Qua 1 thập niên, kể từ khi thành lập, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý trên 100.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố trên 3.000 vụ với 4.300 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 97.000 vụ với số tiền phạt 1.166 tỷ đồng, trong đó đã khám phá, bóc gỡ nhiều vụ án về tội phạm môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc mà dư luận quan tâm.
Điểm lại quá trình xây dựng, trưởng thành của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho thấy, thực hiện Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ Công an đã quyết định thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường và giao nhiệm vụ cho lực lượng này thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, qua 10 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm; thể hiện sự nhanh chóng trưởng thành trên các mặt công tác, khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt trong công tác đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.
Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường xử lý vụ bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở chế biến tôm ở tỉnh Bạc Liêu. |
Đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã hình thành tại 3 cấp Công an, có đội ngũ cán bộ luôn hoạt động theo phương châm “đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, hiệu quả"...
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49 cho biết, qua thực hiện chức năng nhiệm vụ, Cục đã kịp thời phát hiện các bất cập trong hệ thống pháp luật, công tác quản lý về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách, công tác quản lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm.
Kết quả trên đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, qua đó đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Có thể nói rằng, kết quả công tác của C49 trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và an toàn thực phẩm, cùng toàn lực lượng CAND góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần phục vụ thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời thể hiện nỗ lực, quyết tâm và cam kết của Việt Nam tron g việc giải quyết vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và an ninh tài nguyên trên toàn cầu.
Qua tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã đúc rút được những bài học quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ.
Một trong những bài học quan trọng nhất là sự định hướng và xác định đúng nội dung, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, lựa chọn lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng tâm trọng điểm để đấu tranh; phát huy có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Dự báo trong những năm tới, ở lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, lực lượng CAND, trong đó có lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiếp tục quán triệt quan điểm "Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trong bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu", góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 của Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; tăng cường nắm tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo Công an các cấp giải quyết dứt điểm những điểm nóng về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm.
Đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phối hợp với các nước, các tổ chức trên thế giới để tranh thủ nguồn tài trợ về tài chính, kỹ thuật công nghệ, học tập kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trong tình hình mới...
Tác giả: Anh Hiếu
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn