Chuyện vận động người nước ngoài phòng dịch COVID-19

Thứ ba - 14/04/2020 06:18
Nhiều ngày nay, Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã cử cán bộ, chiến sỹ (CBCS) xuống địa bàn, kiểm tra, giám sát những người cách ly trong nhóm F0, F1, F2, đặc biệt là những người nước ngoài với khoảng 131 trường hợp.

Theo Đại tá Mai Trọng Thắng, Trưởng Công an quận Tây Hồ, từ khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Công an quận đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Công tác kiểm tra, rà soát nhóm F0, F1, F2… với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” được CBCS Công an quận, Công an phường triển khai quyết liệt. 

Đáng chú ý, trên địa bàn quận đã có 1 trường hợp F0; tiếp xúc với người nhiễm bệnh ở hệ F1 là 21 trường hợp; tiếp xúc với người nhiễm bệnh ở hệ F2 là 104 trường hợp; tiếp xúc khác (du học sinh về nước) là 38 trường hợp cách ly tại nhà. 

Để sàng lọc, rà soát, CBCS Công an quận, Công an phường được huy động, không quản ngại đêm hôm mưa gió đến từng hộ, giải thích với người dân, đặc biệt là người nước ngoài đi cách ly.

Chuyện vận động người nước ngoài phòng dịch COVID-19
Công an quận Tây Hồ, Hà Nội tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tới người nước ngoài tạm trú trên địa bàn.

Tại địa bàn phường Quảng An (Tây Hồ) nơi hiện có 3.565 nhân khẩu là người nước ngoài đang tạm trú trên địa bàn. Trung tá Đoàn Văn Dương, Trưởng Công an phường Quảng An cho biết, Cảnh sát khu vực đã tuyên truyền phòng, chống dịch đến 3.125 cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn; tổ chức rà soát, nắm tình hình số lao động, học sinh, sinh viên là người nước ngoài, công dân Việt Nam từ vùng có dịch bệnh hoặc di chuyển qua vùng có dịch về địa bàn làm việc, học tập sau Tết, số người nước ngoài là khách du lịch lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn quản lý. 

Phối hợp với Trung tâm y tế phường thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, các biện pháp tiêu độc, khử trùng các gia đình, các hộ tiếp giáp liền kề có người bị cách ly, với người trong gia đình để theo dõi, giám sát chặt chẽ về sức khỏe; đồng thời quản lý, cung cấp thông tin kịp thời những người đi từ vùng có dịch bệnh COVID-19 lưu trú trên địa bàn.

Tính đến ngày 12-4, đối tượng là người nước ngoài hiện đang bị cách ly là 14 người trong đó: F0 1 Quốc tịch Mỹ; F1 1 người; F2 9 người… 

Ngoài ra, đối tượng là người Việt Nam hiện đang bị cách ly là 44 người (trong đó, F0 1 trường hợp; F2 5 trường hợp… Địa điểm cách ly tại nhà là 55 trường hợp. Số người cách ly liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai là 47 người). 

Cũng theo Trung tá Đoàn Văn Dương, do đặc thù địa bàn có nhiều người nước ngoài nên trong quá trình cách ly gặp nhiều khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, nhất là lúc tuyên truyền và thông báo quyết định cách ly vì chỉ có Công an và y tế không có người phiên dịch nên khả năng truyền đạt các thông tin, quy định về việc chấp hành cách ly… 

Bên cạnh đó, cán bộ được giao nhiệm vụ chốt giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình về dịch bệnh COVID-19 có biết tên, tuổi, địa chỉ theo quyết định của Chủ tịch UBND phường nhưng không biết mặt (vì không có ảnh kèm theo) do vậy dễ xảy ra tình trạng người bị cách ly bỏ trốn.

Chuyện vận động người nước ngoài phòng dịch COVID-19 - Ảnh minh hoạ 2
Công an phường Quảng An phối hợp với cán bộ y tế tuyên truyền người dân phòng, chống dịch COVID-19.

Đơn cử, trong quá trình thực hiện quyết định cách ly đối với trường hợp bà Sey Haddy Jatou, quốc tịch Hoa Kỳ thuộc diện F1 đang cư trú tại đường Đặng Thai Mai, phường Quảng An và 2 trường hợp F2 là Eihadji và Muhummed Sy, đều quốc tịch Hoa Kỳ tiếp xúc với F1. 

Thời gian đầu thực hiện quyết định cách ly nghiêm túc. Tuy nhiên, đến những ngày cuối cùng của giai đoạn cách ly thì 2 trường hợp thuộc diện F2 thể hiện thái độ chống đối, không chấp hành quyết định tự cách ly tại khách sạn mà ngang nhiên dọn đồ đạc di chuyển ra khỏi khu vực cách ly, phản ứng mạnh mẽ với lực lượng tại chốt giám sát. 

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Cảnh sát khu vực báo cáo, Trung tá Đoàn Văn Dương đã chỉ đạo anh em tiếp tục thực hiện phương án mềm dẻo nhưng kiên quyết đối với các trường hợp cố tình rời bỏ nơi cách ly. 

Công an phường đã sử dụng tiếng Anh phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tuyên truyền, giải thích về những quyền lợi và nghĩa vụ của người nước ngoài trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sau đó, những trường hợp này đã thể hiện thái độ tích cực và hợp tác tiếp tục thực hiện quyết định cách ly.

Chuyện vận động người nước ngoài phòng dịch COVID-19 - Ảnh minh hoạ 3
Các thông báo về dịch COVID-19 được sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Cảnh sát khu vực chia làm 2 tổ công tác thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát nhắc nhở người dân không tụ tập đông người và xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra đường không có lý do chính đáng. 

Những nguyên tắc này được Công an phường áp dụng chung với cả người nước ngoài, và có thông báo công khai bằng tiếng Anh, để công dân nắm bắt, thực hiện. 

Khoảng đầu tháng 4, theo Công an phường Quảng An có  một số người nước ngoài vẫn coi thường dịch bệnh đi ra ngoài không đeo khẩu trang, lập tức tổ công tác của Công an phường đã nhắc nhở nhưng họ phản ứng và nói: “Bệnh này không là gì được họ vì con virus bé tí, có đeo khẩu trang cũng không ăn thua”. 

Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết, tổ công tác đã đề nghị họ quay trở về nơi cư trú, không ra ngoài đường theo đúng các Chỉ thị.

Tác giả: Minh Hiền

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây