Đạt đến với công việc “vác tù và” này một cách rất tình cờ. Giữa năm 2017, tò mò, anh tìm mua một cục kích bình ắc-quy để dùng cho xe của người thân, không ngờ nó lại hiệu quả. Một lần thấy chiếc ôtô chết máy đang đậu trên đường, Đạt đến hỏi thăm rồi kích thử, ai dè xe nổ ngon lành. Từ đó, máu “nhiều chuyện” nổi lên.
Giúp người cũng là cách tránh ùn tắc giao thông. Lâu dần, anh đâm “nghiện” đi kích bình. Cứ kích được ca nào thì anh cho số điện thoại để cánh tài xế chuyền tai nhau. Hỏi anh tên gì, anh cười bảo: “Cứ gọi tôi là Đạt kích bình”.
Thân hình rắn chắc trong bộ quần áo có logo của nhóm “Bạn hữu đường xa”, gặp chúng tôi, Đại úy Đỗ Tấn Đạt “khoe” ngay bộ đồ nghề với 2 máy kích điện. Chỉ vào chiếc kích bình lớn, anh bảo: “Chiếc này kích được cả container”.
Đại úy Đỗ Tấn Đạt điều tiết giao thông tại khu vực vòng xoay Dân Chủ (quận 3) trong giờ cao điểm. |
Anh Tài, một tài xế xe tải, cho biết, ngày 2-5, hôm đó trời mưa, xe của anh đang đổ dốc cầu Lò Gốm, Bình Tân, tự nhiên chết máy. Loay hoay mãi xe vẫn không nổ, vốn tham gia nhóm “Bạn hữu đường xa”, Đại úy Đạt cũng là thành viên của nhóm, nên anh nghĩ ngay tới vị “cứu tinh” này. Rồi thì “cứu tinh” cũng tới và chỉ ít phút sau, chiếc xe của anh Tài tiếp tục lăn bánh.
Hỏi Đạt đã giúp được bao nhiêu người, anh chỉ cười: “Làm sao nhớ nổi”. Còn với những người được anh giúp thì họ không bao giờ quên. Với bác tài xe bị hết bình trên đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1, TP Hồ Chí Minh thì càng không.
Lần ấy, xe của bác hết bình, bác điện thoại cho anh: “Phải anh Đạt kích bình không? Anh đến đây giúp tôi được không? Hình như xe tôi hết bình...”. Đang giờ cao điểm, Đạt chỉ kịp hỏi người gọi điện thoại địa điểm rồi anh xin ý kiến chỉ huy để chạy xe đến hỗ trợ người dân.
Tới nơi, ôtô đang đậu dưới lòng đường, tài xế lớn tuổi đang loay hoay thì chợt thấy một CSGT chạy môtô đến. Bác tài vội thanh minh: “Chú thông cảm! Không phải tôi đậu xe dưới lòng đường đâu, tại xe tôi đột ngột hết bình thôi à...”. Đại úy Đạt cười, bảo: “Không phải chú gọi con kích bình chứ? Con đi kích bình cho chú đây”. Bác tài xế lúc này mới thở phào. Bác cầm tiền dúi vào tay anh cảm ơn và đương nhiên là anh không nhận vì đó là nghĩa cử nhỏ giúp người đi đường. Con đường lại lập tức thông thoáng trở lại.
Có hôm, vào khoảng 5 giờ sáng một ngày nghỉ, vừa hoàn thành ca trực, trên đường về đơn vị, tới hồ Con Rùa (quận 3), thoáng thấy một tài xế vừa đẩy chiếc xe, vừa chỉnh vô lăng, anh chạy tới hỏi: “Xe anh bị gì vậy?”. “Ngủ quên nên xe hết điện”, tài xế trả lời. Vẫn mang trên mình bộ sắc phục CSGT, Đạt lôi ra bộ đồ nghề từ trong thùng chiếc môtô đặc chủng ra. Chỉ bằng mấy thao tác, chiếc ôtô nổ rền. Tài xế tròn mắt cảm ơn rối rít còn vị “cứu tinh” về đơn vị ngủ một giấc bù cho ca trực đêm trước.
Ngoài giờ công tác, quần short, áo thun, dép tổ ong, xe Cub, Đạt luôn sẵn sàng mỗi khi có yêu cầu “giải cứu”. Việc làm của anh đã phần nào khiến giới lái xe cảm thấy hình ảnh người chiến sĩ công an thân thiện hơn. Đạt cũng nghĩ đơn giản: “Mình cũng chỉ muốn kéo gần khoảng cách giữa CSGT và tài xế, giữa người xử phạt vi phạm và người tham gia giao thông thôi. Chỉ mong CSGT với tài xế như bằng hữu!”.
Việc làm của anh đã lan tỏa trong cộng đồng tài xế. Hội “kích bình” được thành lập, hiện đã gần 200 thành viên tham gia trải khắp các khu vực từ một số tỉnh miền Tây đến TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai và ra đến tận miền Trung...
Nhận xét về Đại úy Đỗ Tấn Đạt, Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội Bàn Cờ, cho biết: “Đạt là một chiến sĩ tiên tiến của đơn vị, không nề hà việc gì. Đạt cũng thường xuyên hỗ trợ người dân đi đường khi xe gặp sự cố chết máy. Đây là một trong những việc làm thiết thực cho xã hội mà đơn vị hết sức ủng hộ, tạo điều kiện, đồng thời khuyến khích nhân rộng để xây dựng hình ảnh người CSGT ngày một tốt hơn”.
Đức HàNguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn