Đại tá Nguyễn Quang Phương, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Quảng Trị chỉ huy trực tiếp việc bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Duy Thanh (25 tuổi, Hải Quy, Hải Lăng, Quảng Trị) kể lại:
“Ngày 10-2-2017, sau khi xác minh đối tượng đang lẩn trốn trong một xưởng cơ khí ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, tổ công tác của đơn vị gồm 3 cán bộ, chiến sĩ đã lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Nhưng khi đến nơi thì Vĩnh Lộc A có tới 6 ấp, mỗi ấp lại có 4 tổ với gần 3 nghìn hộ dân. Trong khi bà con chủ yếu là người di cư từ các tỉnh, thành khác về đây lao động, sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau.
Riêng nghề cơ khí có tới hàng trăm xưởng, nhưng đa số không có biển hiệu; số có thì không ít cái trùng tên nhau. Đó là chưa kể hoạt động xác minh, tìm kiếm phải luôn hết sức cẩn trọng, bởi lẽ đối tượng nghe ngóng thấy sẽ dễ dàng trốn thoát đi nơi khác.
Sau 3 ngày đêm vất vả, lặn lội xác minh, tổ công tác đã phát hiện đối tượng lúc đó đang làm việc tại một xưởng cơ khí có tên là Chí Thành ở xã Vĩnh Lộc A. Tuy nhiên, xưởng cơ khí nằm gần đường có nhiều người đi lại, trong xưởng lại có nhiều vật dụng bằng sắt thép, có thể đối tượng sử dụng làm hung khí chống trả lực lượng bắt giữ nên rất nguy hiểm. Trước tình huống này, tôi chỉ đạo anh em tiếp tục kiên trì theo dõi, bám sát di biến động của đối tượng, đồng thời chọn thời điểm thích hợp để đánh án”, Đại tá Phương chia sẻ.
Theo Đại tá Phương, đến 1h25’ rạng sáng 15-2-2017, các anh quyết định ập vào bắt giữ đối tượng. Mặc dù các trinh sát đã rất nhẹ nhàng và khéo léo, nhưng lúc vừa tiến lên gác lửng của căn nhà xưởng này, đối tượng dường như đã có linh cảm từ trước, nhanh chóng bật người dậy khỏi chiếc chiếu nghỉ, hai tay xô mạnh cánh cửa sổ nhỏ nằm gần đó, nhằm nhảy ra ngoài để thoát thân.
Nhưng ngay khi cánh cửa sổ nhỏ vừa bật ra, đối tượng liền rụt người lại, đứng như trời trồng; vì đã nằm trong vòng vây của trinh sát. Đối tượng lê từng bước nặng nề xuống khỏi căn gác lửng, chấp nhận tra tay vào chiếc còng số 8.
Cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Trị bắt giữ các đối tượng truy nã sau nhiều năm bỏ trốn khỏi nơi cư trú. |
Theo hồ sơ vụ án, chiều tối 8-6-2016, Thanh cùng với anh Hoàng Minh Thiên (25 tuổi, khu phố 2, phường 1, thị xã Quảng Trị) và vợ của anh Thiên là chị Nguyễn Thị Thu Hà cùng một số bạn bè khác đến tại quán của gia đình anh Trần Duy Thức (khu phố 4, phường 3, thị xã Quảng Trị) để ăn nhậu.
Tại đây, Thanh và anh Thiên xảy ra mâu thuẫn. Thanh đã dùng dao chém anh Thiên gây thương tích nặng, rồi bỏ trốn. Xác định Thanh là đối tượng truy nã đặc biệt nghiêm trọng có tiền sự về tội “Cố ý gây thương tích”, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Quảng Trị đã xác lập chuyên án truy xét, truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm này.
Trong quá trình đó, đơn vị đã rất nhiều lần tổ chức vận động gia đình của đối tượng vận động đối tượng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, Thanh luôn tỏ ra bất chấp và bằng nhiều thủ đoạn nhằm che giấu nơi lẩn trốn của mình.
Đại tá Phương tâm sự: “Đối tượng như Thanh không phải là ít. Qua 7 năm thành lập, thực hiện nhiệm vụ của mình, anh em đơn vị đã có hàng trăm chuyến rong ruổi vào Nam ra Bắc, lần theo dấu vết, săn tìm đối tượng phạm tội có lệnh truy nã. Xác định người lính chiến đấu luôn sẵn sàng xả thân mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp.
Nhưng, bao giờ cũng vậy, bên cạnh công tác truy xét, truy bắt, anh em đơn vị còn ưu tiên công tác vận động đối tượng có hành vi phạm tội ra đầu thú. Bởi lẽ đối tượng phạm tội sau khi được vận động, nhận thức được điều này và tự giác đầu thú sẽ phục hồi, phát huy tính thiện bền vững hơn so với đối tượng bị truy xét, truy bắt. Đó cũng là tính nhân văn được đặt lên hàng đầu của lực lượng Công an trong công tác truy bắt, giáo dục đối tượng phạm tội”.
Đại tá Phương nhớ lại một kỷ niệm khó quên trong những tháng năm làm nhiệm vụ chỉ huy, cũng như trực tiếp truy bắt đối tượng truy nã. “Đó là vào buổi sáng 23-6-2017, trước cửa phòng tôi bỗng xuất hiện một bà cụ đi cùng một thanh niên do trực ban dẫn lên, bảo là muốn gặp chú Phương, chú Dũng, chú Dương truy nã. Thấy cụ và thanh niên kia, chúng tôi biết ngay đó đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Hoàng Ngọc Lai (39 tuổi, khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Chúng tôi vẫn điềm tĩnh chào hỏi cụ bà, rót nước mời cụ và đối tượng Lai. Bất ngờ, bà cụ bật khóc, thân mình run rẩy, lời nói cứ nghẹn lại: “Các anh… tui đưa nó về đây rồi. Thằng con trời đánh của tui nó về đây rồi. Nó có tội pháp luật không tha thứ, nhưng tui 15 năm rồi giờ mới biết nó còn sống”.
Tôi và anh em lúc đó đang hội ý kế hoạch công việc, thấy vậy bước đến an ủi bà cụ. Lúc này, tôi để ý đôi mắt của Lai cũng đỏ hoe. Anh ta ngồi xuống bên mẹ, gục mặt xuống bàn và nói trong tiếng khóc: “Các chú cho cháu khai tội lỗi của mình. Cháu muốn có cơ hội làm lại cuộc đời, chăm sóc mẹ cháu những năm tháng cuối đời…”.
Trở lại hành vi gây tội ác của đối tượng Hoàng Ngọc Lai, năm 2001, Lai rời quê vào miền Nam làm công nhân với mong muốn dành dụm được chút tiền đem về giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, tuổi trẻ chưa vợ con nên ham chơi theo bạn bè.
Ngày 28-12-2001, Lai cùng với 2 người bạn Hoàng Xuân Tưởng (SN 1983, Phú Xuyên, Hà Tây), Nguyễn Công Lân (SN 1984, Triệu Phong, Quảng Trị) vào ăn nhậu ở một quán phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau khi đã ngà ngà bia rượu, Tưởng nảy sinh ý định cướp xe ôm lấy tiền tiêu xài và được Lai cùng Lân đồng ý và sau đó các đối tượng này đã cùng nhau gây án.
Ngày 6-4-2002, Lai bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai ra lệnh truy nã đặc biệt về tội “Giết người, cướp tài sản”. Suốt 15 năm, Lai trốn chui trốn nhủi ở nhiều nơi và gần như cắt đứt liên lạc với gia đình. Mẹ Lai - bà Nguyễn Thị Huê (75 tuổi) mặc dù đã tìm mọi cách liên lạc, dò hỏi thông tin về con nhưng không biết được Lai trốn ở đâu.
Trong thời gian này, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Quảng Trị nhiều lần đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình bà Huê, với mục đích vận động Lai ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, đến năm 2016, khi Lai biết tin bố của mình mất cộng với nội dung lá thư lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Quảng Trị gửi kêu gọi Lai đầu thú, thì Lai mới bắt đầu thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực…
Những cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Trị đều có những kỷ niệm khó quên trong những tháng năm thực hiện nhiệm vụ của mình. Câu chuyện không ít lần phải làm bảo mẫu cho con đối tượng bị bắt truy nã của Thiếu tá Lê Thanh Dũng, giúp người nghe hiểu được phần nào nỗi gian nan vất vả.
Anh kể chậm rãi: “Như lần bắt đối tượng truy nã Nguyễn Thị Mỹ Trang (33 tuổi, Lao Bảo, Hướng Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi bắt được đối tượng ở Bình Dương, thì Trang bất ngờ bảo: “Còn con em thì sao? Cháu đang ở Trường Mẫu giáo Dĩ An”. Quả thực, lúc đó tôi cảm thấy rất khó, vì tình huống xảy ra ngoài kế hoạch. Khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi biết rõ đối tượng này có con nhỏ khoảng 2 tuổi, nhưng cứ nghĩ đứa bé ở với ba nó ở Lao Bảo, chứ không nghĩ đối tượng mang theo”.
Thiếu tá Dũng chia sẻ: “Thế là chúng tôi sang trường đón cháu bé, nhưng không thể để cháu bé vào trại tạm giữ; càng không thể để đối tượng phạm tội bên ngoài chăm sóc nên quyết định chăm giữ cháu bé cho đến khi đưa đối tượng về Quảng Trị để xét xử theo pháp luật”…
Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Trị được thành lập tháng 6-2010, đến nay qua 7 năm thực hiện nhiệm vụ, tập thể đơn vị và nhiều cá nhân đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, UBND tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, cùng các cơ quan, ban, ngành các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc. |
Tác giả: Phan Thanh Bình
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn