Sự cần thiết xây dựng 2 dự án Luật quan trọng  

Chủ nhật - 27/03/2022 08:43
Pháp luật giúp con người xác định và làm theo những quy tắc ứng xử trong khuôn khổ nhất định. Pháp luật còn quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền đó. Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn cho thấy sự cần thiết ban hành và thực hiện Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bởi đó là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng nhằm bảo vệ nhân dân.
Công an phường Huyền Tụng phối hợp với lực lượng bảo vệ dân phố tuần tra, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài sản (ảnh tư liệu)
Công an phường Huyền Tụng phối hợp với lực lượng bảo vệ dân phố tuần tra, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài sản (ảnh tư liệu)
 
Hai dự án luật nói trên đã được các đại biểu Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, Bộ Công an đã triển khai đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lấy ý kiến của UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan, tổ chức có liên quan. Với tinh thần khẩn trương, tích cực Công an Bắc Kạn cũng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của UBND tỉnh và một số sở ngành ở địa phương. Hội thảo đã ghi nhận 14 ý kiến tham gia của các đại biểu tập trung làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vai trò của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Những khó khăn, thách thức đặt ra đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay; thực trạng tình hình trật tự, an toàn giao thông, trên địa bàn tỉnh; vấn đề đặt ra và tính cấp thiết của việc xây dựng các dự án luật và vị trí, vai trò của các dự án luật trong đời sống xã hội nói chung, trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự nói riêng. Hội thảo cũng đã khẳng định sự đồng thuận của các ngành trong triển khai xây dựng Dự án luật, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an về sự cần thiết phải xây dựng dự án luật.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, và dân phòng, là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Lực lượng này được hình thành và phát triển ngay từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân tin tưởng, ghi nhận. Dưới góc độ công tác công an, việc xây dựng và ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rất cần thiết, là đòi hỏi của thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Công an, nhất là lực lượng Công an xã chính quy thống nhất chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở. Trong bối cảnh hiện nay việc xây dựng Luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm huy động, tổ chức, động viên, phát huy sức mạnh của quần chúng, Nhân dân và họ sẽ chính là người thụ hưởng thành quả khi Luật đi vào cuộc sống.

Giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng được coi là huyết mạch của nền kinh tế, đi trước mở đường tạo động lực cho các ngành khác phát triển. Từ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn về: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; đặc biệt là tình hình tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp. Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn còn xảy ra, văn hoá tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn ra phổ biến, ngang nhiên, thậm chí là coi thường pháp luật … Luật TTATGT đường bộ nhằm xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng con người. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo hướng hoàn thiện khung chính sách liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là: Quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tổ chức giao thông đường bộ trật tự, an toàn; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm vị trí trung tâm của mọi hoạt động. Đồng thời xác định “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”. Do vậy bảo vệ an ninh, trật tự, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân. An ninh, trật tự được đảm bảo sẽ tạo môi trường thuận lợi để triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó giúp cho cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình, người dân tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tạo ra mối đoàn kết thống nhất, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc./.
 

 

 
 

Tác giả: Bình Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây