Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy là tự bảo vệ mình
Thứ sáu - 03/01/2025 01:57
Bước vào mùa hanh khô là thời điểm rất dễ xảy ra các nguy cơ cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người, nhà ở, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh hàng hóa nguy hiểm cháy nổ, nguy cơ cháy rừng do người dân đốt rác, xử lý thực bì ... vì vậy để hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, đó cũng là biện pháp tự bảo vệ mình.
Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều. Ở các khu đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH là rất cần thiết để người dân nhận thức đầy đủ ý thức, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC. Vì vậy cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường công tác kiểm tra toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy. Xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra.
Nhiều tháng qua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung lượng hàng hóa lớn để phục vụ nhân dân, du khách. Tết cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng gas, điện, nhiên liệu trong sinh hoạt, sản xuất của người dân tăng cao và cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, du lịch, nhất là du lịch tâm linh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà trọ, nhà ở người dân kết hợp với sản xuất kinh doanh, những nơi tổ chức lễ hội, tập trung đông người.
Kiểm tra thiết bị PCCC
Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã và đang thường xuyên lồng ghép trong các đợt kiểm tra để hướng dẫn chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót về PCCC. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền đến người dân, các hộ kinh doanh về những biện pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt tại bếp nấu ăn, nơi thờ cúng; hướng dẫn cách sử dụng, bảo trì bình chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm an toàn khi không may có sự cố xảy ra.
Tết đến, xuân về cũng là dịp người dân, du khách đi lễ đền, chùa rất đông và việc thắp hương, đốt vàng mã tại các địa điểm di tích tâm linh cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách đến tham quan, ban quản lý các nơi đã có kế hoạch cụ thể trong công tác PCCC, tổ chức nhắc nhở trực tiếp và tuyên truyền để người dân, du khách nâng cao ý thức, tự giác chấp hành quy định phòng chống, cháy nổ; chủ động gom chân hương, hoá vàng mã đúng vị trí quy định… Lực lượng cảnh sát PCCC tăng cường kiểm tra an toàn PCCC các hộ sản xuất kinh doanh, nơi thờ tự, tín ngưỡng, nơi tập trung đông người như đền, chùa, các điểm tổ chức hoạt động mừng Đảng, mừng xuân; chủ động phối hợp với lực lượng Công an cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng chống cháy, nổ.
Hằng năm, có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình, để đảm bảo an toàn PCCC trong các hộ gia đình, Công an tỉnh khuyến cáo: Chủ hộ và các thành viên cần chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn PCCC trong gia đình. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt. Không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong gia đình. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm điện...) ít nhất 0,5 m. Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà...
Mỗi gia đình nên đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo rò rỉ gas, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, nước, chăn,... để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Chủ động phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3...); chuẩn bị mặt nạ phòng độc, chăn, khăn vải nhúng nước để che chắn mặt, cơ thể khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm...
Trong điều kiện thời tiết khô hanh kéo dài, các chủ rừng hạn chế đốt xử lý thực bì, tạm dừng đốt xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác trong thời gian cao điểm có nguy cơ cháy rừng./.