Theo đó, trưa ngày 14/9/2021, bà H, cư trú tại phường Đức Xuân bị một nhóm đối tượng gọi điện đến giả danh Cơ quan Công an thông báo bà H liên quan đến một đường dây tội phạm và sẽ thực hiện Lệnh bắt giam vào chiều cùng ngày, nhóm đối tượng yêu cầu bà H mở tài khoản ngân hàng và cung cấp mã OTP sau đó chuyển toàn bộ tiền của bà H vào tài khoản để Cơ quan Công an kiểm tra xác minh. Bà H đã mở Tài khoản tên
H và thực hiện hai lần chuyển tiền vào Tài khoản theo hướng dẫn của nhóm đối tượng. Lần thứ nhất chuyển thành công số tiền 350 triệu đồng, lần thứ hai chuyển số tiền 910 triệu đồng vào tài khoản trên nhưng do thực hiện sau 16h30' nên giao dịch chưa thành công, ngân hàng thông báo giao dịch sẽ thành công vào sáng ngày hôm sau. Tối cùng ngày, qua thông tin tuyên truyền từ Công an địa phương trên mạng xã hội, bà H nghi ngờ mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên vội đến Cơ quan Công an trình báo.
Ngay trong đêm, lực lượng Công an đã hướng dẫn bị hại, trao đổi ngân hàng huỷ lệnh chuyển số tiền 910 triệu đồng và phong toả Tài khoản tên H ( tài khoản đã bị nhóm đối tượng chiếm quyền sử dụng do bà H cung cấp mật khẩu cho nhóm đối tượng). Các đối tượng đã nhanh chóng chiếm đoạt 100 triệu đồng, trước sự nhạy bén, kịp thời của lực lượng Công an, sự trách nhiệm của Ngân hàng, bà H đã may mắn nhận lại số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó vào cuối tháng 6/2021, cũng với thủ đoạn trên bà Đ.T.T ở thành phố Bắc Kạn cũng đã bị mất 45 triệu đồng vì 1 cuộc điện thoại lạ thông báo: Bà có liên quan đến một vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã 2 lần triệu tập nhưng bà không có mặt. Đối tượng khẳng định bà có mở một tài khoản tại Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội. Khi bà T nói mình chưa từng mở tài khoản nào như vậy thì đối tượng đã xác nhận đúng họ tên và số chứng minh nhân dân của bà T. Đối tượng cho biết lực lượng Công an đã phát hiện có nhiều tài khoản ngân hàng đứng tên và số CMND bà.
Sau đó bà T được kết nối với một người đàn ông có tên là Vũ Đình Tuấn, công tác tại đội 11, phòng Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội. Người này đã giúp bà T liên hệ với các ngân hàng khác xem có bao nhiêu tài khoản được mở bằng thông tin cá nhân của mình. Bà T tiếp tục được kết nối để nói chuyện với một người tiếp theo, người này cho bà T biết bà có tài khoản ở Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, trong tài khoản có 6,8 tỷ và liên quan đến một đường dây mua bán ma túy. Đặc biệt 2 đối tượng trong đường dây đã bị bắt và khai nhận bán tài khoản này cho người khác. Đối tượng yêu cầu bà T kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra. Đồng thời chúng yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt…
Cơ quan Công an khuyến cáo: Các đối tượng lừa đảo thường dàn dựng kịch bản rất kỹ lưỡng, từ cách tiếp cận nạn nhân, đến cách dẫn dắt, cuốn hút vào “mê hồn trận”, khiến các nạn nhân hoảng loạn, không còn tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Chúng thường lựa chọn những người ở xa để nạn nhân không có điều kiện tiếp xúc với người giả danh mà chỉ có thể liên hệ qua điện thoại. Chúng sử dụng công nghệ cao giả lập số điện thoại của một số đơn vị Công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố để người bị hại dễ dàng tin tưởng. Hay cũng có thể sử dụng các sim rác để nạn nhân không thể liên hệ khi bị phát hiện…
Tại các điểm giao dịch nhân viên ngân hàng hãy chú ý quan sát, phát hiện những biểu hiện bất thường về tâm lý của khách hàng như: Thái độ lo lắng, gấp rút, thường xuyên nghe điện thoại, rút tiền với số lượng lớn sau đó chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau với nội dung chuyển khoản không rõ ràng... thì chủ động thông báo ngắn gọn cho khách hàng về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để cảnh giác, không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.