Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào

Thứ hai - 12/10/2020 08:37
Trong 12 giờ qua, khu vực tỉnh Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Sê Pôn lên rất nhanh,...


Trong 12 giờ qua, khu vực tỉnh Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Sê Pôn lên rất nhanh, lúc 10h ngày 12/10 đã trên mức báo động 3. Đặc biệt trên sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị mực nước đã lên đến 7.40m, vượt báo động 3 là 1.40m, vượt lũ lịch sử năm 1999 là 0.11m. 

Các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và vùng trung du, miền núi ở phía Tây của các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh đang xảy ra sụt lún đất, sạt lở sườn núi và lũ quét rất nguy hiểm. Các vùng đồng bằng, thấp lũ thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà đang bị ngập lụt trở lại. Đặc biệt hàng trăm ngôi nhà ở các vùng thấp lũ Triệu Phong, Hải Lăng, lúc 12h cùng ngày đã bị nước lũ nhấn chìm, có nơi sâu trên 2m.

Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào
Nhiều ngôi nhà ở Hải Lăng bị ngập lụt tới gần nóc.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, kéo dài, Công an tỉnh Quảng Trị và Công an các đơn vị trong tỉnh đã tập trung toàn lực lượng chống lũ, cứu nạn, cứu hộ người dân vùng bị ảnh hưởng; đảm bảo ANTT tại cơ sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng mưa lũ, trộm cắp tài sản của người dân. 

Trực tiếp chỉ đạo lực lượng cứu nạn tại vùng rốn lũ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện này cho hay, từ 3h sáng qua 11/10, nước từ thượng nguồn theo sông Thạch Hãn dội về mạnh như xé, mọi thứ ở vùng hạ du đều bị dòng nước dữ cuốn trôi. Anh em cán bộ chiến sĩ đã phải trắng đêm dầm mình trong nước lũ cứu nạn, di dời, sơ tán hộ những hộ dân trước đó một ngày vẫn còn khô ráo nhưng nay đang bị ngập nước nặng đến các chỗ cao để trú tránh lũ. Đơn vị cũng phải huy động lực lượng, phương tiện tiếp tế nước và thức ăn nhanh cho số anh em làm nhiệm vụ vì đói, khát kiệt sức. 

Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào - Ảnh minh hoạ 2
Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào - Ảnh minh hoạ 3
Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào - Ảnh minh hoạ 4
 Những gói hàng cứu trợ này sẽ giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt.

Được ứng cứu ra khỏi ngôi nhà ngập lụt, ông Hoàng Hữu Đông (SN 1977) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Ái Nhung (SN 1982) và các con Hoàng Hữu Tuân (SN 2008), Hoàng Hữu Tuấn (SN 2012) ngồi thu mình trên ca-nô vì gió lạnh, rơi nước mắt nói với chúng tôi: “Ở đây là cái rốn lũ, vài năm bị ngập lụt nặng một lần và lần nào bà con chúng tôi cũng được mấy chú Công an băng nước ra cứu. Chỗ ăn, chỗ ở những ngày chạy lụt cũng được các chú chuẩn bị chu đáo, không ai bị đói, rét cả. Bà con chúng tôi biết ơn rất nhiều!”.

Tính đến 15h ngày 12/10, Công an huyện Triệu Phong phối hợp Công an các đơn vị xã và các lực lượng khác, đã tham gia ứng cứu, di dời, sơ tán hơn 300 hộ dân ở các xã Triệu Độ, Triệu Hòa, Triệu Trạch, Triệu Giang và Triệu Thuận của huyện này (trong hơn 1 tuần qua không bị ngập lụt nhưng nay đã bị nước lũ nhấn chìm sâu từ 0.50m đến trên 2m) đến các địa điểm, khu vực cao hơn để trú tránh lũ. Cùng với đó, lực lượng của đơn vị tiếp tục tổ chức việc cấp phát lương thực, thực phẩm cho người dân đi tránh lũ và người dân các vùng chưa bị ngập lụt nhưng khó khăn, nguy hiểm trong đi lại. 


Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào - Ảnh minh hoạ 5

Chúng tôi đến vùng Càng gồm 7 xã vùng thấp lũ của huyện Hải Lăng. Nơi đây chỉ có một màu nước lũ trắng xóa. Chiếc đò máy được thuê của anh Đoàn Trung Thuận (SN 1973) ở xã Hải Sơn cứ loạng choạng đâm vào những bụi tre cao vút dọc các con đường làng. Chúng đã bị biển nước ngập lên tới hơn 2/3 thân cây và nhiều cây đã bị gãy ngang thân do sức nước từ thượng nguồn đổ về quá mạnh. Đò chạy được khoảng hơn chục cây số thì chúng tôi phải quay trở lại vì quá nguy hiểm. 

Trong suốt quãng đường này, chúng tôi chỉ gặp được gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1953) ở Càng Hưng Nhơn, xã Hải Hòa. Ông Thắng chia sẻ, nhờ làm nền nhà cao nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bị ngập nước. Chừng nào có nguy cơ bị ngập thì ông sẽ chủ động sơ tán một cách an toàn. Ông cũng cho hay, hầu hết bà con ở đây và ở các Càng khác đều đã được các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện và tỉnh di dời, sơ tán từ 4-5 ngày qua. Sáng nay 12/10 một số hộ bị ngập mới cũng đã được di dời đi tránh lũ. Hiện tại, chỉ còn một số ít hộ dân bám trụ lại, phần vì nhà cửa vẫn còn ở trên cao, phần vì bà con rất thạo với sông nước, nên tự nguyện cùng với các lực lượng chức năng giữ gìn tài sản cho số bà con chạy lũ.

Thượng tá Trần Hữu Sơn, Trưởng Công an huyện Hải Lăng cho biết thêm về tình hình lũ lụt trên địa bàn: “Đến 15h chiều nay 12/10, chúng tôi đã cùng với các lực lượng khác cứu nạn an toàn trên 30 hộ dân ở các xã Hải Hòa, Hải Tân, Hải Thành và Hải Sơn ven sông Ô Lâu bất ngờ bị ngập lụt sâu trở lại; tiếp tục di dời, sơ tán thêm gần 200 hộ dân ở các xã này đang có nguy cơ bị ngập lụt đi trú tránh lũ. 

Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào - Ảnh minh hoạ 6
Bền bỉ vượt lũ cứu trợ đồng bào - Ảnh minh hoạ 7
 Công an Triệu Phong tiếp tục di dời dân và tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm cho bà con ở các điểm trú tránh lũ cũng như các vùng chưa bị ngập nước nhưng việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.

Tình hình mưa lũ diễn biến quá phức tạp, nhiều nơi trên địa bàn đặc biệt các khu dân cư ven các sông Ô Giang, Ô Lâu, mực nước lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử các năm 1983, 1999 và 2009 nên công tác cứu nạn, di dời, sơ tán dân cũng như đảm bảo tài sản cho người dân ở đó gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Sáng nay, đơn vị tiếp tục chỉ đạo toàn bộ lực lượng bám cơ sở, phối hợp Công an các đơn vị xã và các lực lượng khác để ứng cứu người dân, bằng mọi cách phải giúp dân giảm được đến tối đa những thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Trong các ngày từ 5-12/10/2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình phòng, chống mưa lũ tại các địa phương; chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ và cứu nạn, cứu hộ người dân, tàu thuyền bị chìm trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị đã có 40.956 hộ với 125.367 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt; trong đó đã triển khai sơ tán 7.610 hộ với 22.778 người đến các khu vực an toàn. 

Riêng đêm 12/10 và sáng nay, các lực lượng chức năng đã phải tiến hành di dời, sơ tán thêm hơn 1.000 hộ dân do bị ngập lụt nặng và bị lũ quét tại 15 xã, thị trấn của các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, gồm: Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Phùng, Hướng Việt và thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa); Ba Lòng, Mò Ó, Triệu Nguyên, A Vao, Ba Nang, Tà Long, Hướng Hiệp, A Ngo (Đakrông); 18 xã, thị trấn bị ngập lụt sâu của các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, gồm: Cam Thanh An, Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ (Cam Lộ); Hiền Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh); Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, Gio Mai, Gio Việt, Linh Trường, Hải Thái và thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) và hầu hết các xã thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. 

Do mưa lũ lớn, UBND tỉnh Quảng Trị đã cho học sinh trong toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 8/10 đến dự kiến hết tuần này. Đến nay, Quảng Trị có thêm 1 trường hợp bị chết do mưa lũ, nâng số người bị chết lên 6 người và bị mất tích lên 6 người.

Tác giả: Thanh Bình

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây