Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhận định, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, nhất là trên vùng biển, với phương thức, thủ đoạn thực hiện tinh vi, cấu kết chặt chẽ hơn.
Trước diễn biến phức tạp đó, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và địa bàn liên quan. Bên cạnh đó, chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng xác lập các chuyên án đấu tranh quyết liệt, hiệu quả.
Lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên duy trì từ 20 - 25 chiếc tàu trực thường xuyên và hoạt động tại các khu vực biển trọng điểm, sẵn sàng xử lý các tình huống bằng biện pháp pháp luật.
Điều 9 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rất rõ về quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là Cảnh sát biển tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự. Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển. Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
Theo Cảnh sát biển Việt Nam, từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực, công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh với tội phạm trên biển đã có nhiều chuyển biến rõ nét hơn trước. Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để thực thi và đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào cuộc sống, nhiều đơn vị trong lực lượng đã chủ động, tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và những nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Đặc biệt, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, sát tình hình thực tiễn, lực lượng đã giúp bà con, ngư dân làm ăn trên các vùng biển, đảo nắm bắt chức năng, nhiệm vụ, quyền của Cảnh sát biển Việt Nam như: được phép huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự tham gia xử lý các tình huống theo đúng quy định tại Điều 16, Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Chính vì vậy, thời gian qua, bà con, ngư dân hoạt động trên các vùng biển, đảo đã tích cực cung cấp thông tin về an ninh, trật tự, an toàn, góp phần cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp lãnh đạo, chỉ huy đến mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng và sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng liên quan, chỉ tính 8 tháng năm 2022, Cảnh sát biển Việt Nam đã đấu tranh, triệt phá thành công 227 vụ án, chuyên án với 387 đối tượng vi phạm; tịch thu hơn 400 tấn than, hơn 3 triệu lít dầu DO, hơn 100.000 lít xăng và hơn 102.000 kg dầu FO, 466,6 kg pháo, 41 bánh heroin, gần 50.000 viên và 63,42 kg ma túy tổng hợp... Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật tịch thu, phát mại hàng hóa thu nộp ngân sách nhà nước hơn 70 tỷ đồng...
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn