Với những thành tích đã đạt được, 3 năm liên tiếp 2016- 2018, anh vinh dự nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 4 lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen; 2 lần được Giám đốc Công an thành phố và Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Giấy khen... Đại úy Đỗ Văn Bình là 1 trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc tiêu biểu của Công an Thủ đô năm 2018.
Đam mê điều tra nên sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Bình tiếp tục theo học chuyên ngành để thỏa niềm mơ ước của mình. Sau một thời gian ngắn công tác trong lĩnh vực an ninh văn hóa, anh được điều động công tác về Đội 4. Chỉ cái tên của đơn vị cũng đã phần nào nói lên tính chất công việc của anh và đồng đội.
Hà Nội là trung tâm kinh tế, thương mại của cả nước. Địa bàn không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hóa mà còn là điểm trung chuyển của cả nước. Ngoài đường bộ, còn có đường hàng không... Trên lĩnh vực này, các đối tượng có hàng trăm phương kế để tiến hành các hoạt động gian lận thương mại như kê khai hàng hóa không đúng số lượng và chủng loại. Một số trường hợp còn trà trộn vào hàng hóa các mặt hàng cấm nhập khẩu.
Trong nội địa, các lĩnh vực của đơn vị quản lý đều gắn bó mật thiết với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đơn cử như việc đối tượng gắn chíp để gian lận mua bán xăng dầu...
Đại úy Đỗ Văn Bình. |
Đối với một trinh sát, kiến thức học trong nhà trường là nền tảng nhưng muốn trưởng thành đòi hỏi phải kinh qua thực tiễn công tác. Và công tác nắm tình hình là một “nghệ thuật” nên ngoài những vụ việc được lãnh đạo đơn vị giao, Đại úy Đỗ Văn Bình còn chủ động phát hiện nhiều đầu việc và đã điều tra, khám phá thành công.
Một trong số đó là vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Đăng Đạo. Đại úy Đỗ Văn Bình nhớ lại: Vụ án bắt nguồn từ việc Đội 4 tiếp nhận công văn của Công ty TNHH Thương mại Đăng Đạo (Công ty Đăng Đạo), gửi đến Phòng Cảnh sát kinh tế, đề nghị điều tra, làm rõ việc Phạm Thị Thành (SN 1955, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư Việt Nam Toàn cầu, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5,4 tỷ đồng, thông qua việc mua bán hơn 338.924kg thép các loại của Công ty Đăng Đạo.
Công ty này đã nhiều lần liên lạc nhưng Thành không trả tiền và có dấu hiệu bỏ trốn khỏi nơi cư trú... “Đối với một vụ án kinh tế khó khăn nhất là phải chứng minh được các chứng cứ phạm tội. Cụ thể trong vụ án này, phải làm rõ bút tích để lại trên hồ sơ là của Thành ký ra”, Đại úy Đỗ Văn Bình cho biết.
Do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện hành vi phạm tội nên tự dạng trên hợp đồng được đối tượng ký rất khác biệt. Quá trình giám định đã phát hiện chữ viết, chữ ký đối tượng dùng một tự dạng hoàn toàn khác.
Vụ án sẽ dừng lại ở đây nếu không có sự tỉ mỉ, trách nhiệm của Đại úy Đỗ Văn Bình và các đồng đội của anh. Chẳng quản vất vả, Bình đã cùng đồng đội tỉ mỉ dựng nhân thân của Thành. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh phát hiện trước đó đối tượng này đã từng bị xử lý vi phạm hành chính; đồng thời thu được một bản kiểm điểm đối tượng tự viết tay. Và sự tỉ mỉ của người cán bộ trách nhiệm đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Với các tài liệu thu thập được, anh và đồng đội đã chứng minh được tự dạng trên hợp đồng và trên bản viết tay của đối tượng tại biên bản hành chính đều là một người viết ra. Với các căn cứ này, đã làm rõ hành vi của Thành.
Quá trình điều tra một vụ án, Đại úy Đỗ Văn Bình luôn tâm niệm rằng, đối tượng phạm tội dù tinh vi đến mấy cũng để lại dấu vết. Nếu điều tra viên tỉ mỉ, trách nhiệm với công việc thì chắc chắn sẽ thành công.
Cho đến bây giờ, Đại úy Đỗ Văn Bình vẫn không quên được kỷ niệm trong quá trình điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại Hà Nội. Đây là một sản phẩm liên quan đến việc xử lý môi trường, chủ sở hữu của sáng kiến khoa học sau một thời gian đưa sản phẩm ra thị trường đã nghi ngờ sản phẩm của mình bị làm giả.
Qua nguồn tin của quần chúng, Đại úy Đỗ Văn Bình đã có thông tin trên. Quá trình rà soát, Bình đã nghi vấn người làm giả sản phẩm chính là người ở công ty này... Và những dự cảm của anh đã hoàn toàn chính xác. Quá trình điều tra đã phát hiện và làm rõ hành vi phạm tội của Đinh Thị Lăng (SN 1974, ở tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).
Lăng sinh sống trong gia đình của chủ sở hữu sáng kiến này một thời gian dài. Sau đó, lợi dụng lòng tin của chủ nhà, đối tượng đã lấy công thức và cùng với Đinh Thế Kỳ (trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sản xuất, buôn bán hàng giả.
Quá trình điều tra đã phát hiện được nơi sản xuất của đối tượng và thu giữ tang vật là 1.843kg chế phẩm sinh học cùng nhiều công cụ, nguyên liệu để sản xuất hàng giả.
Cùng với đồng đội, Đại úy Đỗ Văn Bình còn tham gia điều tra các vụ án sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Đối tượng phạm tội trong các vụ án này phần lớn là những người đã từng làm việc trong lĩnh vực tài chính, am hiểu về thủ tục...
Bằng việc làm giả chứng minh nhân dân, các chứng từ như bảng lương, đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Lê Thị Phi Nga và Đặng Tố Quỳnh thực hiện.
Trong hai vụ án này, đối tượng Lê Thị Phi Nga đã thuê người làm giả các giấy tờ mang tên Ngô Thị Nga gồm giấy CMND, sổ hộ khẩu, quyết định tuyển dụng của Bộ Y tế. Còn đối tượng Đặng Tố Quỳnh đã làm giả hồ sơ mang tên Nguyễn Thị Thùy (ở Kinh Môn, Hải Dương) để làm hồ sơ tín chấp vay tiền bằng lương, lừa đảo của các ngân hàng...
Từ các vụ án này, không chỉ bắt giữ đối tượng, thu hồi tài sản bị thiệt hại, Đại úy Đỗ Văn Bình còn kiến nghị nhiều lỗ hổng, tránh thiệt hại cho các ngân hàng...
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn