Thậm chí, Kozak cũng giấu kín mọi chuyện đối với con cái cho đến tận cuối đời. Con trai tên Nikolai, nay 24 tuổi, chỉ thực sự biết đến công việc của cha mình khi tham dự lễ khánh thành Nhà bảo tàng Nhân quyền Chile - Museo de la Memoria - ở Santiago.
Chế độ tàn bạo và những cuộc giải cứu thành công
Roberto Kozak là một trong những câu chuyện đầy cảm động chưa được kể của thế kỷ XX. Những nhà ngoại giao biết rõ về hoạt động của Kazak trong suốt kỷ nguyên đen tối Pinochet đều coi ông là "Schindler của Mỹ Latinh". Schindler là doanh nhân người Đức giúp cứu thoát 1.200 người Do Thái ở Ba Lan trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới lần 2.
Tướng Pinochet (giữa) và nhóm sĩ quan tại một buổi lễ ở Santiago năm 1985. |
Sau cuộc đảo chính quân sự của tướng Augusto Pinochet lật đổ tổng thống Salvador Allende năm 1973, Kozak và giới chức ngoại giao từ một số quốc gia khác đã giúp khoảng 25.000 đến 35.000 tù nhân chính trị Chile thoát khỏi nhà tù và sống an toàn ở nước ngoài. Roberto Kozak sinh ngày 14-5-1942 trong ngôi làng ở miền bắc Argentina. Cha của Kozak là người Ukraine, ông đưa gia đình đến Argentina trong thập niên 1960.
Năm 1968, Kozak đọc báo phát hiện tin Ủy ban liên chính phủ châu Âu về Di trú (ICEM) tìm người cho vị trí đang khuyết trong văn phòng tổ chức ở Argentina. Khi Kozak được thuê dụng, ICEM còn là một tổ chức khiêm tốn; nhưng ngày nay đã có đến 165 quốc gia thành viên và hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Năm 1970, sau khi trải qua 6 tháng huấn luyện ở CHLB Đức, Kozak được điều làm việc tại văn phòng ICEM ở Geneva (Thụy Sĩ) 2 năm về các chương trình di trú cho Mỹ Latinh trước rồi chuyển về Chile năm 1972.
Chứng kiến cuộc đảo chính quân sự của tướng Pinochet vào sáng ngày 11-9-1973, thông qua những mối quan hệ ngoại giao, Kozak tin chắc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đứng sau cuộc đảo chính này. Quân đội và lực lượng cảnh sát mật DINA dưới trướng Pinochet bắt đầu chiếm dụng trắng trợn những nông trại, nhà dân và cả sân bóng đá quốc gia để biến thành những trại giam tù nhân trong đó có rất nhiều thành viên các đảng phái chính trị đối lập, sinh viên, nhà báo, nhà truyền giáo và nhạc sĩ.
Bất cứ ai có quan hệ với phe cánh tả ở Chile hay nghi ngờ dính líu đến phe chống đối có tổ chức đều bị bắt giữ và tra tấn. Giữa các năm 1973 và 1978, có khoảng 70.000 người bị cầm tù - trong số đó ước khoảng 30.000 người bị tra tấn và xấp xỉ 3.500 người bị giết chết.
Để thuận lợi cho kế hoạch cứu người của mình, Kozak cố gắng kết thân với quan chức chính quyền Pinochet - sĩ quan quân đội, chính khách và cả thành viên lực lượng DINA. Sau này, người vợ góa Sylvia kể: "Kozak biết phải làm điều gì đó và không hề bị động. Ông biết rằng những tổ chức như ICEM có trọng trách và cả quyền hạn bảo vệ con người. Kazak chấp nhận làm công việc nguy hiểm và trọng đại này nhưng ông không làm việc đó một mình. Ông là một phần trong mạng lưới".
Kozak đi kèm nữ bác sĩ Anh Sheila Cassidy đến sân bay, năm 1975. |
Một trong những hành động đầu tiên của Kozak là thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với những nhà ngoại giao ủng hộ ông từ các đại sứ quán. Một trong những nhà ngoại giao can đảm nhất bên cạnh Kozak là Harald Edelstam, người về sau là đại sứ Thụy Điển ở Chile. Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần 2, Edelstam cũng từng giúp rất nhiều người Do Thái trốn thoát Đức Quốc xã từ Na Uy đến Thụy Điển.
Roberto Kozak cũng hợp tác với một số tổ chức nhân quyền Công giáo như Vicariate of Solidarity để chia sẻ danh sách những người bị chế độ Pinochet giam cầm. Ông cố gắng xoay xở với giới chức chính quyền để được phép đến thăm những trại giam. Tuy nhiên lúc đầu ông không thể gặp được những tù nhân bị tra tấn tàn bạo nhất. Mặc dù Italia cắt đứt quan hệ với Chile sau cuộc đảo chính của tướng Picochet, song nước này vẫn tiếp tục giữ lại một số nhà ngoại giao ở Satiago. Đại sứ quán Italia cung cấp nơi trú ẩn cho 750 người chạy trốn sự khủng bố của DINA. Emilio Barbarani lúc đó là một trong các nhà ngoại giao Italia ở Santiago, là người bạn thân thiết nhất của Kazak.
Theo lời kể của Barbarani (nay đã 76 tuổi), sứ mạng khó khăn nhất của Kozak là kết thân với những nhân vật chóp bu trong chính quyền Pinochet và thuyết phục họ thả các tù nhân. Sau khi các tù nhân được thả, Kozak thuyết phục các đại sứ quán nước ngoài cấp visa cho họ để rời khỏi Chile một cách an toàn. Để phòng ngừa các tù nhân bị bắt trở lại hay bị "biến mất", Kozak sắp xếp cho họ ở trong văn phòng hay nhà riêng của mình. Kozak cũng đích thân hộ tống những tù nhân được trả tự do ra sân bay nằm dưới sự kiểm soát thường trực của DINA. Thậm chí nếu có thể, Kazak đi kèm với họ đến tận cửa máy bay để bảo đảm an toàn.
Năm 1975, Kozak đi kèm sát nữ bác sĩ người Anh Sheila Cassidy ra sân bay để rời khỏi Chile. Năm 1979, Kazak "hộ tống" France Jose Zalaquett, một trong những luật sư bảo vệ nhân quyền nổi tiếng ở Chile, ra tận sân bay. Khi cần thiết, Kozak sử dụng quyền đặc miễn ngoại giao để thương lượng với quan chức chính quyền Pinochet.
Trong khi một số người trong chính quyền Pinochet có vẻ khoan dung đối với những gì mà Kozak đang làm, thì ngược lại có số khác tỏ vẻ căm ghét. Theo những người làm việc chung với Kozak, giám đốc DINA Manuel Contreas đặc biệt không thích Kazak.
Barbarani cũng cho biết DINA không hề tôn trọng quyền đặc miễn ngoại giao. Một chìa khóa cho sự thành công của Kozak là hàng đêm ông thường mời những quan chức cao cấp của DINA, quân đội cũng như nhà ngoại giao nước ngoài đến dự tiệc tại căn nhà của ông trong khu ngoại ô La Reina của Santiago. Đó là những cơ hội cho Kozak thuyết phục họ ký giấy thả tù nhân và tranh thủ những đại sứ quán nào có thể cấp visa.
Người anh hùng bị lãng quên
Trong suốt giai đoạn Pinochet cầm quyền, Kozak sống với cuộc sống 2 mặt. Eliana Infante, một nhân viên làm việc chung với Kozak trong văn phòng ICEM ở Chile, nhớ lại: "Trong khi Kozak tổ chức đãi tiệc tại nhà riêng của mình thì các tù nhân đang trốn trên căn gác xép trong căn nhà. Kozak thực sự đùa với lửa". Đối với nhân viên ICEM, Kozak luôn giữ thái độ điềm tĩnh đến mức phi thường.
Cổng nhà tù Villa Grimaldi. |
Infante nói: "Kozak luôn biết kiềm chế bản thân. Ông làm việc trên tầng 3 ngột ngạt và nóng bức để kiểm tra các hồ sơ. Kozak nói với chúng tôi rằng cần phải xem xét những hồ sơ một cách cẩn thận. Bởi vì chúng không phải là hồ sơ mà là những mạng sống con người đáng được tôn trọng". Tuy cố giữ vẻ ngoài điềm tĩnh, nhưng Kozak thực sự luôn sống trong căng thẳng và phải chịu đựng ghê gớm. Theo người vợ góa Silvia, ông không chỉ cố gắng đối mặt với nguy hiểm thường xuyên mà còn đau khổ trước những câu chuyện tra tấn tàn bạo chứng kiến được hàng ngày. Tuy nhiên, nỗ lực giải cứu tù nhân của ông không phải lúc nào cũng thành công.
Một trong những thất bại khiến cho Kozak cảm thấy hối tiếc nhất là không ngăn chặn được vụ giết hại Jose Hernan Carraco Vasquez và Humberto Juan Carlos Menanteau Aceituno - hai lãnh đạo MIR, phong trào cánh tả do sinh viên và giới chức công đoàn thành lập ở Chile. Cả 2 người bị DINA bắt giữ năm 1974. Kozak giúp thương lượng với cảnh sát mật để thả họ vào tháng 9-1975, nhưng tiến trình cấp visa diễn ra khá chậm chạp do bộ máy quan liêu hành chính. Đến tháng 11 cùng năm, hai người bị DINA bắt lại lần nữa và đưa đến một địa điểm bí mật.
Một buổi sáng tháng 12, Kozak nghe tin người ta phát hiện thi thể cả hai với nhiều dấu vết tra tấn trên người. Điều oái oăm là, ngay buổi sáng hôm đó, Kazak nhận được thư thông báo visa cho họ đã được cấp.
Một tài liệu đề ngày 20-4-1975 từ đại sứ quán Mỹ ở Santiago tiết lộ công lao nhân đạo của Kazak, cho biết văn phòng ICEM của ông mỗi tháng chịu trách nhiệm di chuyển khoảng 400 đến 600 cựu tù nhân rời khỏi Chile. Trong đó, bao gồm danh sách những người được tái định cư ở nước ngoài. Năm 1975, một số quốc gia tiếp nhận cựu tù nhân là Argentina và Peru cũng như Pháp với 105 người; Tây Đức nhận 104 người, Romania 328 người. Trong số đó, nước Anh tiếp nhận nhiều nhất với 429 tù nhân.
Roberto Kozak, lúc lãnh đạo Sứ mạng IOM ở Chile, hoan nghênh những người tỵ nạn trở về Chile năm 1993 sau khi chế độ độc tài Pinochet sụp đổ. |
Một trong những trại giam nổi tiếng nhất của chế độ Pinochet là Villa Grimaldi do DINA quản lý tại khu ngoại ô Santiago và là nơi cầm tù những tù nhân không qua xét xử trước. Villa Grimaldi nằm dưới sự điều hành của Marcelo Moren Brito, cựu sĩ quan quân đội gia nhập DINA sau đảo chính và trở thành một trong những "đao phủ" tàn bạo nhất của nhà tù.
Khoảng 4.500 người bị giam giữ tại Villa Grinaldi. Phần đông bị tra tấn, khoảng 200 người chết do vết thương tra tấn hay thiếu sự chăm sóc y tế. Số khác "biến mất" trong bí ẩn. Trong số những tù nhân bị tra tấn ở Villa Grimaldi là Michelle Bachelet, người hiện nay là nữ tổng thống Chile. Bà học y khoa khi sống lưu vong và trở về Chile năm 1979. Bachelet đắc cử tổng thống Chile với nhiệm kỳ 4 năm vào tháng 2-2006 và trở lại vị trí này một lần nữa vào tháng 3-2014.
Roberto Kozak rời Chile năm 1991, tức 1 năm sau khi chế độ Pinochet sụp đổ, để thành lập một nhánh của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) ở thành phố Moskva nước Nga. Năm 1992, Kozak được chính quyền Chile trao tặng phần thưởng cao quý nhất Order of Bernado O'Higgins - đặt theo tên một trong những lãnh đạo phong trào độc lập Chile. Năm sau đó, Kozak được công nhận là công dân Chile - một điều mà ông lấy làm hãnh diện.
10 năm sau, Kozak về hưu và sống ở Chile. Kozak chung sống với bệnh ung thư trong ít nhất 1 thập niên và đến khi căn bệnh đến giai đoạn cuối ông bay đến thủ đô Buenos Aires của Argentina để được chữa trị đặc biệt. Cuộc trò chuyện cuối cùng giữa Silvia và Kozak diễn ra bên trong chiếc taxi trên đường đến trung tâm điều trị ung thư ở Buenos Aires.
Lúc đó, khi nghe tin tức về cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Địa Trung Hải, Kozak thốt lên: "Nếu còn trẻ, tôi sẽ có mặt ở đó". Kazak từ trần vào tháng 9-2015, tro cốt của ông được Silvia giữ trong căn nhà của họ ở Santiago. Còn cựu lãnh đạo DINA Manuel Contreas bị tuyên án 129 năm tù giam vì tội giết người và tra tấn tù nhân. Theo số liệu từ Nhà Bảo tàng Nhân quyền Chile, chỉ có 188 vụ truy tố thành công ở Chile sau khi chế độ Pinochet sụp đổ và 1.300 cuộc điều tra hiện vẫn còn chưa kết thúc.
Diên San (tổng hợp)Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn