1. Số liệu của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Trong năm 2015, người Việt đã chi hơn 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Một nghiên cứu tại Bệnh viện K cho thấy, 90% ca ung thư phổi có hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Theo GS Ngô Quý Châu, khả năng có thai ở phụ nữ hút thuốc lá bị giảm 30% trong khi nguy cơ xảy thai cao gấp 3 lần phụ nữ không hút thuốc.
Thật đáng tiếc là dù tuyên truyền rất nhiều về tác hại của thuốc lá, song hầu hết người hút thuốc chỉ coi đó là thói quen chứ không phải là bệnh lý, nên không có ý thức để cai thuốc. Cũng cần nhắc lại, người bị hút thuốc lá thụ động cũng hại không kém người trực tiếp hút. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày. Và, khói thuốc lá có thể gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m.
2. Theo nghiên cứu của WHO, khói thuốc lá chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất là 60 chất gây ung thư hay độc hại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen tìm đến thuốc lá. Cũng không ít người đã tìm cách bỏ thuốc, nhưng sau một thời gian lại hút trở lại và đáng tiếc thay lại còn hút nhiều hơn.
Thuốc lá cũng không “tránh” giới trẻ học đường. Ở một số nơi, học sinh nam trung học phổ thông một số em đã tìm đến thuốc lá. Đó là do các em “học” theo người lớn mà không biết đó là hành vi xấu, nhiều nguy hại. Thường thì các em hút trộm, không hút trước mặt người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ...), nên việc ngăn chặn là khá khó khăn. Trong việc này, cũng thật đáng tiếc là gia đình và nhà trường cũng chưa thật sâu sát nên các em vẫn lén hút, lâu ngày nghiện lúc nào không biết. Mà điều đó thì thật nguy hiểm, làn khói trắng của thuốc lá bắt đầu nhuộm đen cuộc đời các em.
Có người tìm đến với thuốc lá là do buồn, trống trải, cô đơn. Họ hút thuốc cho... khuây khỏa. Nhưng thực ra đó chỉ là sự che giấu tình cảm yếu đuối, và cũng không biết điều đó sẽ dẫn đến tác hại gần như ngay lập tức.
Bỏ thuốc lá không phải là điều đơn giản. Có người bỏ thuốc lá tới mấy lần, nhưng rồi cũng hút trở lại. Những cách như ngậm kẹo, uống nước nóng, miếng dán nicotine... thường được sử dụng nhưng có thể nói vô hiệu. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm lớn mà không phải ai cũng có được. Vì thế, tỉ lệ người bỏ thuốc lá còn ở mức thấp.
3. Gần đây, nhiều người thôi hút thuốc lá mà chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Với suy nghĩ thuốc lá điện tử không độc hại. Đó là suy nghĩ sai lầm, vì rằng thuốc lá điện tử cũng rất độc hại, thậm chí gây nguy cơ ung thư gấp 15 lần thuốc lá thường.
Do suy nghĩ sai lầm, một số người đã sử dụng thuốc lá điện tử như một biện pháp thay thế cho thuốc lá thông thường. Điều hấp dẫn ở thuốc lá điện tử còn bởi hương vị tinh dầu trái cây như nho, cam, táo, dâu… khiến nhiều người dùng cảm thấy là “thiên nhiên”, là an toàn. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ của các loại tinh dầu này đều không được đảm bảo, các quán bán thuốc lá điện tử cũng không có giấy tờ chứng minh.
Mặc dù nicotine giảm hơn nhiều so với thuốc lá truyền thống nhưng những chất độc sinh ra trong quá trình hút thuốc lá điện tử có thể khiến người sử dụng vẫn đối mặt với nguy cơ độc hại và ung thư.
Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành kiểm tra lượng chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Kết quả cho thấy, người nhiễm độc Formaldehyde dù với hàm lượng nào đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt có thể đe dọa đến tính mạng. Nếu nhiễm độc ở mức độ cao, người dùng còn phải đối mặt với các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thậm chí là ung thư. Theo nghiên cứu của ĐH Harvard, 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa diacetyl - một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Người ta cũng tìm thấy các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, chì và thủy ngân…Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử còn có thể gây ra tác dụng phụ cho người dùng như ho, buồn nôn, đau ngực, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, khô miệng….
Chính vì vậy mà cách đây 5 năm, WHO đã kêu gọi cấm buôn bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên, cấm hút thuốc trong nhà, cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Với Thái Lan, chính phủ nước này đã cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu bị phát hiện, người sử dụng sẽ chịu các mức phạt từ bị tịch thu đến phạt tiền, thậm chí có thể ngồi tù 10 năm. Cục Quản lý Dược Mỹ (FDA) cũng đã cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ dưới 16 tuổi. Cũng tại Mỹ, với bang New York, đã ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử ở nơi làm việc, nhà hàng, quán bar và những nơi công cộng.
Điều đó cho thấy, nếu chúng ta không có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn thì vấn nạn thuốc lá, thuốc lá điện tử vẫn là mối đe dọa rất lớn.