An toàn cho người dân là trên hết

Thứ bảy - 07/11/2020 06:05
Rạng sáng 6/11, bão số 10 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh miền Trung với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Do ảnh hưởng của bão, trong ngày 5 và 6/11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định xảy ra mưa to, với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm.

Bên cạnh công tác tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả bão số 9, nhất là tham gia tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích trong các vụ sạt lở núi, lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam còn triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp kiểm tra, rà soát công tác khắc phục hậu quả bão số 9, cũng như phòng chống ảnh hưởngbão số 10. Qua đó, chỉ đạo Công an các địa phương tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 9, tham gia tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ (CNCH), xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, song cũng phải duy trì, củng cố lại cơ quan, trụ sở làm việc; chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị của lực lượng Công an; đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình phòng chống lụt bão, tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, cho biết, đơn vị đã bố trí hơn 10 cán bộ chiến sĩ (CBCS) ứng trực tại cơ quan để sẵn sàng tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc sơ tán dân, triển khai ứng phó bão số 10. Ngoài ra, hàng chục CBCS Công an huyện vẫn đang có mặt tại xã Phước Lộc để tham gia tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích do sạt lở và lũ quét; giúp đỡ di dời người dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Tại huyện Nam Trà My, Thượng tá Mai Xuân Sang, Trưởng Công an huyện, cho hay, đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, lực lượng Công an chính quy ở các xã trên địa bàn triển khai nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để tham gia sơ tán người dân phòng chống bão số 10, tham gia công tác khắc phục hậu quả bão số 9, tìm kiếm CNCH. Trong đó, Công an xã Trà Leng, cùng với việc tham gia tìm kiếm 13 nạn nhân còn mất tích đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác đưa những hộ dân có nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao của 3 thôn trên địa bàn xã đi sơ tán trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền…

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Phòng Cảnh sát đường thủy đã chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng kịp thời ứng phó với mưa bão, sẵn sàng thực hiện các phương án CNCH khi có yêu cầu và tham gia khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, mục tiêu nhằm góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra.

An toàn cho người dân là trên hết
Công an tỉnh Quảng Ngãi giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão.

Đơn vị này đã phối hợp với Công an và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp các phương tiện thủy neo đậu vào nơi trú tránh bão an toàn; thành lập 3 tổ công tác bám sát địa bàn, sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công điện, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá cần tổ chức tuyên truyền; khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu,... cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn. Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.

Các địa phương phải chủ động, phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân nơi khó khăn.

Về công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia CNCH, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo không tổ chức lực lượng tham gia tìm kiếm khi có mưa lớn và các hình thái thời tiết nguy hiểm khác. Ngoài ra phải có phương án đảm bảo an toàn về nơi ở, nơi trú tránh cho các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh này đã có công văn hỏa tốc về việc khẩn trương, tập trung ứng phó với bão số 10, mưa lớn và công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý các địa phương tập trung thực hiện sơ tán, di dời dân, cán bộ, công nhân ở những khu vực đã và đang bị sạt lở đến nơi trú tránh an toàn với phương châm là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng của nhân dân trong mọi tình huống diễn biến bất lợi của thời tiết.

An toàn cho người dân là trên hết - Ảnh minh hoạ 2
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đường thủy Công an Quảng Nam hướng dẫn chủ phương tiện thủy neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền Hồng Triều.

Đặc biệt, yêu cầu UBND các huyện miền núi Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà… tổ chức sơ tán, di dời nhân dân, cán bộ, công nhân đang ở những khu vực đã và đang bị sạt lở đến nơi tránh trú; yêu cầu nhân dân nếu không có việc cấp thiết thì tuyệt đối không được rời khỏi nơi tránh trú, quay về nhà nhằm đảm bảo an toàn về người.

Tại làng Măng Ring, thôn Măng He, xã Sơn Bua, huyện miền núi Sơn Tây, ngoài 16 hộ dân có nhà cửa bị lũ quét cuốn sập, làm hư hỏng đã di dời vẫn còn 20 hộ dân đang sinh sống trong vùng đe dọa nguy cơ sạt lở núi và lũ quét. Ông Đinh Văn Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua, cho biết, từ kinh nghiệm sau đợt bão số 9, xã đã thành lập nhiều tổ công tác về các thôn.

Riêng 20 hộ dân ở làng Măng Ring, bố trí tổ công tác thường trực tại chỗ, vừa vận động vừa kiên quyết bắt buộc các hộ dân phải di dời. Lực lượng Công an xã và Xã đội hỗ trợ giúp người dân di dời đến khu vực an toàn.

Theo Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng, Trưởng Công an huyện Sơn Tây, chính quyền địa phương đã lập nhiều đoàn công tác về các xã vận động sơ tán 630 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu tại 52 điểm sạt lở núi… 

Tác giả: Ngọc Thi – Trà Câu

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây