Chuyện những người giữ lửa vùng cao

Thứ hai - 08/06/2020 20:05
Giải quyết tranh chấp ngay tại cơ sở, vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Nhà nước, giúp đỡ người nghèo, người neo đơn...là những công việc hàng ngày của cán bộ chiến sĩ Công an Bắc Giang tại các thôn, xã vùng cao trong tỉnh.


Họ - những người giữ lửa cho phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ), thắp lên niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an.

1.Tranh thủ cuối buổi chiều, Trung tá Đỗ Quang Hợp, Phó đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Việt Yên vào xã Quảng Minh thăm gia đình bà Trần Thị Kim. Bà Kim là hộ nghèo, bản thân bị khuyết tật nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, mỗi khi có dịp, anh Hợp cùng với CBCS trong đơn vị đến thăm, động viên, giúp đỡ gia đình bà. 

Mối thân tình giữa cán bộ Công an đối với gia đình bà Kim và những người dân xã Quảng Minh khởi nguồn từ việc giải quyết tranh chấp đất đai kéo dài hơn 10 năm giữa gia đình bà Trần Thị Kim và ông Đỗ Văn Khắc. Hai bên gia đình đã xảy ra nhiều va chạm, khiếu kiện ở nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Mâu thuẫn này có nguy cơ bùng phát, gây mất an ninh trật tự (ANTT), thậm chí có thể xảy ra trọng án nên Công an huyện Việt Yên đã giao cán bộ Đội An ninh nắm tình hình, giải quyết vụ việc. 

Chuyện những người giữ lửa vùng cao
Cán bộ Công an Bắc Giang vận động nhân dân tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở.

Nhận nhiệm vụ, Trung tá Đỗ Quang Hợp cùng đồng đội đã tìm hiểu rõ nguyên nhân và kết quả giải quyết ban đầu của các cấp chính quyền, làm rõ vì sao bà Kim không đồng ý với cách giải quyết của chính quyền. Sau nhiều ngày tìm hiểu, thu thập tài liệu thông tin liên quan, Trung tá Đỗ Quang Hợp thấy kiến nghị của bà Kim là có căn cứ, cơ sở giải quyết. 

Gặp gỡ tiếp xúc nhiều lần, anh được gia đình bà Kim cung cấp nhiều tài liệu làm căn cứ để khẳng định quyền sở hữu diện tích đất đang tranh chấp là hợp pháp. Từ đó, anh báo cáo lãnh đạo đơn vị tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết thỏa đáng bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho bà.

Bà Kim xúc động nhớ lại: "Ban đầu tôi cũng không tin tưởng và có phản ứng gay gắt với cán bộ khi tới làm việc, nhưng trước sự kiên trì và tận tình của anh Hợp đã khiến tôi có niềm tin và giao toàn bộ tài liệu quan trọng đó cho anh. Gia đình tôi là hộ nghèo, mảnh đất đó vô cùng quan trọng với tôi. Chính vì vậy, tôi thật sự biết ơn cán bộ Hợp và Công an huyện đã giúp gia đình tôi chứng minh quyền lợi hợp pháp của mình".

2.Chiều cuối tuần, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Sơn Động đến thăm gia đình ông Nông Nguyên Chất, 83 tuổi, ở thôn Cẩm Đàn, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động. Ngôi nhà gỗ 5 gian của gia đình nằm ngay bên trục đường chính dẫn vào thôn. 

Vừa rót nước mời khách, ông vừa chỉ tay về con đường bê tông rộng 5 mét mới hoàn thành cuối năm ngoái rồi kể: "Khi có chủ trương mở rộng tuyến đường, một số hộ dân trong thôn còn băn khoăn. Thấy vậy, tôi chủ động chặt 6 cây vải thiều, hiến 60 m2 đất làm gương. Ngay sau đó, các hộ dân khác cũng tự nguyện hiến đất, hiến cây mở rộng đường". 

Xã Nghĩa Phương, Lục Nam là nơi có tỉnh lộ 293 chạy qua, trên địa bàn có Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ nên tình hình ANTT ở Nghĩa Phương tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Vì vậy, lực lượng Công an xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện một số giải pháp cụ thể. 

Điển hình như phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, từng đảng viên thường xuyên bám nắm địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh với tội phạm. 5 tháng đầu năm nay, Công an xã phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, bắt giữ 2 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, 2 vụ đánh bạc và 1 vụ trộm cắp tài sản, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Tại huyện Yên Thế, tháng 4-2020, Thượng úy Tạ Sỹ Hiệp, Phó trưởng Công an xã Tam Hiệp được điều động làm Trưởng Công an xã Đồng Tiến sau đó được chỉ định làm Bí thư Chi bộ Công an - Quân sự xã. Là cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, ngay khi nhận nhiệm vụ, đồng chí thường xuyên xuống các thôn, nhất là địa bàn giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên để nắm bắt tình hình. 

Chuyện những người giữ lửa vùng cao - Ảnh minh hoạ 2

Công an Bắc Giang phối hợp tuần tra giữ gìn an ninh trật tự.

Mới đây, sáng 17-5, giữa người dân trong xã và một số hộ dân thôn Đồng Bản, xã Bình Long, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) xảy ra tranh chấp đất rừng. Dù ngày nghỉ, không phải ca trực nhưng khi nhận được thông tin, Thượng úy Tạ Sỹ Hiệp lập tức đến hiện trường tuyên truyền, vận động người dân, ngăn vụ việc diễn biến phức tạp. 

"Là Bí thư Chi bộ, Trưởng Công an xã tôi luôn tâm niệm bản thân phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ", Thượng úy Tạ Sỹ Hiệp chia sẻ.

Mấy năm trước, khi tỉnh Bắc Giang đang triển khai xây dựng đường tỉnh lộ 293 - con đường nối lên khu di tích Yên Tử. Công tác giải phóng mặt bằng gặp vô vàn khó khăn vì quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, thống nhất; do trình độ quản lí, lưu trữ trước kia còn bất cập nên hồ sơ, văn bản về nguồn gốc đất bị thất lạc, thiếu sót nhiều. 

Bên cạnh đó, một số người muốn đòi hỏi quyền lợi cao hơn, thậm chí đưa ra những đòi hỏi vô lí, yêu cầu được đáp ứng mới chịu di dời. Vì vậy, cùng với việc họp dân, tuyên truyền chung, Công an huyện đã phối hợp với lực lương chức năng tranh thủ gặp gỡ riêng, đến tận nhà từng người dân để vận động, thuyết phục.

Xác định rằng, "hạ hỏa" những cái "đầu nóng" là hết sức quan trọng để họ không bị kích động dẫn đến làm liều nhưng cũng phải đủ uy lực để răn đe  nên các cán bộ Công an vừa kiên quyết nhưng mềm dẻo, thấu tình đạt lý, nhờ đó, những khúc mắc của người dân dần được giải quyết. Các hộ khiếu kiện đã chấp nhận phương án đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng con đường tỉnh lộ 293 to đẹp, thuận lợi như ngày hôm nay.

Ở Công an huyện Sơn Động  - một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang nơi có nhiều bà con các dân tộc sinh sống thì công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ được đơn vị đặt lên hàng đầu. Theo đó, chỉ huy Công an huyện giao nhiệm vụ cho từng đội nghiệp vụ phải vận động, tranh thủ được người có uy tín trong đồng bào dân tộc để giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Thượng tá Đàm Văn Thái, Phó trưởng Công an huyện Sơn Động cho biết: "Người có uy tín không chỉ gương mẫu đi đầu trong cộng đồng mà phải là người có tiếng nói, am hiểu pháp luật. Khi có vụ việc xảy ra, họ vừa là hòa giải viên hóa giải những mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc, giữa các dân tộc, dòng họ, vừa trở thành lực lượng ngăn chặn vụ việc ngay khi mới phát sinh". 

Để phát huy vai trò của người có uy tín, hằng năm, Công an huyện Sơn Động tổ chức gặp mặt cung cấp thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, đội ngũ này cung cấp cho Công an huyện hàng chục tin báo về an ninh trật tự; trực tiếp phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết nhiều vụ việc ngay từ cơ sở.

Điển hình, giữa năm 2019, nhận thấy có hai đối tượng lạ mặt đến một hộ dân trong thôn có dấu hiệu truyền đạo trái phép, ông Nông Nguyên Chất ở xã Cẩm Đàn lập tức thông tin đến lãnh đạo Công an huyện, đồng thời gặp gỡ, vận động con cháu, người dân trong thôn tránh xa các đối tượng này. Sau gần một tuần, hai đối tượng lạ mặt phải dời đi do không thu hút được người theo học. 

Ông Bùi Văn Sờn (SN 1955), người có uy tín trong đồng bào Cao Lan ở xã Giáo Liêm cũng phối hợp với ông Lãnh Văn Đàm (SN 1943), người có uy tín ở xã Phúc Thắng giải quyết vụ tranh chấp đất rừng giữa hộ dân của hai xã, không để vụ việc phức tạp hơn.

Trung tá Đỗ Quang Hợp cho biết, đối với việc bảo đảm an ninh nông thôn, dân tộc, miền núi thì việc quan trọng nhất là phải gắn bó với cơ sở, gần gũi với nhân dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân. Khi giải quyết, hãy đặt mình vào vị trí người dân đang có khiếu nại, vướng mắc để thấu hiểu và đồng cảm với họ. Có như vậy, người dân mới tin tưởng, tuân thủ pháp luật.

Phương Thủy

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây