Chống "giặc lửa" ở phương Nam

Chủ nhật - 23/07/2017 09:26
Người xưa có câu: "Nhất thủy, nhì hỏa", "Thủy hỏa đạo tặc"! Ngẫm ra từ câu chuyện đúc kết của cổ nhân, chúng ta càng cảm thấy thấm thía trong thời đại ngày nay. Dù đang sống trong xã hội hiện đại nhưng con người vẫn luôn ám ảnh bởi những thảm họa từ thiên tai và nhân tai, trong đó, lũ lụt và hỏa hoạn luôn là những mối hiểm nguy đã và đang cướp đi sự sống của bao con người...

Những khu phố, khu công nghiệp... lo âu

Những khu đô thị lớn ở phương Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... luôn rình rập những nguy cơ tiềm ẩn bởi "giặc lửa". Điều ấy đã hiển hiện trong những năm qua với hàng ngàn vụ cháy lớn nhỏ, thiêu rụi không ít tiền của và cướp đi nhiều mạng sống của con người.

Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC & CC) TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh có trên 12 triệu dân, mật độ dân số đông đúc, đặc biệt là khu nội thành, cuộc sống, kinh doanh chằng chịt nên kéo theo những sinh hoạt cũng hết sức phức tạp và dễ phát sinh các vấn đề về cháy. Nhất là ở các khu tạm cư, khu dân cư gần chợ, nhà chung cư cũ, nhà ống, nơi được người dân vừa sử dụng kinh doanh vừa ở, chứa nhiều vật dụng, vật liệu rất dễ phát sinh cháy và không có lối thoát hiểm, vi phạm các quy định về PCCC.

Ở địa bàn Đồng Nai với dân số khoảng 2,9 triệu người, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến nay đã có 32/39 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt và 43 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 1.074 dự án đầu tư của 34 quốc gia và vùng lãnh thổ; có khoảng 8.000 doanh nghiệp với trên 575 ngàn công nhân lao động... Bên cạnh phát triển kinh tế, tại các khu công nghiệp cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh cháy nổ.

Chống
Cảnh sát PC&CC Đồng Nai nỗ lực chữa cháy.

Đại tá Văn Quyết Thắng - Giám đốc Cảnh sát PC & CC tỉnh Đồng Nai cho biết, nhìn lại 10 năm qua (2007-2016), tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai đã xảy ra 92 vụ cháy, thiệt hại về tài sản trên 500 tỷ đồng. Nếu so với toàn tỉnh thì số vụ cháy tại các khu công nghiệp hằng năm chiếm tỉ lệ không nhiều (21%), nhưng thiệt hại về tài sản chiếm tới 79%. Đặc biệt chú ý thời gian xảy ra cháy tại các cơ sở trong khu công nghiệp chủ yếu ngoài giờ hành chính (chiếm 92%). Nguyên nhân do thời điểm này, công nhân làm việc đã tan ca, chỉ còn lực lượng bảo vệ cơ sở ít, nhiều lý do như quên tắt hết cầu dao điện, do sơ suất bất cẩn… dẫn đến xảy ra cháy, nhưng lực lượng bảo vệ không đủ để xử lý sự cố kịp thời, dẫn đến cháy lan, cháy lớn, thiệt hại về tài sản tại cơ sở trong khu công nghiệp rất nghiêm trọng.

Cần nâng cao công tác phòng ngừa

Một thực tế cho thấy hầu hết các vụ cháy khi đã xảy ra đều gây thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Vì thế, công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy là vấn đề quan tâm đầu tiên. Trong cuộc mưu sinh hiện nay với sự tác động lớn của nền kinh tế thị trường nên nhiều người thường chạy theo lợi nhuận, đầu tư sản xuất, kinh doanh với mục đích thu lợi là chính mà hay xem nhẹ công tác phòng ngừa cháy. Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều lúc, nhiều nơi, công tác phòng ngừa cháy nổ của các doanh nghiệp, cá nhân còn buông lỏng.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty Kwong Lung - Meko (KCN Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) kéo dài hơn 4 ngày đêm cách đây ít tháng đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác PCCC. Vụ cháy thiệt hại hàng trăm tỷ đồng này được cơ quan chức năng kết luận do chập điện. Tuy nhiên, vì sao bị chập điện thì vẫn còn là điều bí ẩn. 

Bởi quá trình đầu tư xây dựng khu nhà xưởng chứa chất dễ cháy ở đây rất lớn với nhiều tầng nấc nhưng vẫn thiếu kiểm tra giám sát về an toàn PCCC một cách kịp thời. Khi có sự cố cháy xảy ra rất khó chữa, xe chữa cháy không thể vào sâu do địa hình xây dựng phức tạp. Thời điểm cháy ở công ty không có nước chữa cháy và hệ thống đã hư hỏng, các hầm dẫn phía trên hoàn toàn không có nước... Cũng vì địa hình chữa cháy khó khăn nên nhiều cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy bị thương, ngạt khí độc, khói bụi...

Từ nhiều vụ cháy ở các kho bãi, các khu công nghiệp, nhà dân, khu chung cư cao tầng... ở phía Nam vừa qua cho thấy còn rất nhiều bất cập về công tác phòng cháy. Đại tá Văn Quyết Thắng- Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh Đồng Nai cho rằng, đứng trước tình hình hiện nay, việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC theo yêu cầu thực tế đối với từng lĩnh vực là điều rất quan trọng. Tỉnh Đồng Nai đã xây dựng 203 tập thể điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC; 11 cụm doanh nghiệp an toàn với 1.043 doanh nghiệp tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC… Công tác PCCC trong các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư theo phương châm "4 tại chỗ" và đảm bảo nguyên tắc "Mọi hoạt động PCCC phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ".

Qua thực tế về công tác PCCC khu công nghiệp, khu dân cư hiện nay vẫn còn bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục. Nổi cộm là trong quá trình hoạt động nhiều cơ sở tự ý cải tạo, sửa chữa, cơi nới không đảm bảo yêu cầu PCCC; hoặc quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa tồn đọng chưa kịp xuất hay liên tiếp nhập nguyên liệu, hàng hóa vào kho bãi, nhà máy, điểm kinh doanh đã nảy sinh các vi phạm về lỗi bố trí hàng hóa, vật dụng cản trở lối, đường thoát nạn; khi có cháy xảy ra phát hiện chậm, tổ chức chữa cháy không kịp thời nên dẫn tới cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện tượng "già hóa, lão hóa" hệ thống trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện dễ làm mất an toàn, nếu không được bảo dưỡng định kỳ theo qui định.

Vì vậy cần củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị trang phục, phương tiện, dụng cụ chữa cháy cho lực lượng PCCC tại chỗ để làm tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ và tổ chức chữa cháy ngay từ ban đầu, hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ đối với các công trình cao tầng, nhất là các chung cư cao tầng, tổ chức thực hiện và duy trì những điều kiện an toàn về PCCC trong các chung cư. Tổ chức kiểm tra hệ thống, đường dây dẫn điện trong và ngoài nhà, biển quảng cáo, hệ thống điện trong khu dân cư; hướng dẫn lắp đặt, thay thế các thiết bị bảo vệ chống quá tải và chạm chập, các đường dây dẫn điện bị bong tróc, hư hỏng lớp cách điện, kiểm tra, bảo trì hệ thống chống sét... nhằm phòng ngừa và loại trừ những sự cố cháy, nổ hệ thống và đường dây dẫn điện.

Phía các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất (đặc biệt là các cơ sở trong khu chế xuất - khu công nghiệp và các cơ sở nằm xen cài trong các khu dân cư) phải tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, chú trọng kiểm tra nguồn điện, nguồn nhiệt, các khu vực sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao; đối với các hóa chất kỵ nước (tự cháy hoặc tạo ra chất dễ cháy khi phản ứng với nước) phải có giải pháp phòng ngừa. Đồng thời, phải phân công canh gác bảo vệ cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ ứng trực 24/24h để giải quyết nhanh, kịp thời mọi tình huống xảy ra.

Phòng cháy là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản, tính mạng của mọi người.

Ngọc Như

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây