Nhờ có những quyết sách phù hợp, kịp thời, Đồng Nai đã khắc phục được tình trạng Công an xã bỏ việc, nghỉ việc, thậm chí thời gian gần đây đã có một số trường hợp Công an xã nghỉ việc trước đây thì bây giờ xin quay trở lại với công tác Công an xã.
Còn nhớ đầu năm 2016, khi tổng kết 7 năm thực hiện Pháp lệnh Công an xã, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu cả nước về tình trạng Công an xã nghỉ việc, bỏ việc, nguyên do chủ yếu cũng bởi chế độ chính sách đối với lực lượng Công an xã tại địa phương còn quá bất cập, thu nhập thấp, không đảm bảo được cuộc sống khiến nhiều Công an xã chán nản, bỏ nghề, gây nên sự thiếu ổn định về lực lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn.
Một buổi giao ban công tác của Công an xã Phước Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai). |
“Nhận thức rõ thực trạng, xác định muốn phát triển kinh tế - xã hội thì trước tiên phải ổn định ANTT tại địa bàn, mà địa bàn có ổn định hay không thì vai trò của lực lượng giữ gìn ANTT ở cơ sở như Công an xã, phường là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, ngày 9-12-2016 ở kỳ họp thứ 3 (nhiệm kỳ 2016 -2021) HĐND tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương ban hành Nghị quyết 49 quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 183 ngày 26-10-2010 về chức danh, số lượng và chế độ chính sách cho Công an xã. Đến nay, sau chưa đầy 1 năm Nghị quyết 49 được triển khai, qua đợt tiếp xúc cử tri mới đây cho thấy tình trạng Công an xã nghỉ việc, bỏ việc đã giảm mạnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện chủ trương xác định, công nhận và bố trí Công an chính quy tại xã trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Điều này khẳng định, Nghị quyết 49 của tỉnh Đồng Nai đã thực sự trở thành bí quyết “giữ chân” Công an xã, giúp các cán bộ Công an xã ở Đồng Nai yên tâm, gắn bó với nghề.
Nói về những nét mới của Nghị quyết 49 trong hỗ trợ chế độ chính sách đối với lực lượng Công an xã ở Đồng Nai, Thiếu tá Trương Anh Đức, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài điều chỉnh về chế độ phụ cấp đối với Phó trưởng Công an xã và Công an viên, theo đó Phó trưởng Công an xã được hưởng 1,58 hệ số lương tối thiểu, mức phụ cấp Công an viên là 1,0, thì Nghị quyết 49 còn quy định rõ ràng về các chế độ hỗ trợ tiền ăn và ngày công lao động vào ban đêm (trực đêm, tuần tra) đối với từng chức danh Công an xã.
Trong đó, chế độ hỗ trợ tiền trực đêm đối với Phó trưởng Công an xã được quy định ở mức 86.000 đồng/đêm; Công an viên 60.000 đồng/đêm; Trưởng Công an xã được hỗ trợ 50.000 đồng/đêm, tổng số tiền hỗ trợ ngày công trực đêm được tính không quá 15 đêm trong một tháng. Còn tiền ăn hằng tháng được quy định với mức bình quân 50.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa cũng không vượt quá 15 ngày mỗi tháng.
Bởi vậy, ước tính hiện tại tổng thu nhập của Công an viên thôn, ấp mỗi tháng cũng khoảng 3 triệu đồng, còn với chức danh Phó trưởng Công an xã, Công an viên thường trực đương nhiên sẽ cao hơn. Nhưng quy định quan trọng nhất ở Nghị quyết 49 là Công an xã được hỗ trợ tiền đóng BHXH và BHYT, với mức hỗ trợ hiện tại 110.000 đồng/tháng.
Theo phân tích của Thiếu tá Trương Anh Đức, chế độ bảo hiểm của Công an xã được áp dụng theo quy định đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, với mức đóng BHYT là 1,5% và BHXH là 8% hệ số lương tối thiểu, tương đương với số tiền 126.500 đồng/tháng. Vậy là với số tiền hỗ trợ 110.000 đồng nói trên, hằng tháng các Công an viên chỉ phải tự chi khoảng 16.000 đồng để đóng BHXH và BHYT.
Ngoài ra, Công an xã làm việc, ứng trực vào các dịp lễ, Tết sẽ được tính thù lao làm ngoài giờ, nhưng tổng số giờ làm thêm cũng không vượt quá 200 giờ lao động/năm như quy định của Bộ luật Lao động.
Anh Đào Văn Hiển, 38 tuổi, Trưởng Công an xã Mã Đà ( huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chia sẻ, từ khi Nghị quyết 49 được triển khai, thu nhập của lực lượng Công an xã đã tăng lên đáng kể. Bình quân thu nhập của mỗi Công an viên thôn, ấp đã tăng lên gần 3 triệu đồng, lại được hỗ trợ tiền đóng BHXH, BHYT hằng tháng khiến anh em rất hồ hởi, yên tâm gắn bó với nghề...
Anh Hiển cho biết, Mã Đà đất rộng, người đông, công việc nhiều, nhưng thu nhập của Công an viên trước đây rất thấp, cả tháng chỉ vỏn vẹn mức phụ cấp 1,0 tương đương với khoảng 1,2 triệu đồng; BHXH, BHYT đều không có.
11 năm gắn với công tác Công an xã, anh từng lần lượt chia tay 10 đồng đội xin nghỉ việc. Nhiều người dù rất muốn gắn bó lâu dài với công tác Công an xã, nhưng bởi thu nhập thấp, gia cảnh quá khó khăn, thế nên cực chẳng đã họ đã phải dứt áo ra đi, tìm kiếm công việc khác có thu nhập và chế độ đãi ngộ tốt hơn để ổn định cuộc sống.
Đồng tình với chia sẻ của Trưởng Công an xã Mã Đà Đào Văn Hiển, anh Nguyễn Hùng Cường, 31 tuổi, cựu Công an viên ấp 4, xã Mã Đà - một trong những trường hợp Công an xã nghỉ việc mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, chia sẻ: Ngót 3 năm là công an viên phụ trách ấp 4 (xã Mã Đà) quản lý khoảng 400 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, công việc nhiều, bận rộn tối ngày vậy mà với anh tổng thu nhập lúc đó chỉ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Cường tâm sự, thời điểm đó mỗi lần bị giục lấy vợ, sinh con đều khiến anh sợ hãi. Năm 2013, trăn trở mãi, cuối cùng anh đành quyết định bỏ nghề, ra ngoài kiếm sống.
Anh Hoàng Minh Tâm, 27 tuổi, nguyên Công an viên ấp Trung tâm, xã Xuân Lập (huyện Long Khánh), cũng có thâm niên Công an xã gần 3 năm.
Đầu năm 2017, Tâm đã phải viết đơn nghỉ việc, nguyên nhân cũng bởi đời sống bấp bênh vì thu nhập thấp, mọi chế độ như BHXH, BHYT đều không có. Thanh niên sức dài vai rộng, lại là con trai lớn, lao động trụ cột trong gia đình, dù rất muốn gắn bó lâu dài với lực lượng Công an xã, muốn được tham gia vào công tác địa phương, nhưng cuối cùng anh vẫn phải viết đơn xin nghỉ việc, ra ngoài làm ăn phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học.
Tuy nhiên, mới đây khi tỉnh Đồng Nai vừa triển khai Nghị quyết 49 của HĐND tỉnh quy định mới về chế độ chính sách hỗ trợ đối với lực lượng Công an xã, hiện giờ mức thu nhập của Công an viên đã tăng lên đáng kể, xấp xỉ gần 3 triệu đồng/tháng, lại có chế độ hỗ trợ về BHXH, BHYT cho nên anh Tâm đang có nguyện vọng xin quay trở lại với công tác Công an xã.
Từ kinh nghiệm của tỉnh Đồng Nai, có thể coi đây là bài học quý về công tác xây dựng lực lượng Công an xã. Nhờ có những quy định phù hợp, kịp thời của Nghị quyết 49 về hỗ trợ chính sách đối với lực lượng Công an xã, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Đồng Nai đã giải quyết có hiệu quả tình trạng Công an xã bỏ việc, nghỉ việc; duy trì tốt lực lượng bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn.
Theo quy định của Pháp lệnh Công an xã và các văn bản pháp luật liên quan, Công an xã chỉ là lực lượng bán chuyên trách, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, chính quyền xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của Công an cấp trên. Điều này có nghĩa là trên thực tế, biên chế và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Công an xã đều do chính quyền sở tại tự quyết định theo nghị quyết của HĐND địa phương, do địa phương tự cân đối chi trả. Còn lực lượng Công an chỉ chịu trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, không có quyền hạn trong tuyển dụng, điều chuyển, hay bổ nhiệm chức danh đối với Công an xã. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng mỗi địa phương, mỗi chế độ chi trả, tùy thuộc vào ngân sách của địa phương. |
Tác giả: Tâm Phạm
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn