Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc: Trót đam mê văn chương

Thứ năm - 19/11/2020 10:11
“Người ta có thể cai rượu, cai thuốc lá, thậm chí là cai... yêu. Nhưng nào ai cai nổi cái “nghiện” văn chương? Đến nỗi, có những đêm, tôi viết tới mức đổ gục trên bàn phím. Lắm khổ ải, nhọc nhằn mà cũng đầy hân hoan, hạnh phúc. Bởi vậy, tôi luôn sẵn sàng vắt kiệt mình tận hiến cho văn chương, không bao giờ mảy may hối tiếc”. - Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc chia sẻ


Trung úy Công an Phan Đức Lộc là một cây bút trẻ giàu nội lực, thuộc thế hệ 9X đang nổi trên văn đàn. Tôi đọc nhiều và quan tâm tới văn chương của anh không hẳn anh cùng lực lượng vũ trang với tôi, cũng không phải vì tôi và anh cùng ham viết về đề tài miền núi, nơi chúng tôi đã và đang đem thanh xuân của mình dự phần vào nhịp đời ở vùng rừng thiêng núi thẳm. Phan Đức Lộc làm tôi nhớ và dõi theo hành trình của anh bởi sự quyết liệt, khát khao, mê đắm đến tận cùng của một tài năng trẻ.

Lần đầu tiên tôi “gặp” Trung úy Công an Phan Đức Lộc là đọc truyện ngắn “Thung lũng mưa” trên Nhân dân hằng tháng với lời bình ấn tượng của đương kim Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thần đồng thơ Trần Đăng Khoa: “Dù là cây bút mới (?), nhưng có cảm giác anh viết đã từ lâu lắm. Bởi văn rất nhuần nhị. Mọi chi tiết, tình huống cài đặt cũng chặt chẽ, hợp lý. Đọc anh, tôi cứ nhớ đến Đỗ Bích Thúy, một nữ nhà văn người Kinh viết về miền núi rất hay. Bây giờ ta lại có thêm một nhà văn viết về miền núi nữa. Mừng cho ngành an ninh có thêm một nhà văn và mừng cho Báo Nhân Dân đã phát hiện được một cây bút mới đầy hứa hẹn. Không biết tôi có nhầm lẫn không, nhưng tôi rất mừng khi đọc truyện ngắn này...”. 

Lúc ấy tôi hoàn toàn đồng tình với cảm nhận của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nên giờ, cùng với việc đã đọc anh thường xuyên, tôi thêm tin tưởng vào con đường anh đi khi Lộc gặt hái được hàng loạt giải thưởng văn chương, đặc biệt là ngôi vị “Á quân” trong bảng xếp hạng cùng với những tên tuổi “đáng gờm” của làng văn ở cuộc thi truyện ngắn danh giá của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm cách đây không lâu.
Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc: Trót đam mê văn chương
Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc.

Nói lại là từ “Thung lũng mưa” và nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi đã “truy” theo dấu vết văn chương của chàng Công an trẻ. Rồi mỗi lúc tôi thêm sửng sốt, choáng ngợp trước những giải thưởng và gia tài tác phẩm đáng nể so với độ tuổi đôi mươi của anh (Phan Đức Lộc sinh ngày 24/12/1995, khi tôi viết bài này, Lộc chưa tròn hai - mươi - lăm - tuổi!). 

Lúc tôi bằng tuổi anh bây giờ thì thực sự là tôi chưa xuất hiện ở bất kì diễn đàn văn chương nào, vậy mà Phan Đức Lộc đã sở hữu hơn chục giải thưởng lớn nhỏ: Giải Nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ (2018); Giải Ba truyện ngắn cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” (2019); Giải Ba truyện ngắn cuộc thi Sáng tác cho tuổi thơ (2019); Giải Ba thơ tạp chí Văn nghệ Điện Biên (2019); Giải Khuyến khích thơ Haiku Việt - Nhật lần thứ VII ( 2019);Giải Khuyến khích kịch bản văn học cuộc thi Nhà viết kịch tài năng (2019); 

Giải Khuyến khích tản văn báo Dân Việt (2020); Giải Ba văn xuôi giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm 2015-2020 lần thứ III, tỉnh Điện Biên; Giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm; Giải Ba Cuộc thi sáng tác về đề tài Phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2020); Giải Nhì Cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn, ký sự về Tòa án nhân dân (2020)... Và mới nhất, cuối tháng 10 năm 2020 là giải Nhì Cuộc thi tôi yêu đất nước tôi do Ban Sản xuất các chương trình giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Năm 21 tuổi, Lộc in tập truyện đầu tay “Chuyện dang dở” (NXB Hội Nhà văn, 2016), rồi những năm tiếp theo là “Mùa sương thương mẹ” (Tản văn, NXB Kim Đồng, 2017), “Cuộc phiêu lưu của Gà Ô và Quạ Khoang” (Truyện dài thiếu nhi, NXB Văn học, 2017), “Ngõ hoa một thuở gót mềm” (Tản văn, NXB Quân đội nhân dân, 2018), “Kiếp người trôi ngược” (Tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 2018), “Mùa sen trắng” (Tập truyện ngắn, NXB Dân Trí, 2020), “Tuyết đỏ” (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2020)... Hiện Phan Đức Lộc còn ba tập bản thảo truyện ngắn, nhưng anh “ngâm kĩ” để tuyển lại và lựa chọn nhà xuất bản phù hợp.

Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc: Trót đam mê văn chương - Ảnh minh hoạ 2
Một số tác phẩm của tác giả Phan Đức Lộc.

Những sáng tác thời học sinh phổ thông và khi đang là sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân của Phan Đức Lộc mới chỉ là những tản văn, truyện ngắn nương nhờ ở cảm xúc kiểu “tia nắng, hạt mưa” trong trẻo, dựa dẫm vào câu từ đèm đẹp, đôi khi còn ngây ngô... đúng chất học trò. Nó thiếu sự đằm sâu của trải nghiệm và tư duy tổ chức, triển khai thể loại, đặc biệt là ở truyện ngắn. Điều đó là dễ hiểu, anh không nằm ngoài quy luật phát triển tư duy sáng tạo, tay nghề của đại bộ phận người viết. Nhưng thực sự lúc ấy văn chương Phan Đức Lộc có dấu hiệu của tài năng nhú mầm. 

Ra trường công tác tại Công an huyện Tuần Giáo (Điện Biên), môi trường nghề nghiệp này đã cho Phan Đức Lộc những va đập, trải nghiệm trong cuộc sống, văn chương của anh dần đằm hơn, ngôn từ chau chuốt, tiết chế và cách anh tổ chức nhân vật, tình tiết cũng già dặn, “nhà nghề” hơn. 

Truyện của Lộc xuất hiện chững chạc trên các diễn đàn văn chương uy tín và các báo có trang văn học như Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ, Nhà văn và Tác phẩm, Văn nghệ Công an, Cửa Việt, Nhân dân hằng tháng, Tiền phong, Tuổi trẻ, Phụ nữ Việt Nam...vv. 

Truyện ngắn “Mùa đông ở Sính Phình” (Giải Nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ  - 2018) làm tôi mừng vì thấy sự trưởng thành của Lộc. Đấy là ở cách dẫn dắt, thắt mở câu chuyện, nhất là cái kết đầy ám ảnh của tác giả. Đấy là một văn bản được dệt thêu bởi câu chữ óng ả, đầy cảm thương. 

Đến truyện ngắn “Đường về Sai Chản” (Giải Ba truyện ngắn cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới”- 2019), Phan Đức Lộc tiết chế hơn, tình tiết đắt giá, cái kết mờ nhòe để bạn đọc suy đoán cũng là cách xử lý khôn ngoan của tác giả. 

Và đến “Xác đá” (giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm) lại là Phan Đức Lộc mới mẻ ở cách lạ hóa cấu trúc, bạo liệt ở vấn đề, thông điệp mà câu chuyện mang chứa. 

Khi đọc “Xác đá”, nhà văn Văn Chinh, Trưởng ban Sơ khảo cuộc thi đã rất phấn khích, ông chia sẻ: “Cuộc thi truyện ngắn 2018-2020, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm đã có được tác giả trẻ nhất cho đến nay tham dự: Chàng Trung úy Công an huyện Tuần Giáo - Điện Biên xa xôi mang cái tên còn lạ lẫm với văn đàn: Phan Đức Lộc, 24 tuổi; trẻ, nhưng là cái trẻ trung trong cái cách anh ta nhìn nhận sự vật, cái cách biểu đạt chúng, không có bất cứ bóng dáng nào của sự “ảnh hưởng”.

Trung úy trẻ Phan Đức Lộc liên tiếp gặt hái trái ngọt văn xuôi, nhưng tình yêu đầu với văn chương của Lộc là thơ. Những bài thơ càng về sau càng đẹp, buồn, giàu suy tưởng và ám gợi. Tôi thích những câu này của anh: “Thị trấn mang tên một loài gai sắc ngọt/ Chiều choàng sương quanh triền núi lam tuyền/ Chàm chạm để cơn đau lên tiếng: Vết thương nào sâu bằng nỗi cô đơn?” (Thị trấn ngủ xuân), “Trong căn phòng gối chăn quên hơi ấm/ nằm nghiêng nghe nỗi nhớ vỗ về/ đêm qua ngủ khi trái tim chưa ngủ/ giấc mơ đang/ rụng xuống/ từng phần...” (Giấc mơ bay). 

Gần đây, Lộc dành nhiều thời gian cho văn xuôi hơn bởi anh muốn bung trổ hết “nội công” mà thơ bị giới hạn bởi thể loại. Phan Đức Lộc còn là một “gã trai trẻ” làm báo rất cừ. Bạn bè bảo “gã” rất thính nhạy với vấn đề, rồi xử lý vấn đề khỏe như trâu và nhanh như điện giật. 

Từ thời còn là sinh viên Học viện Cảnh sát, Lộc đã viết báo khỏe, có nhiều báo anh đi hai bài trong một số, mà toàn những bài vài ba ngàn chữ. Cái nhà kiên cố hai tầng mà bố mẹ Lộc đang ở tại quê nhà Đức Thành - Yên Thành - Nghệ An có một - phần - ba “cổ phần” từ nhuận bút 4 năm sinh viên của cậu con trai giỏi giang, chăm chỉ. Hiện nay, Phan Đức Lộc vẫn “hai tay hai súng” văn - báo mà “súng” nào cũng luôn trúng tâm mục tiêu.

Mọi người không khỏi thắc mắc, đắm đuối với việc viết lách, sáng tạo như vậy thì thời gian đâu, tâm trí nào chàng Trung úy Công an Phan Đức Lộc làm việc chuyên môn? Anh chính là Á khoa chuyên ngành Cảnh sát Điều tra. Khi ra trường, Lộc là một trong những sĩ quan cấp úy cứng cựa của Công an huyện Tuần Giáo, luôn được sự yêu mến, tín nhiệm của đồng đội... đó chính là vài nét phác thảo trong hồ sơ nghề nghiệp của Trung úy Lộc. 

Giỏi chuyên môn là vậy, nhưng khát khao cháy bỏng của anh là được làm việc trong môi trường văn chương, báo chí chuyên nghiệp. Phan Đức Lộc chia sẻ: “Người ta có thể cai rượu, cai thuốc lá, thậm chí là cai... yêu. Nhưng nào ai cai nổi cái “nghiện” văn chương? Đến nỗi, có những đêm, tôi viết tới mức đổ gục trên bàn phím. Lắm khổ ải, nhọc nhằn mà cũng đầy hân hoan, hạnh phúc. Bởi vậy, tôi luôn sẵn sàng vắt kiệt mình tận hiến cho văn chương, không bao giờ mảy may hối tiếc”.

Những ngày này, trên trang facebook cá nhân, chàng Trung úy - nhà văn trẻ Phan Đức Lộc nhận được cơn mưa lời chúc mừng cho các giải thưởng của anh. Tôi biết Lộc rất vui vì những đêm trắng, mồ hôi và cả nước mắt của anh trên cánh đồng chữ đã phát lộc, đơm hoa. Nhưng anh sẽ mau khép niềm vui này vào trang nhật kí tuổi thanh xuân, bởi anh sẽ lại khởi động một hành trình mới trên đường đến với “tôn giáo” văn chương của mình, mà trong đó anh là một “tín đồ” tận cùng khát khao, tận cùng mê đắm.

Nguyễn Phú

Nguồn tin: vnca.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây