Phụ nữ và trẻ em – “ Miếng mồi ngon của tội phạm mua bán người”
Thứ sáu - 28/07/2023 03:04
6 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm mua bán người trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Theo Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người hiện nay các đối tượng có xu hướng chuyển cách tiếp cận ban đầu với nạn nhân từ trực tiếp sang gián tiếp, thông qua không gian mạng. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em.
Thủ đoạn của các đối tượng là triệt để lợi dụng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok với tên, tuổi, địa chỉ giả mạo để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, sau đó hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ. Sau đó, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài hoặc làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage, tại đây, các em bị bóc lột sức lao động và thậm chí là bị yêu cầu thực hiện việc bán dâm.Tháng 3/2023, một cháu gái 13 tuổi, trú tại tỉnh Lai Châu, do đã nghỉ học, nên cháu có nhu cầu tìm việc làm, sau khi làm quen với một số đối tượng qua facebook, cháu được nhận vào làm phục vụ tại quán karaoke, khi bị yêu cầu bán dâm cho khách, cháu muốn xin đi quán khác làm việc, đã bị một số đối tượng cấu kết, chuyển nhượng cháu cho 1 quán karaoke tại thành phố Bắc Kạn với số tiền 25 triệu đồng.
Lực lượng Công an cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người.
Từ đầu năm đến nay, công tác phòng, chống mua bán người tiếp tục được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ, 05 đối tượng mua bán người để cưỡng bức lao động. Bên cạnh đó, tình trạng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài lao động (ở Trung Quốc, Campuchia) vẫn xảy ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người. Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tội phạm này, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, diễn biến và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan như: (tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép), nhất là các phương thức, thủ đoạn mới để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong nội địa.
Lực lượng Công an cơ sở phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần tố giác tội phạm.
Bà Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chú trọng tổ chức tuyên truyền về phòng chống tội phạm mua bán người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Trước hết chúng tôi tập trung xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc từ trong mỗi gia đình hội viên phụ nữ bằng cách tăng cường chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó tập trung vào các tiêu chí “ không đói nghèo; không vi phạm pháp luật; không bạo lực gia đình”. Bên cạnh đó, phối hợp triển khai chương trình “ Mẹ đỡ đầu”,san sẻ yêu thương, hiện nay các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đã đăng ký nhận đỡ đầu 144 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; giúp nuôi dưỡng, hỗ trợ, bảo vệ các em không trở thành nạn nhân mua bán người. Hiện nay Hội phụ nữ các cấp đang phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng và duy trì các câu lạc bộ, các mô hình truyền thông cộng đồng tại các thôn, bản, các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc;“Lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em”, “Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi”; “Tổ truyền thông cộng đồng”. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả 380 “Tổ truyền thông cộng đồng” và 74 “Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, để không ai trở thành nạn nhân, không ai bị bỏ lại phía sau.
Do nhận thức còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn và nhu cầu tìm việc làm, đã khiến một số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em ở vùng cao Bắc Kạn bị kẻ xấu lợi dụng. Tuyên truyền để người dân không bị dụ dỗ, đồng thời tạo việc làm, nâng cao đời sống là một trong những giải pháp được chính quyền địa phương triển khai, giúp họ không trở thành món hàng của tội phạm mua bán người.