Triển khai Quyết định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Thứ năm - 12/10/2023 21:07
Chiều ngày 12/10/2023, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự, chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Kạn
Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Kạn
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Phạm Duy Hưng – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Đại tá Hà Văn Tuyên - Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Trung tướng Nguyễn Văn Phục- Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng quán triệt Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an. Theo đó, Quyết định đối tượng vay gồm: Người chấp hành xong án phạt tù được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá. Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Điều kiện vay vốn: Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn, có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.

Mức vốn được vay để đào tạo nghề đối với người chấp hành xong án phạt tù tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người. Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Đối với đối tượng là cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng kỳ.

Phương thức cho vay: Thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng chính sách xã hội. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các cấp chính quyền cơ sở hỗ trợ rà xoát, cung cấp danh sách đối tượng để đảm bảo chính sách tín dụng đạt hiệu quả. Yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn phân bổ theo đúng quy định, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, giúp người chấp hành xong án phạt tù có vốn đầu tư phát triển kinh tế./.

Tác giả: Văn Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây