Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, cơ quan Công an đã tiếp nhận một số đơn trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo, trong đó phổ biến là hành vi tự xưng là người nước ngoài kết bạn làm quen người Việt Nam qua mạng xã hội Facebook, Skype… gửi quà tặng sau đó giả làm nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp tiền phí để nhận quà rồi chiếm đoạt. Đối tượng mà bọn tội phạm hướng đến là những người “nhẹ dạ, cả tin”, thiếu hiểu biết về những thông tin trên mạng xã hội, họ cũng có thể là những người đang trong hoàn cảnh khó khăn cần số tiền lớn để giải quyết việc gia đình.. Như trường hợp của chị Hoàng Thị T trú tại huyện Na Rì, qua mạng xã hội facebook chị làm quen và kết bạn với một tài khoản có tên là Morgantown Maxwell, sau một thời gian làm quen và tìm hiểu hoàn cảnh của chị T chủ tài khoản facebook này hứa sẽ cho chị T một thùng quà gồm tiền, đôla và vàng, đồng thời yêu cầu chị cung cấp số điện thoại và địa chỉ để gửi quà, sau khi có được số điện thoại của chị, các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau gọi cho chị, giả danh là nhân viên hải quan làm việc tại Cảng hàng không Tân sơn Nhất thông báo cho chị T. biết, chị có 1 thùng quà gửi từ nước ngoài về, trong đó có rất nhiều đô la, vàng, trang sức có giá trị, rồi yêu cầu chị nộp lệ phí để nhận quà vào các tài khoản mà các đối tượng cung cấp. Từ ngày 20/9/2017 đến ngày 28/9/2017 chị T. đã nhiều lần gửi tiền vào các tài khoản khác nhau theo yêu cầu của đối tượng với tổng số tiền gần 286.000.000đ.
Thời gian qua, cơ quan Công an tiếp nhận khá nhiều đơn trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội
Một thủ đoạn tương tự, vào khoảng tháng 10 năm 2017, anh P ở huyện Chợ Đồn nhận được lời mời kết bạn trên facebook, đối tượng này nhắn tin cho a P muốn gửi số tiền 2 triệu USD về Việt Nam để làm từ thiện, sau đó có đối tượng khác liên lạc với anh P giới thiệu là đại lý giao hàng, và hướng dẫn cho anh P chuyển tiền để làm thủ tục vận chuyển “tiền từ thiện” từ nước ngoài về Việt Nam, vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng đưa ra. Tin lời, anh P đã nhiều lần chuyển tiền cho các đối tượng với số tiền bị chiếm đoạt gần 100 triệu đồng. Một trường hợp khác, đầu năm 2018, Chị B. trú tại Thành phố Bắc Kạn được giới thiệu 1 người trên mạng xã hội Zalo cho vay vốn nhanh, lãi suất thấp, do đang có nhu cầu vay vốn, chị B. đã liên hệ người này và được hướng dẫn chuyển tiền ứng trước làm thủ tục giải ngân và để hưởng lãi suất ưu đãi, chị đã làm theo và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền, sau đó không còn liên lạc được với các đối tượng.
Cũng trên mạng facebook nhưng lại thủ đoạn khác. Đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo người dùng trúng thưởng qua tin nhắn facebook và yêu cầu bị hại nộp phí nhận thưởng để chiếm đoạt… Thủ đoạn của các đối tượng thường gửi tin nhắn rác qua mạng xã hội Facebook và Zalo với nội dung thông báo trúng thưởng, kèm đường dẫn cho người dùng truy cập vào các website mạo danh các chương trình trao thưởng của các nhãn hiệu Honda, Piaggo nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản….Điển hình là trường hợp của chị X. trú tại xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, sau khi nhận thông báo trúng thưởng xe máy SH và 200 triệu đồng tiền mặt, đối tượng gọi điện và yêu cầu chị nộp lệ phí 3 triệu đồng bằng cách nạp thẻ qua điện thoại, do tin tưởng chị đã nạp 1.000.000đ tiền thẻ điện thoại. Sau một thời gian không liên hệ được với các đối tượng, chị X. mới biết mình bị lừa và mất số tiền này nên đã trình báo cơ quan Công an. Đây không phải là lần đầu chị X. bị các đối tượng lừa đảo, vào năm 2015 chị cũng nhận được cuộc gọi với nội dung tương tự và đã bị chiếm đoạt số tiền hơn 6 triệu đồng.
Đối với hành vi hack tài khoản Facebook, Zalo người thân nhờ mua thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là một phương thức để các đối tượng lợi dụng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Là trường hợp của chị H. trú tại Thành phố Bắc Kạn, ngày 9/4/2018, chị H. đến cơ quan Công an trình báo về việc tài khoản Zalo của chị bị giả mạo, đối tượng lấy hình ảnh của chị H. để thay vào tài khoản của đối tượng, sau đó nhắn tin nhờ bạn bè của chị H. chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng đưa ra, do không cảnh giác, không xác minh lại với người thân trước khi chuyển tiền, các bị hại đã tin tưởng và chuyển cho các đối tượng số tiền 8 triệu đồng.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm ẩn, đối tượng ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc với bị hại, hơn nữa lượng người tham gia mạng xã hội quá nhiều, lại không phân biệt lứa tuổi, giới tính, ngành nghề, công việc và trình độ học vấn nên công tác phối hợp, xác minh gặp nhiều khó khăn, trong khi số lượng vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến, tinh vi và phức tạp. Để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn, cơ quan Công an khuyến cáo người dùng nên tăng cường tính bảo mật tài khoản để tránh người khác hoặc tội phạm chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích xấu. Khi gặp các trường hợp giả danh nhà mạng mua thẻ cào trúng thưởng cần kiểm chứng. Đặc biệt, khi đối tượng yêu cầu người dùng nạp tiền phí, thuế bằng thẻ cào trước khi nhận quà thưởng thì đây chính là một trong những dấu hiệu lừa đảo rõ ràng nhất. Bởi cơ quan nhà nước khi thu tiền không qua đơn vị trung gian. Thông thường họ yêu cầu tới cơ quan thuế, hải quan để giao dịch, không gửi qua thẻ, không nạp thẻ…