Vẫn là những chiêu trò giả danh cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông, yêu cầu chuyển tiền nộp phạt; Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản; tinh vi hơn, các đối tượng đã dùng chiêu trò mới, đó là gọi video call qua Zalo, Facebook để tạo lòng tin. Điều này đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều người khi nhìn thấy hình ảnh cuả người thân.
Trung tá Nguyễn Tiến Vượng, Đội trưởng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Thông qua mạng internet, các đối tượng thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sau đó sử dụng công nghệ tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, giọng nói và cách xưng hô. Để tạo lòng tin với nạn nhân, đối tượng truyền tải video có sẵn lên video call, khiến nạn nhân nhận ra hình ảnh và giọng nói của người quen, công nghệ này có độ chính xác cao, làm cho nạn nhân tin tưởng nên rất dễ sập bẫy và chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng...Để phòng tránh, các trường hợp như vậy, người dân kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền, có thể xác minh bằng điện thoại cho người thân, giáo viên chủ nhiệm hoặc bệnh viện để xác định. Không có chuyện Bệnh viện yêu cầu chuyển tiền ngay để phẫu thuật, bởi các thủ tục nhập viện đề có ký nhận và phiếu thu theo quy định…”
Một phương thức khác, các đối tượng giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; Mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại...Sau đó chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình trên, lực lượng Công an Bắc Kạn tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu trên, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.