Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, UBND tỉnh, Sở Y tế và Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo lĩnh vực, ngành, địa phương phụ trách. Trong các văn bản của tỉnh ban hành đều có những quy định rõ đối với các hành vi cụ thể như tuyên truyền sai sự thật về tình hình dịch bệnh; xử lý hành vi vứt; thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định; bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; không tụ tập đông người; thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày…Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số người do thiếu hiểu biết đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Điển hình như đầu tháng 3/2020, chủ tài khoản facebook có tên “Sau cơn mưa” sống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã chia sẻ thông tin về việc chị Nguyễn Hồng Nhung là bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã tử vong (đăng hình ảnh chị Nhung đặt trên bàn thờ). Hay trước đó anh H.V.T trú tại Pác Nặm đã dùng facebook của mình để đăng tải thông tin có 02 người chết do dịch bệnh tại Bệnh viện Bắc Kạn đã thu hút được nhiều lượt like và chia sẻ trên mạng xã hội facebook. Sau khi bị triệu tập lên cơ quan Công an để làm rõ sự việc, các cá nhân này đã thừa nhận sai phạm và gỡ bỏ thông tin sai mà mình đã chia sẻ, đưa lên facebook, cam kết không tái phạm.
Không chỉ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, theo thống kê của lực lượng chức năng, trong cả nước từ khi xảy ra dịch bệnh đến hết tháng 3/2020, trên không gian mạng đã có hơn 400.000 tin bài đăng tải các thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19, trong đó rất nhiều các thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng buộc cơ quan chức năng phải xử phạt hành hình chính, điển hình như trường hợp Công an tỉnh Lao Cai xử phạt hành chính với số tiền 40 triệu động đối với một nhóm người ở Lào Cai đăng thông tin nội dung sai sự thật là "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…”, và "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác"… gây hoang mang dư luận, xúc phạm đến uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân.
Bên cạnh đó cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều trường hợp chưa chấp hành nghiêm việc khai báo y tế, không chấp hành đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Một số người có hành động chủ quan, vô ý thức, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo mức độ có hình thức xử lý phù hợp, phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù đến 12 năm, ngoài hình phạt tù còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Ngoài ra Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền... Tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có những quy định cụ thể về mức xử phạt trong phòng chống dịch như hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi "Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch". Mức phạt này áp dụng với cá nhân, nếu là tập thể vi phạm thì mức phạt gấp đôi...Tuy nhiên, nhiều người dân chưa ý thức được hành vi mình vi phạm đến đâu và mình bị xử lý đến đâu. Cho nên, việc tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật phòng chống dịch là rất quan trọng.
Để chung tay chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, của lực lượng Công an tỉnh trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Đặc biệt mỗi người dân cần có nhiều hành động thiết thực, cụ thể, trước hết là tự nguyện, tự giác tuân thủ đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng, thực hiện tốt việc khai báo y tế và cách ly theo quy định. Bên cạnh quyền lợi của bản thân, việc thực hiện nghiêm công tác cách ly còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời mỗi cá nhân cần lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, chung tay cùng chính quyền tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả nước nói chung vượt qua đại dịch này./.
Tác giả: Quốc Huy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn