Bác sĩ trại giam Thanh Phong coi bệnh nhân như người thân

Thứ ba - 25/06/2019 08:08
5 giờ bắt đầu thăm khám cho các phạm nhân. Sau đó, các y bác sĩ lại tiếp tục điều trị cho phạm nhân nằm tại bệnh xá; thăm, khám cho các phạm nhân bệnh nặng; cấp cứu các trường hợp bệnh đột xuất; làm công tác phòng bệnh… là công việc hàng ngày của cán bộ chiến sĩ làm công tác y tế của Trại giam Thanh Phong (Bộ Công an).


Đặc biệt, không chỉ môi trường độc hại, áp lực, hằng ngày phải tiếp xúc với phạm nhân, đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm, như lao phổi, HIV... nhưng những cán bộ y tế nơi đây không quản khó khăn, nguy hiểm, giúp các phạm nhân có sức khoẻ, có nghị lực vươn lên làm lại cuộc đời.

Tính đến tháng 11 năm nay bác sĩ Nguyễn Khắc Dục có chẵn 20 năm gắn bó với công tác y tế trại giam, cũng là một trong những người đầu tiên phụ trách Khu điều trị phạm nhân lao của Trại giam Thanh Phong. Đây là khu điều trị riêng biệt dành cho các phạm nhân lao, lao - HIV được Bộ Công an xây dựng.

Sở dĩ phải xây riêng một khu dành cho các phạm nhân lao vì có nhiều thời điểm, phạm nhân mắc bệnh lao thi hành án ở Trại lên tới con số hơn 100 người, trong đó, có nhiều người nhiễm HIV nên diễn biến bệnh lao càng nhanh và nguy hiểm khó lường. 

Bác sĩ Dục cho biết, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh nhân phải thực hiện điều trị theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Kể cả khi bệnh đã thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và tăng cân, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị hết công thức. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị thì bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Bác sĩ trại giam Thanh Phong coi bệnh nhân như người thân
Cán bộ y tế Trại giam Thanh Phong chăm sóc bệnh nhân.

Lý thuyết là thế nhưng trên thực tế, các phạm nhân mắc lao thường đã điều trị ở ngoài rất nhiều, nhưng vì đa số họ là những người ít quan tâm đến sức khoẻ nên khi hết triệu chứng là bỏ dở liệu trình. Chính vì vậy, sau khi phạm tội, bị bắt và phải thi hành án thì quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn. 

Thêm nữa do bệnh nhân tái phát bệnh nhiều lần, mãn tính rất ngại hợp tác điều trị. Trong khi quá trình điều trị kéo dài, rất vất vả phức tạp. Đặc biệt, nhiều phạm nhân vừa mắc lao vừa có HIV nên rất bi quan nên không muốn hợp tác với cán bộ y tế. 

Chính vì vậy, ngoài phải điều trị bệnh cho phạm nhân, các cán bộ y tế còn phải động viên, giải thích cho họ về tác dụng của thuốc và phương pháp điều trị mới sẽ có hiệu quả rõ rệt, khỏi hoàn toàn bệnh nếu bệnh nhân hợp tác điều trị theo đúng phác đồ. 

Nhờ đó, đa số các bệnh nhân đều đã khỏi. Đến nay, khu điều trị bệnh nhân lao của Trại giam Thanh Phong chỉ thường xuyên có 40 bệnh nhân điều trị.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Thiếu tá Nguyễn Khắc Dục và Trung uý Vũ Ngọc Dương bị ngắt quãng vì có phạm nhân trở bệnh nặng nên các anh vội đến cấp cứu. Sau hơn 1 tiếng “vật lộn”, bệnh nhân đã ổn định, được đưa vào phòng hồi sức nghỉ ngơi. Phạm nhân vừa được cấp cứu là Bạch Hồng Quang (SN 1974, quê ở Hà Nội). Quang bị lao kháng thuốc, lúc chưa bị bắt đã điều trị nhiều lần ở các bệnh viện nhưng chưa dứt điểm. 

Vào trại từ năm 2013 với mức án chung thân, Quang thường xuyên tỏ ra chán nản, không muốn điều trị. Với lại gia đình Quang rất ít thăm nom, tất cả đều nhờ cán bộ y tế chăm sóc. Nhiều lúc bệnh Quang trở nặng, các anh phải đưa ra Trung tâm Y tế huyện cấp cứu, điều trị. Ở đó, các anh vừa là thầy thuốc, vừa là người nhà chăm sóc cho phạm nhân.

Ở trại, có nhiều phạm nhân bệnh rất nặng như suy tim, xơ gan nên sức thở yếu, nằm bệnh xá liên tục dài ngày nhưng hầu như bị gia đình bỏ bê, không thăm nom, chăm nuôi. Chính vì vậy, người thân của các phạm nhân này cũng chính là các y, bác sĩ ở đây. Thương hoàn cảnh của họ, cán bộ Trại giam Thanh Phong luôn dành cho họ sự chăm sóc đặc biệt để họ yên tâm điều trị và chữa  bệnh.

Trung úy Vũ Ngọc Dương cho biết, hiện Khu điều trị lao của Trại có 23 phạm nhân là bệnh nhân mắc lao thường, 6 người bị kháng thuốc, 65 phạm nhân có HIV đang điều trị. Toàn trại có 200 phạm nhân có HIV. Ngoài ra, còn có các bệnh mãn tính như xơ gan, suy tim, suy thận... nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

Được biết, giờ làm việc của các cán bộ trại giam thường bắt đầu lúc 6 giờ sáng - đây là thời điểm cán bộ quản giáo nhận đội đi lao động. Vì vậy, các bộ phận khác như trực trại, trinh sát, bảo vệ... cũng phải bắt đầu ngày làm việc. Riêng cán bộ y tế làm sớm hơn vì phải khám ốm cho các phạm nhân chuẩn bị đi làm, sàng lọc những phạm nhân nào thật sự mắc bệnh thì điều trị, phạm nhân nào giả bệnh thì cũng nói rõ để họ biết.

Gắn bó với công tác y tế trại giam, các y bác sĩ ở Trại giam Thanh Phong đều xác định công việc của mình là khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm. Tôi khá ngạc nhiên về sự gắn bó của các y bác sĩ đối với các bệnh nhân ở đây. Đi vào phòng bệnh, Thiếu tá Dục tươi cười hỏi: “Anh Hải hôm nay thấy thế nào?”, “Anh Phong còn khó thở hay không?, “Anh Việt nhớ ăn nhiều cơm nhé, anh vẫn còn yếu lắm, ăn nhiều mới nhanh khoẻ được”. Đáp lại lời cán bộ, các phạm nhân hồ hởi: “Thầy ơi hôm nay tôi thấy khoẻ hơn nhiều”, “Thầy ơi hôm nay tôi mệt hơn, tí thầy xem giúp tôi với nhé...”.

Được biết, anh Dục là người gắn bó lâu năm nhất ở Khu điều trị lao nên khi được phân công phụ trách mảng điều trị bệnh khác, anh vẫn rất gắn bó với các bệnh nhân lao bởi đa phần họ đều "tứ cố vô thân", gia đình nghèo, đến thăm được cũng đã là cố gắng, không có tiền mua thêm đồ bồi dưỡng chứ không thể nghĩ đến chuyện biếu bác sĩ. Dù vậy, anh và đồng nghiệp không ai nghĩ đến chuyện đó bởi nếu nghĩ đến tiền bạc chắc không gắn bó nổi với công việc này.

Anh Dục cho biết, đa số các phạm nhân lao nhiễm HIV hoặc HIV hoặc mắc thêm các bệnh khác nên ngoài việc quản lí, chữa trị cho họ, các cán bộ y tế còn phải làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để các phạm nhân khác biết cách phòng tránh nhưng không xa lánh, kì thị người bệnh.

Công tác ở trại nên có rất nhiều đặc thù, nhiều hôm, đến bữa các anh chưa kịp ăn, lại có bệnh nhân cấp cứu...

Cái khó nhất đối với những người làm công tác y tế ở trại giam, đó là sự độc lập tác chiến và kinh nghiệm bản thân tự rút ra trong quá trình công tác mà khó có điều kiện chia sẻ.

Đơn giản như việc bệnh nhân kêu đau bụng, chỉ cần nhìn sắc mặt, sờ qua người là có thể biết bệnh nhân đó có bị đau thật hay không để từ đó có phương pháp điều trị đúng đắn. “Đối với những phạm nhân giả ốm, chúng tôi buộc phải “rắn”, để chứng minh bệnh nhân không có bệnh. Kể cả các phạm nhân bị kỷ luật, thì cán bộ y tế cũng phải ngồi ở phòng giam để theo dõi. Có như thế, phạm nhân mới “tâm phục khẩu phục”.

Tôi thắc mắc chuyện vì sao biết bệnh nhân ốm thật, ốm giả, Trung uý Dương cho biết, tất cả đều do kinh nghiệm cả thôi. Ví dụ bệnh nhân đau bụng, đau đầu thật thì sờ vào người sẽ biết, nếu giả vờ họ thường gồng lên, không cho khám hoặc kêu la thảm thiết nhưng mặt lại hết sức tỉnh táo, bình thường.

Quả vậy, công việc của các anh không chỉ là khám chữa bệnh thông thường mà là trực tiếp đối diện với tội phạm. Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân không ốm (hoặc ốm nhẹ) mà cho đi viện, rất có thể phạm nhân lợi dụng cơ hội trốn; hoặc được nằm bệnh xá để khỏi phải đi làm. Nếu bệnh nhân nặng mà không chữa trị kịp thời cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Công việc bận rộn, tuần nào cũng phải ngủ lại cơ quan 3-4 buổi, đặc biệt là khi có bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân chết thì hầu như cán bộ y tế không được ngủ, phải túc trực thường xuyên.

Thời điểm hiện tại là cao điểm nắng nóng kéo dài, đặc biệt Trại giam Thanh Phong nằm ở khu vực khí hậu khắc nghiệt của tỉnh Thanh Hoá, nắng lắm mưa nhiều nên bệnh nhân ốm đau liên tục, các cán bộ y tế Trại ai cũng vất vả. Có những hôm, phân trại có tới 5-6 bệnh nhân cấp cứu, anh em phân trại khác phải sang hỗ trợ thêm. Có những đêm, đưa bệnh bệnh này đi viện vừa về đến nơi chưa kịp rửa tay chân thì bệnh nhân khác đã trở bệnh nặng lại tiếp tục đưa họ đi viện, phối hợp với y bác sĩ ở bệnh viện cấp cứu, chăm sóc họ. 

“Thức đêm nhiều thành quen, kể cả không trực nhưng khi có việc, anh chị em đều phải vào đơn vị hỗ trợ đồng đội. Bởi, nghề này, vất vả chung, miễn bệnh nhân khỏi bệnh, yên tâm cải tạo là mừng rồi” - Thiếu tá Nguyễn Khắc Dục cho biết.

Hoàng Sơn

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây