Cuộc gọi videocall qua Zalo, Facebook để tạo lòng tin, điều này đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều người khi nhìn thấy hình ảnh của người thân, vì vậy đã có sự tin tưởng, không nghi ngờ mà làm theo yêu cầu nhờ chuyển tiền của các đối tượng lừa đảo. Vấn đề hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội, bởi trong thời gian gần đây, một số nạn nhân đã bị lừa đảo bằng hình thức này.
Thủ đoạn của các đối tượng là chuẩn bị sẵn một đoạn video được cắt ghép từ những hình ảnh đã được chủ tài khoản đăng tải trước đó. Quá trình thực hiện giả cuộc gọi video call để vay tiền, kẻ xấu đưa đoạn video này lên trước camera điện thoại để chiếm được lòng tin của nạn nhân. Trước hết, là lập ra những tài khoản mạo danh với tên giống tên tài khoản thật. Để không bị lộ, các cuộc gọi video call thường rất ngắn, chất lượng âm thanh và hình ảnh thường rất kém. Khi nạn nhân thắc mắc, lý do được các đối tượng đưa ra lý do thường là đang đi đường, mạng yếu, đường truyền mạng không ổn định... Tiếp theo các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người được kết bạn để hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền…
Trung tá Nguyễn Tiến Vượng, Đội trưởng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết:
“Đây là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, có thể xảy ra với bất cứ ai và tại bất cứ thời điểm nào. Các đối tượng có thể giả cuộc gọi video call để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang đi du học học nước ngoài gọi điện về cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay cũng có thể giả làm nhân vật nào đó khi kết bạn hẹn hò qua mạng để phục vụ cho các kịch bản lừa đảo mà chúng đã chuẩn bị sẵn. Để thực hiện được các cuộc gọi này, từ những hình ảnh có sẵn của người dân đăng tải lên trang cá nhân, với sự hỗ trợ của các ứng dụng cắt ghép, chỉnh sửa ảnh, tạo video clip đang xuất hiện tràn lan trên không gian mạng. Qua vài thao tác đơn giản, đối tượng lừa đảo đã có thể tạo ra những hình, ảnh, video ngắn rồi phát trên điện thoại hướng mặt vào camera trước của điện thoại đang gọi. Nếu thoáng qua, rất nhiều người không thể nhận biết được đó là những hình ảnh được cắt ghép tinh vi sẽ dễ dàng sập bẫy”.
Những chiêu trò tinh vi của các đối tượng thông báo trúng thưởng khi mua hàng online
Một phương thức khác mà các đối tượng lừa đảo cũng thường xuyên sử dụng trong thời gian gần đây, đó là nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhận được thông báo trúng thưởng qua đường bưu chính sau khi mua hàng online với giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng của kênh bán hàng
“Smart Shopping” có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bì thư nhận giải và các tài liệu bên trong được thiết kế cầu kỳ, bắt mắt, cùng với 02 “tấm Séc” giá trị cao, có sẵn chữ ký của “Chủ tịch hội đồng xét chọn sản phẩm” nhằm tạo niềm tin cho người nhận. Nhưng trong tài liệu nhận giải sẽ thiếu hóa đơn mua hàng, nên người trúng thưởng sẽ không nhận được giải thưởng ngay mà tiếp tục thực hiện rất nhiều bước theo hướng dẫn, trong đó có việc phải mua thêm nhiều sản phẩm với giá trị cao bất thường.
Tìm hiểu về về công ty “Smart Shopping” thì hầu như mọi thông tin đều không rõ ràng: Website smartshoppingvn.com được thiết kế sơ sài, thông tin mập mờ, địa chỉ liên hệ trên Website là địa chỉ không có thật, nội dung Website chủ yếu đăng ảnh những người trúng giải thưởng để tạo niềm tin. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng, thông qua hình thức mua bán trực tuyến và dịch vụ bưu chính để hoạt động lừa đảo khách hàng, bán hàng chất lượng kém, có giá cao hơn giá thực tế của “Smart Shopping” và của những công ty tương tự.
Hiện tại nhiều địa phương, lực lượng Công an đang tiến hành điều tra các vụ án lừa đảo trên mạng xã hội với phương thức giả mạo hình ảnh. Số lượng nạn nhân của các vụ lừa đảo này trên thực tế nhiều hơn thống kê, bởi nhiều người biết bị lừa nhưng không trình báo…Vì vậy, cơ quan Công an khuyến cáo: Trong trường hợp người dân nhận được những bưu kiện, thư …thông báo trúng thưởng tương tự như trên, mọi người cần kiểm tra kỹ thông tin, tránh việc xác nhận qua video call mà hãy gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp. Tuyệt đối không thực hiện cuộc gọi qua các ứng dụng messenger hay Zalo, không thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng... Không để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, bởi đó chính là kẽ hở để các đối tượng dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo tinh vi. Các cơ quan, đơn vị và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo bán hàng online của “Smart Shopping” và các phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây nên để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức lạ khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng. Nếu có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết./.