Từ năm 2015 đến nay, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp khó lường, cả nước xảy ra 20.088 vụ cháy, làm chết 519 người, bị thương 1. 094 người (trong đó xảy ra cháy nhiều nhất là tại nhà dân với 9.938 vụ). Xảy ra 177 vụ nổ, làm chết 75 người, bị thương 244 người. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thực hiện 15.181 vụ cứu nạn, cứu hộ…cứu được 4.271 người, tìm thấy 3.163 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng và người dân. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành mà nòng cốt là lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy gây ra. Hiện nay cả nước có 225.967 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, với hơn 2000 thành viên; 253 đội phòng cháy chuyên ngành được thành lập ở những nơi có tính chất đặc thù, quy mô lớn, tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao và phức tạp. Nhằm nâng cao công tác quản lý Nhà nước về PCCC, các cơ quan, tổ chức đã tích cực kiểm tra an toàn PCCC tại 1.643.143 lượt cơ sở kịp thời phát hiện 1.734.360 tồn tại, thiếu sót. Hằng nghìn phương án chữa cháy đã được xây dựng và thực tập huy động nhiều lực lượng tham gia nhằm tăng khả năng phối hợp, hiệp đồng xử lý khi có cháy xả ra. Các dự án nâng cao năng lực, sức chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác PCCC và điều tra nguyên nhân xảy ra cháy. Từ đó nắm, dự báo tình hình và đưa ra những giải pháp cụ thể. Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật PCCC, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật PCCC và ý thức tự bảo vệ tài sản của mỗi công dân. Hội nghị cũng đã triển khai kết luận số 02- KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy gồm 6 nhiệm vụ trọng tâm: Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác PCCC và CNCH ở địa phương mình; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp kuật về PCCC và CNCH; tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về PCCC và CNCH; hoàn thành quy hoạch hạ tầng PCCC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực ở địa phương; xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật.
Ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các cấp trong công tác PCCC, Bộ trưởng Công an đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể, 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI.
Tại Hội nghị Đại tướng Tô Lâm yêu cầu: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, xác định rõ vai trò của công tác PCCC và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, nhận thức rõ thực hiện tốt công tác PCCC là tự bảo vệ tính mạng tài sản của chính mình, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công tác PCCC ở cơ sở. Lấy phòng ngừa là chính, phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác PCCC. Kiểm tra giám sát chặt chẽ tại các cơ sở có nguy cơ cao, nhất là tại các nhà cao tầng chưa đảm bảo về an toàn PCCC mà đã đưa người dân vào ở. Tăng cường giáo dục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với phong trào toàn dân tham gia PCCC, nhân rộng các mô hình cách làm hay, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC. Nghiên cứu kết nối đồng bộ các ngành, các địa phương phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông phục vụ tốt công tác PCCC. Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, chuyển giao công nghệ phòng cháy. Xây dựng lực lượng PCCC ngày càng tinh nhuệ, chú trọng bố trí lực lượng PCCC ở cơ sở./.