với trước đây. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc Mông, Dao, Thái không ngừng được nâng lên. Khuôn viên rộng rãi, khang trang của trụ ở UBND xã là nơi giao lưu, gặp gỡ của bà con các chòm bản. Những hủ tục lạc hậu giờ được xóa bỏ, thay vào đó là những chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tính đến hết tháng 11-2017, cả nước có 2.884 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó có khoảng 326 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng hơn 500 xã so với cuối năm 2016. |
Ông Tòng Văn Muôn, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm gần đây, được sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, trong đó có Phòng Công tác chính trị (Công an tỉnh Lai Châu) – đơn vị nhận hỗ trợ xã trong quá trình xây dựng NTM, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay.
Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Với 21 thôn, bản (1.391 hộ), xã cơ bản đáp ứng 12/19 tiêu chí về chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn khởi hơn khi cuộc sống của 8 bản tái định của Dự án Thủy điện Bản Chát trên địa bàn đã đi vào ổn định. Giao thông đi lại giữa các thôn, bản không còn khó khăn như trước. Xây dựng NTM đã trở thành động lực để bà con hướng tới.
Cùng đi với chúng tôi, Thượng tá Tạ Phúc Rực, Phó trưởng Phòng Công tác Chính trị chia sẻ, thực hiện chủ trương xây dựng NTM trên địa bàn, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã giao cho các đơn vị trực thuộc chung tay, hỗ trợ các địa bàn trọng điểm vượt khó, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Trung Đồng là xã được Phòng Công tác Chính trị nhận “đỡ đầu” từ năm 2014. Cùng với chính quyền địa phương, Công an huyện Tân Uyên, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên có mặt tại địa bàn, nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động phổ biến kiến thức pháp luật tới bà con; chủ động tham mưu chính quyền xã triển khai các chính sách, chương trình phù hợp với thực tiễn.
Nhằm hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, Phòng Công tác Chính trị đã vận động các nhà hảo tâm (trong đó có Báo CAND) tài trợ, ủng hộ các phần quà với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng; nhiều công trình phụ trợ (bếp ăn, bể nước sạch, nhà vệ sinh…) cho Trường Tiểu học Tát Xôm được đưa vào sử dụng góp phần giúp các em học sinh có thêm điều kiện nuôi con chữ.
Tác giả: Trần Huy
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn