Tăng cường phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen”

Thứ ba - 14/01/2025 02:09
Từ nhu cầu vay “nóng”, vay “gấp” của người dân để phục vụ nhu cầu cá nhân, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm. Đây là thời cơ mà các đối tượng triệt để lợi dụng, tung các chiêu trò cho vay “lãi nặng”. Trước tình hình trên, lực lượng Công an tỉnh đã và đang tập trung tuyên truyền, cảnh báo, triển khai quyết liệt các biện pháp để đấu tranh đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Phòng Cảnh sát hình sự thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Định có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Phòng Cảnh sát hình sự thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Định có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý triệt để hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Công an tỉnh đã cường công tác nắm tình hình, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Chỉ tính trong 15 ngày đầu cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Công an Bắc Kạn đã phát hiện 5 vụ, 5 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo phân tích, trong các vụ này các đối tượng chủ yếu cho người dân vay tiền dưới thức tính lãi theo ngày với lãi suất dao động từ 108 đến 360%/năm”.

Với việc đa dạng các gói vay, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, “Tín dụng đen” đã xâm nhập, tiếp cận các nạn nhân, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, từ công chức nhà nước đến lao động tự do. Khi người vay có nhu cầu, chỉ sau thời gian ngắn, thủ tục nhanh gọn, tiền trao nhanh. Thế nhưng, khi người vay không có khả năng trả nợ, thì việc thúc ép với nhiều hình thức là điều dễ hiểu. Thường thì gọi điện nhắc nợ, có khi là chửi bới, đe dọa; rồi cắt ghép hình ảnh, video của nạn nhân đăng lên mạng xã hội; hay gọi điện, nhắn tin cho người thân, bạn bè gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức…

Hiện nay, khi tội phạm “tín dụng đen” đã có sự biến tướng trong phạm vi, phương thức hoạt động từ môi trường thực tế lên không gian mạng, khiến không ít người dân rơi vào “ma trận” để rồi sập bẫy. Nhiều vụ việc đã được Cơ quan Công an làm rõ và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng trước những lời mời “Vay tiền không cần thế chấp”, “cho vay thủ tục đơn giản”, “khi cần là có”... đã khiến nhiều người trở thành nạn nhân. Hệ quả là, khi nợ chồng nợ với mức lãi xuất cao dẫn đến khả năng trả nợ thấp.

Theo Đại úy Nông Văn Hậu – Đội trưởng, Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu  – Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh: Để ngăn chặn tận gốc của hoạt động “tín dụng đen” là điều không dễ dàng, bởi nhu cầu tiếp cận các khoản vay nóng vay gấp của người dân vẫn còn khá cao, nhất là vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó việc cho vay tiền với lãi suất cao đem lại nguồn thu nhập lớn cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này, nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ mà chuyển sang các hình thức hoạt động ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó với lực lượng chức năng.

Hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là vi phạm pháp luật, người phạm tội có thể bị xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, kịp thời tố giác các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đặc biệt, mỗi người dân cần cảnh giác để tránh “sập bẫy” của các đối tượng./.

Tác giả: Nam Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây