Ngày 16-10, Cục CSGT đã tổ chức Hội nghị đảm bảo TTATGT đường sắt năm 2019. Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, những năm gần đây, tai nạn giao thông đường sắt tuy giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng kết quả chưa ổn định, còn xảy ra những vụ gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản.
Từ năm 2016 đến 6 tháng 2019 đã xảy ra 972 vụ, làm chết 535 người, bị thương 589 người; lực lượng CSGT đường sắt đã kiểm tra, lập biên bản 43,866 trường hợp vi phạm an toàn đường sắt.
Tình hình lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại trên đường sắt vẫn còn diễn biến phức tạp. Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT đường sắt triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, trực tiếp phối hợp kiểm tra phát hiện 24 vụ vận chuyển hàng hoá, gian lận thương mại, thu giữ 2.262 kiện bằng 118 tấn hàng hoá các loại, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn 8 vụ hành hung, chống lại nhân viên đường sắt, 68 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản của khách đi tàu...
Các đại biểu dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo ATGT đường sắt, đặc biệt là xử lý các đường ngang dân sinh trái phép. Đây là những địa điểm thường xảy ra tai nạn giao thông. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định yêu cầu đến năm 2025 sẽ xoá hoàn toàn các đường ngang dân sinh trái phép nhưng hiện nay việc triển khai thực hiện nhiều địa phương chưa có lộ trình thực hiện, chưa dành kinh phí, quỹ đất để đền bù cho dân để làm đường gom..
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nêu nguyên nhân xảy ra TNGT kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, dẫn đến việc nhận diện các biển báo, vạch kẻ đường ban đêm, nhiều địa phương cấp phép xây dựng các công trình rất sát đường sắt gây nguy hiểm...Các đại biểu cũng nêu các giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT kết luận Hội nghị nêu rõ 5 vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới, đó là tiếp tục rà soát, tham mưu cho lãnh đạo các cấp sửa đổi bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính ứng dụng thực tế, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường sắt; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, chống vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại trên đường sắt; tập trung lực lượng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra an toàn của các phương tiện giao thông đường sắt; tập huấn cho lực lượng CSGT về sử dụng vũ khí, thiết bị kỹ thuật.
“CSGT đường sắt là lực lượng có truyền thống sử dụng vũ khí rất tốt, cần phát huy lợi thế này trong đấu tranh chống tội phạm lưu động trên đường sắt” – Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh và yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đảm bảo ATGT nói chung, ATGT đường sắt nói riêng, kết nối, khai thác dữ liệu từ hệ thống camera giám sát của các đơn vị ngành đường sắt để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT đường sắt và xử lý vi phạm, nhất là các vi phạm tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông...
Các đại biểu tại Hội nghị |
Hiện nay, đường sắt Việt Nam có 7 tuyến chính với chiều dài là 3.172 km có 5.580 điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ với đường sắt, trong đó có 1.618 đường ngang và 4.056 lối đi tự mở. Hàng ngày có khoảng 70 đôi tàu hoạt động 24/24h vận chuyển hành khách và hàng hoá.
Công trình kết cấu hạ tầng đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt phục vụ chạy tàu phần lớn đã xuống cấp, nhiều hạng mục công trình, phương tiện đã quá niên hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, đe doạ đến an toàn chạy tàu.
Tác giả: Phương Thuỷ
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn