Và không ai khác, bác sĩ pháp y chính là người giúp những tử thi bất động lạnh lẽo kia nói lên sự thật thông qua những chứng cứ khoa học được họ giải mã, giúp nạn nhân lấy lại công bằng!
1. "Xin lỗi cô gái! Chúng tôi đã cố gắng hết sức, đã bắt được những kẻ gây án nhưng không cứu được em. Đó là nỗi đau của tất cả những người tham gia trong chuyên án này" - Đại tá, Tiến sĩ Đào Quốc Tuấn, Giám định viên pháp y - Trung tâm Giám định pháp y (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) đã thầm thì như vậy trước khi tiến hành khai quật, giám định pháp y vụ cô gái ship gà bị sát hại tại tỉnh Điện Biên.
Là người đã trực tiếp pháp y tử thi rất nhiều vụ án, nhưng khi kể lại vụ giám định pháp y nạn nhân Cao Mỹ Duyên, Đại tá Đào Quốc Tuấn nhiều lần dừng lại vì xúc động. Những ai trong nghề bác sĩ pháp y mới thấu hiểu những cuộc khai quật vất vả như thế nào. Nó gần như vắt kiệt sức lực của các bác sĩ bởi ngoài sự độc hại của môi trường, họ còn phải chịu đựng sức ép tâm lý vô cùng nặng nề khi chứng kiến nỗi đau nhân đôi từ phía người thân, gia đình nạn nhân.
Đôi mắt đỏ hoe, Đại tá Đào Quốc Tuấn bảo rằng, trong cuộc đời hơn 30 năm là bác sĩ pháp y, từng giám định những vụ án mang tính chất man rợ, nhưng anh chưa từng thấy nạn nhân nào bị siết cổ 2 lần như vụ việc cô gái Điện Biên. Chính vì các đối tượng bị bắt giữ khai nhận đã siết cổ nạn nhân 2 lần (lần đầu lúc khống chế, bắt giữ cô gái và lần sau khi hạ sát nạn nhân), Ban chuyên án đã họp và quyết định trưng cầu Viện Khoa học hình sự khai quật để làm rõ lời khai của các đối tượng.
Trực tiếp khai quật, giám định pháp y, Đại tá Đào Quốc Tuấn vẫn không khỏi bàng hoàng khi sự thật đúng như lời khai của những kẻ thủ ác. "Nạn nhân cho đến lúc chết đã phải chịu đựng sự tra tấn kinh khủng của các đối tượng" - Đại tá Đào Quốc Tuấn nghẹn lời. Anh quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt đau đớn và xót xa cho nạn nhân.
Thế đấy! Người ta bảo những người làm nghề bác sĩ pháp y phải có thần kinh thép. Ngay cả các bác sĩ pháp y trước khi bước vào một cuộc giám định tử thi cũng phải giữ cho mình "cái đầu lạnh" để đảm bảo sự khách quan, khoa học.
Tưởng như chứng kiến quá nhiều những cái chết sẽ khiến cho trái tim của bác sĩ pháp y sẽ chai sạn. Nhưng không phải như vậy! Trái tim đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân khiến nước mắt bác sĩ pháp y vẫn lặng lẽ tuôn rơi. Và không ai khác, bác sĩ pháp y chính là người giải mã sự thật bằng những chứng cứ khoa học, giúp những tử thi bất động lạnh lẽo kia nói lên sự thật, giúp họ lấy lại công bằng!
Khai quật giám định tử thi là một công việc vô cùng vất vả, độc hại đối với bác sĩ pháp y |
2. Là người từng được học tập và nghiên cứu sinh nhiều năm ở nước ngoài, Đại tá, Tiến sĩ Đào Quốc Tuấn tâm sự, điều khiến anh trăn trở nhất là điều kiện làm việc của bác sĩ pháp y. Anh bảo, không chỉ là chuyện kinh phí đâu, mà hiện ở Việt Nam đến giờ chưa có cơ sở chuyên cho việc giải phẫu pháp y.
Do đó, một số các vụ việc tử thi được đưa đến nhà xác bệnh viện (chủ yếu ở các thành phố lớn), còn đa phần các vụ việc pháp y đều thực hiện tại hiện trường. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do phong tục tập quán của người Việt Nam. Tâm lý muốn người chết được "toàn thây" khiến cho việc "động chạm" vào người chết đã khó, trường hợp nếu người nhà hợp tác để các bác sĩ pháp y làm việc thì họ yêu cầu phải "làm" thật nhanh để còn tổ chức tang lễ.
Tiến hành một cuộc pháp y ngay tại hiện trường, mặc dù đã có lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường nhưng xung quanh vẫn có hàng trăm con mắt tò mò của người hiếu kỳ dõi theo và áp lực từ phía người nhà nạn nhân muốn công việc pháp y phải làm thật nhanh khiến bác sĩ pháp y đôi khi cũng bị phân tán, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Chưa kể có vụ việc người nhà cản trở, thậm chí quá khích đuổi đánh bác sĩ pháp y... Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng một cuộc pháp y, tình trạng làm việc tại hiện trường như vậy còn dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm bệnh đối với bác sĩ pháp y rất cao khi vệ sinh môi trường không đảm bảo.
Một trong những vụ việc điển hình về áp lực của bác sĩ pháp y phải chịu đựng khi phải giám định tử thi ngay tại hiện trường như vậy, là vụ pháp y 2 thiếu nữ tử vong do tai nạn giao thông xảy ra ngày 19-6-2018 tại Hưng Yên. Khoảng 22h20 ngày 19-6, người dân phát hiện tại khu vực cầu vượt Từ Hồ thuộc địa phận thôn Hòa Mục, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên có 2 người chết được xác định là Nguyễn Thị T (SN 2006) và Lê Thị N (SN 2004) đều ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Trên cơ thể 2 nạn nhân có nhiều vết thương.
Sau khi phát hiện vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Mỹ đã trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hưng Yên khám nghiệm tử thi. Sau buổi khám nghiệm kết thúc, 2 gia đình nạn nhân không đồng ý với thông báo sơ bộ của kết quả khám nghiệm.
Nghi ngờ nạn nhân bị kẻ xấu sát hại nên người nhà và một số đối tượng quá khích đã kích động hàng trăm người mang quan tài 2 nạn nhân đặt ở trước cổng Công an huyện và trên đường 5 gần khu công nghiệp, làm mất an ninh trật tự, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã báo cáo Bộ Công an, đồng thời trưng cầu Viện Khoa học hình sự chi viện khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng, Thượng úy Phạm Văn Khang, giám định viên Trung tâm pháp y (Viện Khoa học hình sự) cùng tổ công tác đã khẩn trương lên đường lúc 3h sáng đến hiện trường tại huyện Yên Mỹ. Khi tới nơi, tình hình hết sức căng thẳng.
Người nhà và các đối tượng quá khích nói lớn, kích động, ép cơ quan chức năng phải khám nghiệm tử thi vào buổi sáng tại hiện trường và phải cho tất cả mọi người cùng chứng kiến, sau khi khám nghiệm xong phải ra kết luận và đọc kết quả trước tất cả mọi người chứng kiến cùng nghe. Khi cơ quan chức năng đang giải thích, các đối tượng lại không hợp tác, liên tục thay đổi yêu sách, đòi hỏi những điều vô lý nhằm gây rối, gây hoang mang dư luận.
Trước tình hình trên, để đảm bảo ANTT trong khu vực, đến gần sáng, lực lượng chức năng đã phải tạm giữ những đối tượng quá khích, đồng thời di chuyển 2 quan tài có tử thi ra khỏi hiện trường đến nơi khám nghiệm an toàn.
Cùng với các đồng nghiệp, Thượng úy Phạm Văn Khang đã khẩn trương vào việc, tiến hành khám nghiệm 2 tử thi. Thời điểm đó thời tiết oi bức, tử thi phân hủy mạnh khiến nguy cơ phơi nhiễm, độc hại rất cao nhưng các bác sĩ pháp y đã không quản vất vả, xem xét rất kỹ các dấu vết trên tử thi để có một kết quả chính xác tuyệt đối.
Sau 6 giờ thăm khám, mổ pháp y, các bác sĩ đã xác định trên cả 2 cơ thể nạn nhân có các tổn thương xây xát, rách da, bầm tụ máu, gãy vỡ nhiều xương, đặc biệt có vết rách da ở vùng đầu, mặt, cổ với bờ mép tương đối sắc gọn. Từ kết quả giám định pháp y tử thi và kết quả giám định tại hiện trường, kết hợp một số thông tin khác, giám định viên pháp y nhận định đây là vụ tai nạn giao thông tự gây, nguyên nhân chết là do đa chấn thương, cơ chế hình thành các vết thương vùng đầu, mặt, cổ là do vật tày có cạnh gây nên, phù hợp với khi va chạm cơ thể với tấm tôn lượn sóng ở bên đường tạo thành.
Điều này khác hẳn với nhận định chủ quan của gia đình nạn nhân và các đối tượng kích động cho rằng đây là các tổn thương do đâm chém gây ra. Trong quá trình giám định, các bác sĩ pháp y đã thu một số mẫu để mang về phòng thí nghiệm làm các xét nghiệm cần thiết. Đó là những bằng chứng khách quan, khoa học củng cố vững chắc cho những nhận định, đánh giá ban đầu của đoàn công tác.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, không kể ngày nghỉ, ngày 24-6-2018, Viện Khoa học hình sự đã ra kết luận giám định, xác định rõ nguyên nhân chết của Nguyễn Thị T và Lê Thị N là do đa chấn thương, trong đó T bị chấn thương ngực vỡ rách cuống tim, N chấn thương sọ - hàm mặt. Xét nghiệm cho thấy trong máu của T và N đều tìm thấy thành phần Ethanol, chất ma túy tổng hợp MDMA và Methamphetamine, trong mẫu máu và phủ tạng không tìm thấy các chất độc thường gặp.
Ngay sau khi ra bản kết luận giám định pháp y tử thi, các bác sĩ pháp y tham gia đoàn công tác của Viện Khoa học hình sự đã về địa phương trực tiếp giải đáp những thắc mắc về dấu vết tổn thương bằng những cơ sở khoa học của pháp y, cung cấp những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng, quyết định, giúp cơ quan điều tra có hướng xử lý vụ việc.
Sau khi được giải thích bằng những chứng cứ khoa học xác đáng trên, người nhà nạn nhân đã hiểu và giải tỏa bức xúc, góp phần lập lại trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Vụ việc đã khẳng định bản lĩnh của các bác sĩ pháp y Công an nhân dân không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn luôn luôn đảm bảo sự khách quan, công tâm của những người làm khoa học, tạo niềm tin đối với nhân dân.
Đại tá, Tiến sĩ Đào Quốc Tuấn, giám định viên Trung tâm pháp y (Viện KHHS – Bộ Công an) nghiên cứu những dấu vết trong vụ án cô gái ship gà bị sát hại tại Điện Biên. |
3. Đại tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn, giám định viên pháp y - Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an không khỏi chạnh lòng khi tâm sự rằng, nói đến bác sĩ pháp y, rất nhiều người e ngại, thậm chí sợ hãi vì nghĩ rằng bác sĩ pháp y chỉ làm công việc mổ xẻ xác chết. Cái nhìn chưa đúng, chưa toàn diện này đã khiến không ít người có thái độ "kỳ thị" đối với bác sĩ pháp y, dẫn đến những mặc cảm nghề nghiệp của chính bác sĩ. Nhiều bác sĩ pháp y phải giấu nghề đối với người nhà, người thân và cả bạn bè.
Cũng có chút buồn vì công việc "nhạy cảm", khó có thể chia sẻ với người khác những khi gặp căng thẳng, stress. Nhưng các bác sĩ pháp y không vì thế mà giảm sút lòng nhiệt huyết với nghề nghiệp. Bởi thực tế ngoài pháp y tử thi, trong những năm qua, bác sĩ - giám định viên pháp y còn thực hiện rất nhiều công việc khác nữa như giám định trên người sống ở các vụ việc cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục, giám định tuổi, giám định qua hồ sơ...
Đặc biệt trong các vụ thực nghiệm điều tra, bác sĩ pháp y đóng vai trò rất quan trọng, giống như người viết kịch bản, đưa ra tất cả các tình huống có thể xảy ra, giúp cơ quan điều tra kiểm chứng với lời khai của đối tượng có phù hợp không, bởi chỉ có bác sĩ pháp y với chuyên môn nghiệp vụ mới nắm chắc nhất cơ chế hình thành dấu vết thương tích, từ đó xây dựng các tình huống phù hợp với bản chất sự việc trong buổi thực nghiệm điều tra.
Công việc thầm lặng, nhưng sự đóng góp của bác sĩ pháp y trong thành công của những chuyên án đấu tranh với tội phạm là con số không hề nhỏ. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm giám định pháp y (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an) đã giám định 1.499 vụ việc (tăng 45 vụ so với năm 2017), trong đó giám định pháp y tử thi 141 vụ, khai quật 5 vụ; giám định thương tích 842 vụ; giám định hài cốt 5 vụ; giám định tuổi người sống 21 vụ...Các kết luận giám định pháp y của trung tâm đều có giá trị chứng cứ và truy nguyên cao, giúp cơ quan tố tụng truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hương VũNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn