Sáng 30-8, mặc dù bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 4 nên tại khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tại Thanh Hóa, lượng mưa phổ biến từ 50-70mm, có nơi cao trên 100mm.
Để chủ động phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngay từ ngày 29-8, Công an các huyện miền núi Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành… đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, cứu nạn, cứu hộ địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với tình hình mưa lũ.
Huyện Mường Lát có nhiều điểm đối mặt nguy cơ sạt lở |
Riêng lực lượng công an các huyện đã chủ động tăng cường lực lượng xuống cơ sở nắm tình hình và phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai các biện pháp đảm bảo ANTT, trực tiếp đến từng hộ dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để tuyên truyền, vận động nhân dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Thành lập các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn, điều tiết giao thong, cảnh báo những khu vực nguy hiểm không cho người dân và phương tiện tham gia giao thông qua lại.
Thượng tá Lò Đức Minh, Trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lỡ cao, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài sẽ gây nguy hiểm nhiều hộ dân sống gần khu vực. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, công an huyện đã thành lập 12 tổ công tác với gần 60 CBCS xuống 9 địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá để cùng với chính quyền và lực lượng công an cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn để tránh trú. Trong đó, tập trung vào các địa bàn Bản Chim (xã Quang Chiểu), Bản Nà Ón, Ma Hát (xã Trung Lý), bản Pá Hộc (xã Nhi Sơn)…
Lực lượng công an Quan Sơn di dời khẩn cấp nhiều hộ dân trong vùng nguy hiểm. |
Tại địa bàn huyện Quan Hóa, lực lượng công an cũng đã huy động CBCS không nghỉ lễ 2/9 để tập trung cùng với cấp ủy – chính quyền và nhân dân phòng chống bão, lũ gây ra. Tại một số địa bàn trọng điểm như: Trung Sơn, Thanh Sơn, Hồi Xuân, Công an huyện đã bố trí 3 tổ công tác (mỗi tổ từ 5-7 đồng chí) thường trực có mặt tại đây để nắm diễn biến tình hình mưa lũ và tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho nhân dân, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Tại huyện Quan Sơn, nơi cơn bão số 3 vừa gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, lực lượng công an cũng đã thành lập 13 tổ công tác với trên 40 CBCS thường xuyên túc trực tại các địa bàn trọng điểm, xung yếu sẵn sang tham gia di dời người và tài sản khi có mưa lũ.
Riêng tại bản Sa Ná và một số bản khác có thể bị chia cắt… lực lượng công an đã chủ động phân công lực lượng cắm chốt từ sáng 29/8 để đề phòng mưa lũ gây ngập khu vực sông Luồng, gây chia cắt với khu vực bên ngoài…
Người dân huyện Thạch Thành di dời tài sản giảm thiệt hại khi nước lên cao. |
Giám đốc Công an tỉnh đã có điện khẩn chỉ đạo các đơn vị công an trong tỉnh, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão và tình hình mưa lũ, chủ động triển khai các phương án đảm bảo tốt ANTT, đảm bảo an toàn các công trình, mục tiêu trọng điểm, nhất là trụ sở làm việc, trại tạm giam, nhà giam giữ, hồ sơ, tài liệu, phương tiện chiến đấu.
Đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát các phương án phòng chống lụt bão, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng chống và ứng cứu khi có phương án điều động của công an tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
Tác giả: Đình Hợp
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn