Dù đã hẹn trước nhưng khi đến Công an phường Chiềng Sinh tôi cũng phải ngồi chờ cả tiếng mới gặp được Trưởng Công an phường Lương Tuấn Hùng vì anh đang đi xuống… bản.
Trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng Công an phường Chiềng Sinh, Trung tá Hùng từng có thâm niên hàng chục năm làm CSKV. Dù “kinh nghiệm đầy mình” nhưng anh Hùng bảo rằng chỉ tích lũy được kinh nghiệm trong cách thức giải quyết ở từng vụ việc ở cơ sở chứ không thể rút ra một công thức cụ thể nào cả, nhất là với đặc thù địa bàn miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc như Sơn La, vụ việc ở địa bàn cơ sở thì nhiều nếu không muốn nói là “lặt vặt” mà mỗi vụ việc lại có những tình tiết phức tạp riêng.
Công an phường Chiềng Sinh tuyên truyền người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. |
Phường Chiềng Sinh có hơn 3.485 hộ với gần 14.000 nhân khẩu trải rộng ở 24 tổ, bản; ngoài ra còn có gần 3.000 sinh viên Trường cao đẳng Sơn La và Trường trung cấp Luật Tây Bắc; phường có 91 đối tượng hình sự, ma túy, tù tha về, 71 người nghiện đang theo dõi, quản lý. Quản lý địa bàn như vậy nhưng Công an phường Chiềng Sinh chỉ có 8 CSKV.
Công việc hàng ngày của CSKV là xuống địa bàn do mình quản lý, phụ trách nắm tình hình ANTT, nắm hộ, nắm khẩu, tạm trú, tạm vắng... từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai, giải quyết các mặt công tác, đặc biệt là công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn.
Là những người hàng ngày tiếp xúc với dân nên động có việc gì là dân gọi CSKV. Từ chuyện kiện tụng, đánh nhau gây mất trật tự công cộng đến lừa đảo, trộm cắp... Thậm chí có những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an, các anh cũng phải xúm vào cùng với chính quyền cơ sở tháo gỡ như: cống tắc - gọi Công an phường, anh em; bố mẹ cãi nhau - gọi Công an phường, đi uống rượu say, vợ không cho vào nhà - cũng gọi Công an phường.
Những lúc như thế, CSKV không thể thoái thác mà phải vận dụng linh hoạt những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm có được để giải thích cho người dân hiểu và tự giải quyết trong nội bộ gia đình. Việc vào bản giải quyết vụ việc lúc nửa đêm, gặp trời mưa đường trơn, vắt cắn, thậm chí phải dắt xe đi bộ là chuyện thường ngày của CSKV.
Trung tá Hùng kể rằng hơn chục năm làm CSKV, anh đã nhiều lần phải đi làm “quan tòa” phân xử những khúc mắc của người dân. Năm 2009, 2 gia đình người Mông ở bản Hai Phiêng, phường Chiềng Sinh xảy ra tranh chấp đất đai. Ngày ấy, vừa mới nhận địa bàn nên chưa biết câu tiếng dân tộc nào.
Khi trực tiếp gặp gỡ, giải thích với 2 bên gia đình có tranh chấp, anh mới hiểu việc này còn khó khăn hơn anh nghĩ rất nhiều vì họ không hiểu anh nói gì, anh cũng không biết họ muốn gì... Cứ thế, hai bên tranh luận với nhau cả buổi mà vẫn chưa ngã ngũ.
May mà đến sẩm tối, Bí thư Chi đoàn bản biết tiếng phổ thông đi làm nương về, giúp anh làm phiên dịch, sự việc mới được giải quyết, 2 gia đình đã hiểu lý lẽ và hòa giải với nhau.
Anh Hùng bảo rằng sau vụ việc ấy, anh đã tự học tiếng dân tộc để không bao giờ lặp lại chuyện đó nữa. Một lần khác, đầu năm 2010, có gia đình ở tổ 1 cho thuê nhà nhưng sau đó chủ nhà tự ý phá bỏ hợp đồng dẫn đến mâu thuẫn giữa người cho thuê và người thuê nhà. Cán bộ ở tổ dân phố giải thích thế nào hai bên cũng không nghe, vẫn giữ ý kiến của mình. Chỉ đến khi CSKV vào cuộc, phân tích phải trái thì vụ việc mới được giải quyết.
Nói về kỷ niệm trong những năm làm CSKV, Thiếu tá Nguyễn Cao Sơn, Phó trưởng Công an phường Chiềng Sinh, nhớ mãi việc thuyết phục hơn 20 hộ dân bản Sẳng chấp nhận phương án đền bù, giao đất cho dự án xây dựng Trung tâm hành chính - văn hóa Phật giáo của tỉnh vào tháng 8- 2016.
Có 60 hộ dân thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng nhưng 30% số hộ không nhất trí nhận tiền đền bù và nhận đất tái định cư. Đa số đòi tăng giá bồi thường và cấp đất tái định cư ngay sau khi bàn giao mặt bằng. Đặc biệt có một số hộ kiên quyết không di dời nếu không được đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn bằng mọi cách chống đối sự cưỡng chế của chính quyền.
Cấp ủy, chính quyền cùng các ban ngành đoàn thể của phường đã tổ chức nhiền lần tuyên truyền, vận động nhưng các hộ này vẫn kiên quyết không di dời.
Vậy là Công an phường vào cuộc, kiên trì tuyên truyền, vận động, thậm chí CSKV ở bản cả ngày, cả đêm, đến từng hộ, gặp từng người phân tích lý lẽ, giúp họ hiểu được quy định của Nhà nước trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân khi triển khai thực hiện dự án… cuối cùng người dân mới đồng ý nhận tiền đền bù và giao đất cho dự án.
Thiếu tá Sơn bảo rằng với người dân, nhiều lúc không phải việc gì cũng áp dụng quy định rồi bắt họ phải thực hiện, bởi làm thế không khác gì “mang xăng đi chữa cháy”.
Cũng như phường Chiềng Sinh, phường Quyết Thắng có 4.600 hộ, trên 15.000 nhân khẩu với 15 tổ, bản; phường có 143 đối tượng hình sự, ma túy, tù tha về và 89 người nghiện… nhưng Công an phường cũng chỉ có 7 CSKV nên một người phải phụ trách nhiều địa bàn.
Công an phường Chiềng Sinh tuyên truyền vận động nhân dân tại địa bàn chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. |
Đại úy Nguyễn Thanh Sơn, CSKV Công an phường Quyết Thắng chia sẻ ở một tỉnh miền núi như Sơn La thì CSKV còn phải biết tiếng dân tộc, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, thậm chí phải lăn lộn ở địa bàn, 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý mến, coi như người nhà thì mới hoàn thành được công việc được giao.
Đầu năm 2019, tại địa bàn phường Quyết Thắng triển khai mô hình lắp camera an ninh bằng hình thức vận động nhân dân đóng góp kinh phí lắp đặt camera ở các khu, nhóm dân cư. Mô hình này được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và đa số người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, còn một số hộ chưa thật sự đồng thuận vì họ chưa hiểu hết mục đích ý nghĩa của việc lắp camera an ninh và với một số hộ khó khăn thì việc đóng góp tiền cũng là vấn đề không nhỏ.
Vậy là CSKV của phường lại đến từng hộ tuyên truyền, vận động, giúp họ hiểu rõ mục đích ý nghĩa của mô hình này, giúp họ nhận thức được trách nhiệm của người dân trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Với một số hộ khó khăn, CSKV còn vận động những gia đình có điều kiện hoặc các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ về kinh phí đóng góp…
Sau một thời gian, tất cả các vướng mắc đã được giải quyết và hiện nay, phường Quyết Thắng đang tiến hành khảo sát để lắp thí điểm 20 mắt camera tại tổ 6, sau đó sẽ triển khai rộng trên địa bàn toàn phường.
Địa bàn rộng, dân cư đông, nên một CSKV thường phải phụ trách nhiều địa bàn. Như phường Quyết Thắng, trung bình mỗi CSKV phụ trách 2 địa bàn. Còn ở phường Chiềng Sinh, có cán bộ phụ trách 4 địa bàn. Trung bình một CSKV phải quản lý trên 500 hộ, gần 2.000 nhân khẩu…
Vì thế, khi mới về nhận nhiệm vụ, để anh em quen với công việc, thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả thì ngoài việc nghiên cứu tài liệu, chỉ huy Công an các phường phải trực tiếp đưa đi tiếp cận địa bàn, hướng dẫn tỉ mỉ cách nắm hộ, nắm người, nắm địa bàn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, người có kinh nghiệm hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho người mới về. Nhưng khó nhất là việc học tiếng dân tộc.
Trung úy Kiều Bình, Tổ trưởng tổ CSKV Công an phường Quyết Tâm bảo: Việc biết tiếng dân tộc không phải là quy định bắt buộc nhưng anh em làm CSKV thì phải biết mới giải quyết tốt công việc của mình. Cũng không học ở trường lớp nào cả mà toàn anh em tự học nhau, người biết dạy cho người không biết. Cứ làm CSKV vài năm thì hầu như ai cũng thông thạo tiếng dân tộc và phong tục tập quán của người dân ở địa bàn mình quản lý, phụ trách. Đó chính là “vũ khí”, là phương tiện hữu ích để CSKV hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở cơ sở.
Những câu chuyện công việc, về đời sống thường ngày của những người CSKV chưa kết thúc, chuông điện thoại đã reo vang. Đặt ống nghe điện thoại xuống, Trung úy Kiều Bình, Tổ trưởng Tổ CSKV Công an phường Quyết Tâm nói vội “ở khu vực Trường đại học Tây Bắc vừa xảy ra một vụ việc cần tôi đến giải quyết” và lên xe phóng thẳng vào màn đêm...
Minh PhongNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn