Có mặt tại lễ ra mắt Tổ tự quản “Cổng trường An toàn giao thông” tại Trường Trung học cơ sở Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn... 22 thành viên trong tổ tự quản là thầy, cô giáo và học sinh nhà trường sẽ là những người trực tiếp duy trì, thực hiện các nội dung trong quy chế hoạt động. Là trường học có địa điểm ngay gần tuyến Quốc lộ, việc tham gia giao thông của học sinh trên tuyến cũng đặt ra nhiều vấn đề an toàn cho học sinh khi đến trường. Theo thầy giáo Phạm Tùng Lâm - Tổ trưởng tổ tự quản “Cổng trường An toàn giao thông” Trường Trung học cơ sở Xuất Hóa. Ngay sau lễ ra mắt, sẽ tiến hành rà soát, lên lịch hàng tuần, bố trí các đội tự quản tại cổng trường, tiến hành theo dõi, kiểm tra việc hấp hành các quy định về an toàn giao thông của học sinh; tuyên truyền, nhắc nhở và tổng hợp các trường hợp còn vi phạm. Trên cơ sở đó, có hướng để giáo dục, xử lý phù hợp.
Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai 23 mô hình “Cổng trường An toàn giao thông” tại các trường học. Trên cơ sở thành lập mô hình, các hoạt động tuyên truyền ATGT được tổ chức tập trung hoặc lồng ghép trong nhà trường, thông qua các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt của từng lớp, dưới các hình thức: “Sân khấu hóa”, tuyên truyền miệng, băng zôn, pano, áp phích, phát tờ rơi, trình chiếu video hình ảnh về văn hóa giao thông… Cùng với đó, các thành viên tổ tự quản sẽ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở, ghi nhận các trường hợp vi phạm Luật Giao thông trong các khung giờ cao điểm tại khu vực cổng trường như: Đầu giờ học và cuối buổi học các buổi sáng và chiều hàng tuần…
Cơ quan chức năng với vai trò hướng dẫn sẽ thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn để thu hút học sinh tham gia góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; trật tự an toàn giao thông trong nhà trường. Đại úy Nông Đức Anh – Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông với các trường hợp trong lứa tuổi học sinh; ngoài các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra xử lý các trường hợp học sinh vi phạm.
Để việc tuyên truyền về an toàn giao thông đi vào chiều sâu, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật phải được đổi mới, nội dung gần gũi cần thiết và phù hợp với từng lứa tuổi; linh hoạt, khéo léo đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục với các tình huống thực tế nhằm giúp học sinh cập nhật kiến thức về an toàn giao thông. Khuyến khích học sinh tham gia sáng tạo nội dung, đề xuất gải pháp đảm bảo an toàn giao thông để ứng dụng trong cuộc sống.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc tham gia giao thông, hình văn văn hoá giao thông là đảm bảo an toàn trên hành trình đến trường của chính các em./.