Vững về chính trị, tinh thông nghiệp vụ

Thứ ba - 15/05/2018 06:14
Năm 2017, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kiên Giang đã phanh phui được nhiều vụ án lớn liên quan đến nhiều cán bộ trong địa bàn tỉnh.


Để làm được điều này, theo Đại tá Trương Đông Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kiên Giang, cán bộ chiến sĩ (CBCS) của phòng không những cần giỏi nghiệp vụ, mà còn đòi hỏi phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, để không bị khuất phục trước sức ép lớn từ các tội phạm tham nhũng.

Những cái khó của Công an kinh tế

“Nếu Cảnh sát hình sự làm tốt công tác phòng ngừa tình hình có thể ổn, còn Cảnh sát kinh tế lại không được như vậy. Chẳng hạn, với nạn buôn lậu, đa số người dân vùng biên mưu sinh bằng hoạt động này. Với hàng giả, các doanh nghiệp thường đều có thế đứng, có người ‘chống lưng’ nên rất khó đụng tới. Với những án tham nhũng thì lại càng khó hơn, do người vi phạm thường có chức vụ cao”, Đại tá Hải chia sẻ.

Đại tá Trương Đông Hải cho biết vì nhận thức rõ được tầm quan trọng của đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, cũng như những khó khăn, cạm bẫy mà CBCS có thể gặp phải, nên ngay từ khi về phụ trách PC46, anh đã rất chú ý xây dựng công tác cán bộ, tuyệt đối không để CBCS dưới quyền dính tới các hoạt động có nguy cơ bị sa ngã cao. “Đồng tiền nhảy múa, va chạm kinh tế rất phức tạp, nên công tác cán bộ phải quán triệt tuyệt đối”, Đại tá Hải cho biết.

Vững về chính trị, tinh thông nghiệp vụ
Ðại tá Trương Ðông Hải.

Trong khi đó, theo chia sẻ của Thượng tá Ngô Thanh Khoa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Kiên Giang, các đối tượng trong những vụ án kinh tế thường là những người có trình độ cao và hiểu biết pháp luật tốt, do đó họ có nhiều chiêu trò tinh vi để lách luật. Vì vậy, để phá các vụ án kinh tế, đòi hỏi CBCS phải có trình độ chuyên môn cao. Đây là lý do phòng phải tuyển lực lượng ngoài ngành nhiều, bổ sung các CBCS có am hiểu về các chuyên ngành kinh tế.

“CBCS phòng luôn đứng trước áp lực làm sao không bỏ lọt tội phạm. Đặc trưng của các vụ án kinh tế là không cần gấp nhưng không thể chậm, vì chậm thì thiệt hại kinh tế cho xã hội càng lớn. Vì vậy, phải chọn đánh án đúng thời điểm”, Thượng tá Khoa cho biết.

Theo Thượng tá Ngô Thanh Khoa, do đặc thù 54 km đường biên giới với nước bạn Campuchia nên địa bàn tỉnh khá phổ biến các hoạt động buôn lậu từ nước bạn sang. Thêm vào đó, vài năm gần đây huyện đảo Phú Quốc nổi lên như một điểm nóng thu hút đầu tư, di dân và du lịch. Điều này kéo theo các tội phạm về kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và hải quan.

Phát hiện nhiều cán bộ hải quan biến chất

Chẳng hạn, phòng đã chuyển hồ sơ cho VKSND tỉnh Kiên Giang hoàn tất cáo trạng, truy tố 23 cán bộ hải quan tại các cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cửa khẩu quốc gia Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) vào tháng 11-2017 về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Từ năm 2010 đến 2013, các bị can đã thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tiền thuế của Nhà nước hơn 212 tỷ đồng.

Trong số 23 cán bộ bị truy tố, có cán bộ là các Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng như Văn Công Hoàng (40 tuổi, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên). Các nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên gồm: Nguyễn Xuân Diệu (57 tuổi), Nguyễn Minh Chiến (52 tuổi), Nguyễn Văn Bảo (41 tuổi) và Huỳnh Mạnh Trí (38 tuổi); Phạm Quốc Thuấn (45 tuổi, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc gia Giang Thành).

Trong thời gian từ năm 2010 đến 2013, các cán bộ hải quan đã không làm hết trách nhiệm được giao khi kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, tiền nhập khẩu, tạo sơ hở để Trần Hữu Thọ (chủ Doanh nghiệp tư nhân Hữu Thành Vinh) và Huỳnh Văn Trong (Giám đốc Công ty TNHH MTV TM Huỳnh Trang) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 109 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Hai đối tượng này cùng các đồng phạm đã bị TAND tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử ngày 6-10-2015. Trong đó, mức án cao nhất dành cho Trần Hữu Thọ, chủ mưu cầm đầu là tù chung thân. Cũng liên quan đến vụ án Trần Hữu Thọ, ngày 6-6-2016, TAND tỉnh Kiên Giang đã đưa ra xét xử sơ thẩm 10 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với mức án từ 2-4 năm tù.

Làm rõ kẻ giả danh chủ tịch huyện

Một vụ án khác liên quan đến đất đai. Vào khoảng giữa năm 2016, từ nguồn tin của trinh sát quản lý địa bàn, có một số đối tượng từ huyện Tri Tôn (An Giang) đến huyện Giang Thành, Kiên Lương (Kiên Giang), móc nối với các đối tượng tại chỗ làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhằm mục đích vay vốn ngân hàng, chiếm đoạt tài sản. Từ đó, Phòng PC46 Công an Kiên Giang đã xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm lừa đảo này.

Sau quá trình điều tra, thu thập đầy đủ thông tin, chứng cứ, giám định, phân tích từng hành vi, đối tượng cụ thể, ngày 25-8-2016, Cơ quan CSĐT đã quyết định bắt tạm giam Trần Văn Hải (SN 1977, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và Đỗ Văn Đang (SN 1972, thường trú xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Khám xét nơi ở của 2 đối tượng này, lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ 36 con dấu và 41 GCNQSDĐ do Hải, Đang và một số đối tượng khác đứng tên.

Hải khai nhận, đã thuê 2 đối tượng khác ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương làm giả 13 GCNQSDĐ với giá từ 15-20 triệu đồng/giấy; đồng thời Hải đặt làm nhiều con dấu giả mang tên lãnh đạo của UBND huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang và một số Văn phòng công chứng; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất...  Sau đó, Hải đến các ngân hàng xin hồ sơ rồi dùng các con dấu giả để hoàn tất thủ tục, hợp đồng vay vốn.

Với thủ đoạn trên, Trần Văn Hải đã lừa đảo, thế chấp 3 giấy GCNQSDĐ giả cho Ngân hàng Sacombank Chi nhánh huyện Châu Thành, tỉnh An Giang lấy 900 triệu đồng; Ngân hàng Kiên Long Chi nhánh huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cũng bị sập bẫy, mất 750 triệu đồng cho 2 sổ đỏ giả. 

Ngoài ra, Hải còn làm giả 2 sổ đỏ khác để bạn gái đứng tên vay ngân hàng 500 triệu đồng. Thấy ngon ăn, đối tượng này còn rêu rao là mình có mối quan hệ rộng và nhận làm nhiều giấy tờ đất giả cho nhiều người trên địa bàn huyện Giang Thành chiếm đoạt 665 triệu đồng.

Do biết Hải có đường dây làm giấy đất giả, Đỗ Văn Đang đã tìm đến nhờ Hải làm giả 4 sổ đỏ do mình đứng tên. Sau đó, Đang đem 1 sổ đỏ giả đến Phòng giao dịch Ngân hàng Kiên Long tại huyện Kiên Lương thế chấp vay 250 triệu đồng. Thấy việc vay vốn quá dễ dàng, Đang tiếp tục lấy 3 sổ đỏ giả còn lại lừa đảo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang lấy 800 triệu đồng tiêu xài cá nhân. 

Ngoài ra, Đỗ Văn Đang còn thuê một số người ở huyện Giang Thành đứng tên giấy đất giả cho y để thế chấp vay ngân hàng, sau đó Đang nhờ các đối tượng này đến các ngân hàng thế chấp giấy đất giả vay vốn, chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng nhiều tỷ đồng.

Vững về chính trị, tinh thông nghiệp vụ - Ảnh minh hoạ 2
“Hai năm gần đây, tình hình tội phạm buôn lậu và thiếu tinh thần trách nhiệm trong các sở, ban, ngành xảy ra nhiều, đáng chú ý. Hành vi không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn. Ðể ngăn chặn phòng ngừa các hành vi tội phạm kinh tế liên quan đến chức vụ, một trong những việc quan trọng nhất là phải tăng cường kiểm tra. Dù anh làm công việc nào cũng phải nghiêm túc trong công tác, làm lãnh đạo phải kiểm tra cấp dưới chặt chẽ, nhất quán phòng ngừa sai phạm”. - Thượng tá Nguyễn Thanh Khoa - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kiên Giang.
Long Viên

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây