Dự thảo Luật quy định, các gia đình có trách nhiệm giáo dục thành viên trong gia đình về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy. Đồng thời hợp tác với cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy, tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; cung cấp kịp thời những thông tin về tội phạm và tệ nạn ma túy, việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.
“Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật. Trường hợp cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức do tham gia phòng, chống ma túy mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù.
Trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ”, dự thảo Luật nêu.
Theo dự thảo Luật, chỉ cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện do Chính phủ quy định và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép mới được phép nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy...
Khi tổ chức vận chuyển quá cảnh phải gửi đơn và hồ sơ xin phép quá cảnh kèm theo giấy phép của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu đến Bộ Công an Việt Nam để làm thủ tục.
Về xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống ma túy, dự thảo Luật quy định, người nào sử dụng tài sản, phương tiện của mình để chứa chấp hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động trái phép về ma tuý; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về phòng, chống ma tuý; cản trở, chống đối, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người tố giác, người làm chứng, người bị hại, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Đối với người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn phải thực hiện cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”, dự thảo Luật nêu rõ.
Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm các hành vi: trồng cây có chứa chất ma tuý; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Các trường hợp vi phạm các quy định về giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát thuốc gây nghiện; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy; hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có, hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy, trả thù người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
Tác giả: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn