Con đường từ UBND xã Bình Hòa Tây về ấp Bình Bắc, nơi giáp biên giới Campuchia, ở cột mốc 202, 203 đã được bê tông hoặc trải nhựa. Đời sống bà con nơi đây đã sung túc hơn nhờ con đường liên lạc trước cửa. Không chỉ chăm chút từng cái hàng rào bằng cây xanh, đẹp trước nhà, người dân còn ngày đêm vun bồi lối sống đoàn kết, chan hòa để cùng giữ vững chắc mảnh đất vùng “phên giậu” bình yên.
Ông Trương Văn Rương, người dân ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, sống ở xã biên giới này từ khi sinh ra cho biết, người dân biên giới ngoài việc chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, họ rất đoàn kết, bảo vệ mảnh đất nơi mình sinh sống.
Từ khi lực lượng Công an phối hợp với Biên phòng và Quân sự triển khai xây dựng Mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, người dân tích cực hưởng ứng, làm theo. Mỗi khi có sự việc gì xảy ra, chỉ cần 1 tiếng kẻng vang lên, hàng trăm người dân nhanh chóng có mặt, hỗ trợ chính quyền địa phương giữ vững ổn định tình hình ANTT.
Cán bộ Biên phòng và Công an phối hợp tuần tra bảo vệ an ninh trật tự biên giới. |
Bà Hoàng Thị Thùy Như, Phó Bí thư Đảng ủy xã thông tin: xã Bình Hòa Tây có đoạn biên giới dài 4,5km, toàn xã có 5 ấp, trong đó, có 1 ấp biên giới. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của xã không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tình hình ANTT luôn được giữ vững, người dân yên tâm lao động sản xuất. Nhân dân trên địa bàn xã, nhất là ấp biên giới Bình Bắc đều có truyền thống cách mạng, tích cực tham gia các phong trào do chính quyền địa phương phát động.
Nhằm giữ vững ổn định ANTT trên địa bàn xã, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các lực lượng phối hợp, phân công cụ thể từng thành viên tổ chức việc thực hiện mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”. Tham mưu và tổ chức luyện tập Mô hình sát tình hình thực tế ở địa bàn, được nhân dân, chính quyền đồng tình ủng hộ. Do vậy, đã tác động, hạn chế các loại tội phạm, vi phạm biên giới, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.
Thời gian qua, 3 lực lượng phối hợp Công an, Quân sự, Biên phòng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”. Các lực lượng phối hợp phát động đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tích cực phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn các hoạt động của các loại đối tượng, ngăn chặn các vụ việc có thể xảy ra, góp phần bảo vệ đơn vị an toàn gắn với địa bàn an toàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và giữ gìn ANTT trên địa bàn.
Đến nay, có 100% hộ dân tổ chức cam kết thực hiện hiệu quả mô hình, 40 hộ gia đình đăng ký tự quản đường biên, cột mốc; 1.525 hộ gia đình đăng ký tự quản ANTT. Vai trò của nhân dân được phát huy tích cực trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần ổn định ANTT trên địa bàn biên giới, thực hiện mô hình “tiếng kẻng vùng biên”. 5 năm qua, nhân dân đóng góp ủng hộ vật chất mua dụng cụ thực hiện mô hình.
Hiện đã có 485 kẻng nhỏ, 6 kẻng lớn; có 254/ 254 hộ gia đình được trang bị kẻng và tiêu lệnh sử dụng kẻng. Ban chỉ đạo thực hiện mô hình thường xuyên kiểm điểm đánh giá chất lượng hoạt động của mô hình, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục, củng cố phong trào đi vào hoạt động có hiệu quả.
Qua thực hiện mô hình, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Trong 5 năm thực hiện mô hình, nhân dân đã cung cấp cho Công an 159 nguồn tin có giá trị, phục vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Qua đó, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội trên khu vực biên giới.
Tác giả: T. Phượng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn