Sáng 10/8, tiếp tục Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) về tình trạng "tín dụng đen", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, đấu tranh tội phạm "tín dụng đen" rất mạnh mẽ, có nhiều giải pháp kiềm chế, đẩy lùi tội phạm, không còn tình trạng tội phạm công khai, lộng hành. Tuy nhiên, tình trạng tội phạm "tín dụng đen" vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng cho vay qua internet. Gần đây, Bộ Công an vừa triệt phá băng nhóm cho vay qua App với quy mô lớn với nhiều tỉnh thành, trong đó có đối tượng người nước ngoài tham gia; có hàng trăm nghìn người vay, số tiền cho vay hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất rất cao.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng "tín dụng đen" là do nhu cầu vốn rất lớn. Việc xử lý tội phạm "tín dụng đen" gặp nhiều khó khăn, đối tượng nhiều thủ đoạn, lách luật. Ranh giới giữa cho vay thông thường, dân sự và tội phạm rất mong manh, rất dễ hình sự hoá quan hệ dân sự.
Giải pháp thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" như hiện nay, không chủ quan, chùng xuống; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 12; phát huy sức mạnh tổng hợp các cấp, các ngành, toàn dân trong phòng ngừa, tố giác tội phạm; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo thủ đoạn của tội phạm; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng đẩy mạnh các dịch vụ để người dân tiếp cận với các dịch vụ vay tín dụng chính thống để đáp ứng nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh không phải vay "tín dụng đen".
Thực hiện Đề án 06, các ngân hàng có thể sử dụng CCCD để thực hiện cho vay. CCCD sẽ thay thế việc thế chấp tài sản bằng tín chấp. Các ngân hàng có thể xác định người vay rất rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra xử lý nghiêm các loại tội phạm, giải quyết các băng ổ nhóm. Các đối tượng "tín dụng đen" thường liên quan đến tội phạm hình sự. Chúng điều tra rất kỹ người vay, thuê mướn tội phạm hình sự để đòi nợ. Từ "tín dụng đen" sẽ xảy ra đòi nợ, cướp tài sản, lừa đảo người cho vay thế chấp nhà cửa khi họ cần tiền cấp bách. Chính vì vậy, việc đấu tranh với các tổ chức tội phạm "tín dụng đen" là giải pháp rất quan trọng trong phòng ngừa, xử lý tội phạm này.
Trả lời thêm về câu hỏi này, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Theo quy định, các tổ chức tín dụng khi cho khách hàng vay vốn thì điều kiện khách hàng vay là phải chứng minh rõ mục đích, nguồn trả nợ, dữ liệu thời gian trả nợ. Khi khách hàng chưa có khả năng trả nợ thì có thể đề nghị ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ, chứng minh được khả năng trả nợ theo kỳ hạn mới. Nếu không có đơn đề nghị gia hạn nợ, không chứng minh được khả năng trả nợ mà vay "tín dụng đen" thì ngân hàng không biết nguồn tiền từ đâu. Nếu khách hàng đã trả nợ xong muốn vay kỳ hạn mới thì ngân hàng phải thẩm định lại từ đầu.
“Thời gian vừa qua, ngân hàng có nhiều chi nhánh, nhiều loại hình cho vay, chính vì vậy, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng nên tiếp cận các nguồn vốn chính thức. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy cho vay để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn chính thức” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về cơ sở pháp lý xây dựng Đề án 06, đồng bộ hoá dữ liệu CCCD, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, các cơ quan y tế, tài chính, ngân hàng, BHXH…đang tích hợp thông tin vào CCCC. CCCD có gắn chíp điện tử có thể tích hợp hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm y tế…Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ số hoá hồ sơ, hoàn thiện dữ liệu để tích hợp thông tin, thực hiện kết nối liên thông. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng không ủng hộ, trong khi đó, nếu thông tin không đúng, không sạch, không đủ thì không thể thực hiện kết nối được, phải làm lại.
“Qua đây, chúng tôi đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nỗ lực làm đúng, đủ, sạch dữ liệu để sớm hoàn thiện kết nối liên thông, phục vụ quản lý, quản trị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, khi dữ liệu liên thông được hoàn thiện, giao dịch của người dân thực hiện thuận lợi hơn rất nhiều. Đây là điểm rất mới, mang lại hiệu quả cao của việc thực hiện Đề án 06” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) về những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội chưa đi vào thực chất, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về an ninh mạng hiện nay còn chưa kịp thời.
Bộ Công an cũng tập trung tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực an ninh mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng. Nâng cao trình độ, năng lực và sự quan tâm đầu tư, trang bị công cụ, phương tiện, nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ ca
Bộ Công an cũng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an ninh mạng, cũng như phối hợp với các nước trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn