Từ năm 2009 đến tháng 5-2019, CSGT cả nước đã lập biên bản xử lý 53.561.721 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước 23.939 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 3.444.919 trường hợp, tạm giữ 15.286.388 phương tiện.
Thông qua công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), phát hiện, bắt và giao cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 5.228 đối tượng phạm pháp hình sự; trong đó về ma túy 729, cướp 113, truy nã 26, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ 354, chống người thi hành công vụ 556...
Bắt ma tuý, “tóm” hàng lậu, hàng cấm
Nhớ lại những lần anh em trong đơn vị đấu tranh, bắt giữ những kẻ buôn ma tuý có trang bị súng, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, Hoà Bình là một trong những tuyến các đối tượng vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam.
Với số lượng ma tuý lớn, các đối tượng bao giờ cũng mang theo vũ khí, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Như trường hợp đối tượng Tạ Văn Hùng, SN 1964, tại xã Phong Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Khi phát hiện Hùng vận chuyển số lượng lớn ma tuý qua địa bàn tỉnh Hoà Bình, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT dừng xe, phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý bắt giữ đối tượng.
“Lúc đó, anh em được trang bị súng K59, nhưng đối tượng có hẳn "kho" súng đạn trong xe gồm 5 khẩu súng, gồm 1 khẩu AK, 1 súng bắn đạn ghém do Mỹ sản xuất, 2 súng ngắn K59, 1 súng Colt và 120 viên đạn các loại; 2 quả lựu đạn...
Sau khi bị CSGT dừng xe, đối tượng giả vờ chấp hành nhưng ngay sau đó quay đầu bỏ chạy. Trong quá trình truy đuổi dài hơn 50km qua 14 xã của 3 huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, đối tượng liên tục dùng súng AK bắn trả quyết liệt. Đối tượng còn đốt cháy xe ôtô LX 570 của mình để tiêu huỷ tang vật, cướp xe máy của người dân để chạy trốn. Các trinh sát phải dập lửa “cứu” xe của hắn, đồng thời nổ súng để khống chế đối tượng
Chỉ riêng CSGT tỉnh Hoà Bình trong 9 tháng đầu năm 2019 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ 19 vụ, 35 đối tượng phạm pháp hình sự, thu giữ 129 bánh và 611,821 gram heroin, 12,148kg ma túy tổng hợp dạng đá, 2.403 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng, 3 viên đạn cũng đủ cho thấy sự khốc liệt đến thế nào trong cuộc chiến đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý.
Vụ bắt ma tuý lớn nhất thông qua công tác TTKS giao thông là chiến công của tổ CSGT An Sương, Công an TP HCM. Khi làm nhiệm vụ, tổ công tác phát hiện 2 ôtô đi không đúng làn đường trên quốc lộ 22 nên Đại úy Giang Hoàng Thiện đã ra tín hiệu dừng xe nhưng 2 tài xế cố tình lái xe bỏ chạy.
Đại uý Giang Hoàng Thiện và Trung uý Trần Văn Lượng đã dùng xe chuyên dụng đuổi theo và chặn được 2 phương tiện này. Khi ôtô dừng, 2 người đàn ông nước ngoài lập tức bung cửa, bỏ chạy. Đại úy Giang Hoàn Thiện khống chế được 1 tài xế cùng 2 ôtô, Trung úy Trần Văn Lượng đuổi theo 2 đối tượng.
Trung úy Trần Văn Lượng khống chế được một người Trung Quốc và áp giải lại điểm giữ xe, sau đó gọi điện thoại báo về Đội CSGT An Sương, nhờ Tổ công tác 363 tới hiện trường phối hợp kiểm tra. Khi di lý 2 ôtô về UBND xã Bà Điểm và kiểm tra, Công an phát hiện 895 bánh heroin.
Tại Thanh Hoá, Bắc Giang, Sơn La..., CSGT cũng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma tuý rất lớn với số lượng nhiều chục bánh heroin, hàng trăm nghìn viên ma tuý tổng hợp. CSGT cũng liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm rất lớn, có nhiều vụ tài sản lên tới hàng tỷ đồng.
Cũng vì hàng lậu, hàng cấm có giá trị rất cao, đối tượng còn có thể bị bắt, bị kết án nặng nên các đối tượng phạm tội trên tuyến giao thông thường chống trả quyết liệt hòng thoát thân.
Điển hình như đối tượng vận chuyển gỗ lậu Nguyễn Thanh Hùng, SN 1986, trú tổ 9, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai đã điều khiển ôtô 12 chỗ ngồi BKS 60K-7065 chạy với tốc độ cao lao thẳng vào tổ CSGT đang làm nhiệm vụ. Cú tông trực diện vào xe của CSGT khiến Đại úy Nguyễn Đức Nhã, cán bộ Đội CSGT Công an huyện Kông Chro, Gia Lai bị thương.
Nhóm đối tượng Nguyễn Thanh Phú, quê Nghệ An, Đỗ Tấn Chức, quê Cần Thơ và Hoàng Thị Toan, trú ở TP HCM vì sợ bị CSGT bắt về tội buôn lậu thuốc lá nên đã bằng mọi cách cản đường, gây va chạm với xe của Cảnh sát, sau đó chúng cho phương tiện tông thẳng vào xe môtô đặc chủng làm 3 cán bộ CSGT Bình Dương bị thương
CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe. |
Tăng các chế tài xử phạt, an toàn giao thông đạt hiệu quả cao hơn
Ông Nguyễn Đạt Hải, Trưởng thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên đi qua Quốc lộ 1A, phía Bắc thị trấn Hòa Vinh (Đông Hòa, Phú Yên) thì bị tai nạn do "ổ gà", khiến ông bị gãy xương bả vai phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Bình Định điều trị.
Tại đoạn đường trên, anh Trần Nguyễn Quang Tánh, ở thôn Phước Lâm, Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên điều khiển xe máy khi đến KM1352+900, QL1A, đoạn qua Phú Khê cũng đâm trúng "ổ gà" trên đường ngã, anh tử vong tại chỗ.
Hai vụ tai nạn điển hình trên ở đoạn đường này theo cơ quan chức năng là các nạn nhân tự ngã chứ không phải va chạm với xe nào khác. “Thủ phạm” không ai khác chính là những “ổ gà”, “ổ trâu” thậm chí “ổ voi” chi chít trên đường.
Ngày 24-8, trên đường Đoàn Nguyễn Tuấn, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Hoàng Linh, 31 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh.
Anh Linh chạy xe máy biển số 59S2-652.96 trên đường Đoàn Nguyễn Tuấn hướng từ Long an về quốc lộ 1. Đến trước nhà số 15/25 ấp 4, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh đã bị sụp ổ gà vì đường xấu dẫn đến bị ngã, tử vong tại chỗ.
Những trường hợp trên chỉ là điển hình cho hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ tai nạn giao thông. Nhiều người đang khoẻ mạnh, lành lặn, cũng chỉ vì tai nạn “trên trời rơi xuống” mà trở thành tàn phế do việc tổ chức giao thông không hợp lý.
Quy định về tốc độ tối đa của xe cơ giới cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng TNGT, nhất là tại địa bàn miền núi
Như tại Quảng Ninh, chỉ trong 6 ngày đầu sau khi ngành GTVT tháo dỡ các biển báo hạn chế tốc độ tối đa 40km/h, tại khu vực cầu Hà Tràng, huyện Tiên Yên đã xảy ra 3 vụ lật xe container do không làm chủ tốc độ khi đi vào đường cong cua.
Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (nguyên Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: Trong khu vực đông dân cư được cộng thêm 10km/h đối với ôtô chở người đến 30 chỗ ngồi; ôtô có tải trọng dưới 3.500kg trở lên; ôtô sơmi rơmoóc, ôtô kéo rơmoóc, ôtô kéo xe khác, ôtô chuyên dùng là không hợp lý vì đây là những phương tiện có nguồn nguy hiểm rất cao, nếu đi với tốc độ cao, quán tính lớn, khi gặp tình huống bất ngờ, rất dễ xảy ra tai nạn.
Trên QL 6 nối từ các tỉnh Tây Bắc về Hà Nội tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều đến mức các lái xe ám ảnh khi đi qua cung đường này. Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La, Hoà Bình phải kiến nghị rất nhiều lần, ngành GTVT mới làm đường tránh cứu nạn, con lăn để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn gây ra.
Bên cạnh đó, những vụ TNGT xảy ra thời gian qua đều ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Điều này thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.
Công tác này bị lơi lỏng đến mức lái xe cụt chân, có lệnh truy nã vẫn được đổi GPLX. Đặc biệt, kỹ năng lái xe qua đường sắt hầu như không được nhắc đến trong quá trình đào tạo dẫn đến việc các lái xe không nắm được các biển báo giao thông đường sắt, không có kỹ năng lái xe qua đường sắt dẫn đến nhiều vụ TNGT đường sắt.
Việc giám sát, quản lý hành trình của phương tiện cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo quy định, thì tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải đều bắt buộc phải có hệ thống giám sát hành trình.
Theo Điều 65 của Luật giao thông đường bộ năm 2008, thì người điều khiển phương tiện không được lái quá 10h/1 ngày, và không được lái xe liên tục quá 4h. Cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều phải có trách nhiệm thực hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành giao thông vận tải chưa chú trọng kiểm soát, xử lý các vi phạm về chạy quá thời gian, quá tốc độ nên đa số các lái xe đều chạy quá số giờ quy định mà không bị nhắc nhở, xử phạt. Như trường hợp lái xe Lê Văn Tùng gây tai nạn ở Thanh Hoá, lái xe khai nhận bắt đầu ôm vô lăng từ đêm hôm trước đến khi xảy ra tai nạn là khoảng 5h sáng nên thời gian lái xe đã vượt rất nhiều so với quy định.
Về việc kết nối dữ liệu camera giám sát của các phương tiện kinh doanh vận tải, Đại tá Phạm Hồng Sơn cho rằng, việc chỉ sử dụng dữ liệu camera giám sát các phương tiện vận tải cho công tác quản lý là rất lãng phí vì thông qua hệ thống giám sát, ngành GTVT sẽ xác định được các lỗi vi phạm của lái xe chứ không cung cấp cho CSGT.
“Tôi đề nghị dữ liệu này phải được chia sẻ, kết nối với CSGT để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn khi xe/tài xế có sự cố và xử lý nghiêm khi có vi phạm, nhằm giảm thiểu vi phạm” – Đại tá Phạm Hồng Sơn kiến nghị.
Để đáp ứng được yêu cầu bảo đảm TTATGT, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trên tuyến, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh rằng: Hiện nay ta có Luật Giao thông đường bộ nhưng trong một số văn bản dưới luật thì việc bảo đảm ATGT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc đấu tranh tội phạm trên đường giao thông là rất cần thiết, bởi các hành vi từ đâm chém, giết người, cướp, vận chuyển hàng hóa lậu... đều diễn ra trên mặt đường, nên nếu chỉ điều chỉnh bằng Luật Giao thông đường bộ thì chưa hiệu quả. Vì vậy, Bộ Công an đề xuất trong thời gian tới sẽ xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Dự luật này cũng sẽ bao gồm việc tăng các chế tài xử phạt để việc xử phạt vi phạm ATGT đạt hiệu quả cao hơn.
Tác giả: Phương Thủy
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn