Được sự hỗ trợ của Công an huyện Bắc Trà My và Công an xã Trà Giang, chúng tôi tìm đến nhà của Thượng tá Võ Đình Du nằm sát tuyến quốc lộ 24C. Bên hông phải của ngôi nhà là con đường bê tông vừa được hoàn thành dẫn thẳng vào khu dân cư tổ 2, thôn 1, xã Trà Giang.
Anh Nguyễn Quốc Phòng, Phó Công an xã Trà Giang, cho biết, để có được con đường bê tông này, ông Du đã tiên phong tự nguyện hiến hơn 50m² đất và chặt bỏ nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao của gia đình mình.
Khi chúng tôi vào nhà, ông Du đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm trưa. Ông niềm nở bắt tay chào chúng tôi. Bàn tay của người đàn ông tuổi đã 65 rất ấm.
Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn nghe chuyện ông hiến đất, hạ cây để làm đường bê tông, ông cười nhẹ. Lát sau, rót chén trà mời khách, ông mới kể rằng, ngày trước, con đường này rộng chưa được 1m, có độ dốc cao và quanh co, lại nhấp nhô đá cục, đá hòn rất nguy hiểm. Trong khi con đường là độc đạo dẫn vào khu dân cư tổ 2 có 50 hộ dân sinh sống.
“Vào mùa mưa, các em học sinh đi học đã phải bao lần quay về nhà vì quần áo lấm lem bùn đất, thân hình trầy xước do té ngã xuống đường trơn trượt. Rồi việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu của bà con cũng rất khó khăn. Vì thế mà cuộc sống của các hộ dân tổ 20 khó phát triển, đa phần thuộc diện hộ nghèo. Nên khi được thông báo, Nhà nước hỗ trợ xi măng, vật liệu để làm đường bê tông và kêu gọi người dân hiến đất mở rộng con đường thì tôi đồng ý ngay”, ông Du cười vui vẻ.
Anh Phòng góp chuyện cho hay, khi họp dân bàn tìm phương án để có mặt bằng làm đường, một số hộ dân có đất và cây trồng trên đất bị ảnh hưởng bởi việc mở đường đòi phải được hỗ trợ đền bù mới bàn giao mặt bằng thì ông Du đứng lên phát biểu và xung phong hiến hơn 50m2 đất của mình, cùng nhiều loại cây trồng trên đất có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, như cau, quế Trà My và nhiều loại cây ăn trái khác.
“Nếu chúng ta không mở rộng, bê tông hóa con đường này thì bà con ở tổ 2 sẽ vẫn còn khổ lắm, các em học sinh đi học vẫn sẽ gặp cảnh mưa bùn, nắng bụi. Vì vậy, tôi mong mọi người hãy tự nguyện hiến đất, cây trồng trên đất để việc mở đường được thuận lợi. Và tôi xin xung phong hiến đất trước, nếu mở đường vào đụng cây trồng nào, tôi sẽ chặt bỏ cây đó”, ông Du nói.
Trước thái độ cương quyết, thấu tình đạt lý của ông Du, bà con tham gia cuộc họp dần đi đến đồng tình hiến đất và sẵn sàng chung tay hỗ trợ làm đường bê tông. Được sự hưởng ứng của người dân nên chỉ trong thời gian ngắn, con đường bê tông rộng 3m, dài hơn 300m đã được hoàn thành…
Con đường bê tông được hoàn thành nhờ sự mở đầu hiến đất, hạ cây của ông Du. |
Trò chuyện mới biết, vào năm 1968, ông Du được đưa ra Bắc học theo diện học sinh miền Nam. Ngày đất nước thống nhất, ông trở về và tiếp tục đi học tại một trường đào tạo Công an đóng ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi hoàn thành khóa học, vào năm 1978, ông được bố trí về công tác tại Công an huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Chừng một năm sau, ông lại được đi học ở một trường an ninh tại TP Hồ Chí Minh, cho tới năm 1980, được điều động lên Đắk Lắk công tác.
“Trong 2 năm công tác ở Đắk Lắk, tôi cùng đồng đội bám sát cơ sở, xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân. Nhờ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân nên tôi và đồng đội luôn được bà con giúp đỡ, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, góp phần vào công tác đấu tranh có hiệu quả với bọn tội phạm, đảm bảo ANTT địa bàn. Cũng nhờ đó mà bản thân tôi dày dạn hơn về kinh nghiệm “nghề” Công an. Sau đó, tôi được điều động về lại Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và công tác tại Công an huyện Bắc Trà My”, ông Du kể.
Trong thời gian công tác tại Công an huyện Bắc Trà My, với cương vị Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã, ông thường xuyên xuống các bản làng để gặp gỡ, tuyên truyền cho bà con về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con từ bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới văn minh hơn.
Vì là người Cor nên ông có “lợi thế” hiểu được phong tục, tập quán của người dân nơi đây nên công việc càng thuận lợi và bà con đồng bào các dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng, nghe theo.
Mãi đến năm 2015 thì ông nghỉ hưu… Có một biến cố trong cuộc đời ông, đó là vào năm 2003, người vợ thân yêu của ông chẳng may bị bạo bệnh qua đời để lại 2 đứa con gái nhỏ dại. Lúc này, đang công tác trong ngành CAND, với bề bộn công việc cần giải quyết từ cơ sở, song ông vẫn chấp nhận cảnh “gà trống nuôi con”, xử lý chu toàn từ công việc cơ quan đến việc nhà, lo cho các con ăn học.
Nhờ sự chăm sóc, dạy bảo tận tình của ông mà đến nay 2 người con gái đều đã trưởng thành và có gia đình. Người con gái đầu đang làm Phó ban Dân vận Huyện ủy Bắc Trà My, còn người con gái út đang giữ chức vụ Bí thư Huyện đoàn Bắc Trà My.
Một điểm đáng khâm phục ở Thượng tá Võ Đình Du là dù con cái đã trưởng thành, song ông vẫn sống thanh bần, đạm bạc. Đến bây giờ, ông vẫn ở ngôi nhà tình nghĩa được Bộ Công an hỗ trợ xây dựng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng CAND cách đây 13 năm về trước.
Ông Đoàn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Trà Giang chia sẻ, khi còn đương chức cũng như nghỉ hưu, tuy gia cảnh khó khăn nhưng ông Du luôn rất cởi mở, gần gũi và luôn sống mẫu mực, nghĩa tình với bà con hàng xóm. Sự cống hiến và tấm lòng nhân ái của ông Du đã được xã, huyện nhiều lần tặng giấy khen trong phong trào học tập, làm theo gương Bác…
Còn Trung tá Phạm Thế Long, Phó Trưởng Công an huyện Bắc Trà My nói thêm rằng, Thượng tá Võ Đình Du thật sự là tấm gương sáng được cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân địa phương kính trọng noi theo.
Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn