Trung tướng Lê Văn Tuyến, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bắc Kạn, Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá.TS Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Năm 2023, tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng chuyển dịch làm thay đổi cục diện thế giới ngày càng rõ nét hơn. Những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực,... ngày càng nghiêm trọng tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trong đó có Việt Nam. Trong nước, xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp nhiều hơn so với dự báo. Các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm gia tăng; công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nảy sinh nhiều vấn đề mới, khó hơn; thiên tai, dịch bệnh, bão, lũ, hạn hán diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề ở nhiều địa phương; nhiều vụ tai nạn cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản... đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, các bộ, ngành, địa phương; lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã khắc phục khó khăn, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu; triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, giải pháp bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Năm 2023, lực lượng Công an mà nòng cốt là Cảnh sát PCCC&CNCH các địa phương đã huy động 13.776 lượt phương tiện, 80.120 lượt cán bộ chiến sĩ kịp thời tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ 2.091 vụ cháy, tai nạn, sự cố; trực tiếp cứu được 589 người, tìm được 120 thi thể nạn nhân, cứu được tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có 10 CBCS Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bị thương.
Xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả trên 46.370 Tổ liên gia an toàn PCCC, 52.620 điểm chữa cháy công cộng, vận động 19,06 triệu hộ gia đình trang bị bình chữa cháy và 03 triệu hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC&CNCH cho trên 20 triệu hộ gia đình và người dân tại các khu dân cư.
Kiểm tra, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC đối với trên 468.930 cơ sở thuộc diện quản lý và trên 11,46 triệu lượt hộ gia đình, các tổ chức. Kiểm tra 14.648 lượt cơ sở/11.030 cơ sở kinh doanh karaoke trên toàn quốc về thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh trật tự và điều kiện về PCCC; xử lý vi phạm 1.751 trường hợp; xử lý hình sự 124 vụ với 553 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 1.528 vụ, 524 đối tượng, nộp kho bạc trên 19 tỷ đồng; thực hiện nghiêm túc việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với cơ sở kinh doanh khi cơ quan nhà nước về PCCC ra quyết định đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động; Niêm yết công khai danh sách các cơ sở kinh doanh bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xin tạm dừng hoạt động, bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để cơ quan, tổ chức và người dân giám sát. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ tra cứu xác định danh tính nạn nhân bị hỏa hoạn (điển hình là vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân, Hà Nội).
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; kịp thời triển khai các phương án phân luồng giao thông; chốt chặn tại các khu vực xung yếu, ngầm, tràn, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa bảo đảm an toàn; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, khoáng sản (cát, sỏi). Đã phát hiện, phối hợp bắt giữ 91 vụ, 201 đối tượng, 128 phương tiện khai thác khoáng sản trái phép; 123 vụ, 169 đối tượng, 146 phương tiện vận chuyển cát, khoáng sản trái phép.
Lực lượng Cảnh sát Cơ động đã huy động 2.490 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng trang thiết bị, phương tiện kịp thời ra quân phối hợp, hỗ trợ chính quyền và nhân dân…Lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện, xử lý 659 vụ, 15 tổ chức, 791 cá nhân phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm; khởi tố 496 vụ, 735 bị can.
Các lớp tập huấn công tác ứng phó, huấn luyện công tác phòng chống thiên tai được tổ chức cho hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an; kết quả của Công an các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ về công tác phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn.
Tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện tốt các nội dung phối hợp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có các thảm hoạ, sự cố thiên tai, dịch bệnh. Triển khai các “Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và các Bộ về vấn đề phòng vệ dân sự, tình trạng khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai của Liên bang Nga về hiểu biết lẫn nhau trong trao đổi kinh nghiệm cảnh báo, khắc phục tình trạng khẩn cấp”…Tổ chức 1 đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam tham gia hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ quốc tế thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 2/2023).
Tại Bắc Kạn, trong thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5 và tháng 12 xuất hiện các đợt nắng nóng gây hạn hán, mưa lớn và rét đậm, rét hại gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Quán triệt phương châm “4 tại chỗ” chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả các tình huống, sự cố thiên tai, đảm bảo trật tự an toàn giao thông các phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được thực hiện. Tập trung tập huấn chuyên sâu đối với lực lượng chuyên nghiệp, Công an các đơn vị, địa phương. Tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cấp tỉnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức thành công cuộc diễn tập phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại xã Yên Phong và xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn). Thông qua ứng dụng zalo kết nối các hộ dân tại cơ sở, thông tin cảnh báo đã được thông tin kịp thời đến nhân dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiệt hại trước những tác động của thiên tai, bão lũ.
Tại hội nghị đã có 9 ý kiến phát biểu, 26 kiến nghị của Công an các đơn vị, địa phương, với tinh thần: Kịp thời, triệt để, hiệu quả cao nhất. Kết luận Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng đề nghị các Cục nghiệp vụ tổ chức rà soát trang thiết bị, xác định nhu cầu tổ chức mua sắm trang bị phù hợp với thực tế. Có kế hoạch tập huấn đối với cán bộ, chiến sĩ, tổ chức các phương án diễn tập, đảm bảo thực chất, thiết thực với các tình huống có thể xảy ra. Mong muốn lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ lực lượng Công an các cấp, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức triển khai tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an… Chủ động thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”. Tổ chức diễn tập để “Rõ tình huống, rõ trách nhiệm, rõ phân công, rõ kết quả”. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ như hệ thống “Viễn thám, cơ sở dữ liệu, bản đồ số”. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, chấp hành nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, trực ban, chỉ huy, trực chiến; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ./.