Tròn 6 năm, anh rời cương vị công tác ở Phòng Bảo vệ An ninh Chính trị Công an Hà Nội về nghỉ hưu. Nói là nghỉ hưu nhưng với anh chưa từng phút giây nào ngơi nghỉ trong bộn bề những đam mê của mình. Tôi từng có nhiều bài viết về Thượng tá Đào Hà. Anh cũng là một nhân vật được báo chí cả nước săn đón bởi những phát minh, sáng kiến và có nhiều công trình nghiên cứu của anh gây được tiếng vang trên lĩnh vực môi trường và đô thị; văn hoá và lịch sử.
Tôi từng chia sẻ trong một bài viết về anh rằng: Ngoài nhiệm vụ chính là một người sĩ quan Công an công tác trong ngành An ninh, thì Đào Hà còn xứng đáng được vinh danh là nhà xã hội học, môi trường học hay Việt Nam học. Với những công trình nghiên cứu mang tính sáng tạo, những đóng góp có tính chất phát hiện mới mẻ, quý giá trong lĩnh vực lịch sử, văn hoá, môi trường khiến cho anh được nhiều người trong giới khoa học biết đến và mến mộ. Nhắc đến anh là nhắc đến chân dung của người đã góp phần thay đổi số phận của những dòng sông chết ở Hà Nội.
Thượng tá Đào Hà bên những kỷ vật chiến tranh trong bảo tàng cá nhân. |
Thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực khoa học môi trường của anh đó chính là 3 công trình đoạt giải thưởng lớn của Bộ Tài nguyên Môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tổ chức liên tục trong 3 năm của Thượng tá Đào Hà.
Công trình thứ nhất là đề án táo bạo Đào kênh đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch để cứu dòng sông Tô Lịch đang ngày đêm suy kiệt dần vì ô nhiễm nặng và tắc dòng chảy. Cùng với đề án này, Bộ Tài nguyên Môi trường, thành phố Hà Nội đã mời các chuyên gia về môi trường thành phố Seoul, Hàn Quốc sang nghiên cứu khảo sát để tìm ra một phương án tối ưu nhất giúp Hà Nội khơi thông được dòng chảy sông Tô Lịch. Công trình thứ hai là đề án Xử lý chất thải rắn ở nông thôn hiện nay. Đề án này anh đoạt được giải Nhất. Công trình thứ 3 đoạt giải Nhì là: Chống ngập úng của thành phố Hà Nội năm 2009 sau trận lụt lịch sử.
Ngoài ra, anh cũng chính là tác giả của hai công trình tâm huyết: Nghiên cứu tái tạo năng lượng nước trên hồ thủy điện Hòa Bình, bắt nước quay lại để hồ lúc nào cũng đầy nước. Công trình ngăn nước mặn trên sông Tiền, sông Hậu. Cả hai công trình này anh đã đăng kí quyền sở hữu trí tuệ và đang được giới khoa học quan tâm xem xét.
Về khía cạnh lịch sử văn hóa, Thượng tá Đào Hà có những thành công trong công tác sưu tầm và phát hiện các tư liệu lịch sử, văn hóa. Anh là người có công tìm ra nguồn gốc Hội hát Chèo Tàu ở Đan Phượng. Từ việc tìm ra nguồn gốc hát Chèo Tàu, anh đã ngược dòng lịch sử và có công phát hiện ra cuộc khỏi nghĩa Hắc Y năm 1407 - 1416.
Trong quá trình đi điền dã phục vụ cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử, Thượng tá Đào Hà chính là người tìm ra quê hương bản quán của ông Dương Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc Vương ở xã Nại Tử, nay thuộc xã Hồng Hà của huyện Đan Phượng. Chính những phát hiện này, UBND tỉnh Bắc Ninh và nhà sử học Dương Trung Quốc đã đứng ra tổ chức cuộc hội thảo về ba dòng họ "Khúc - Dương - Ngô" bao gồm Khúc Thừa Dụ - Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền, gây được tiếng vang trong dư luận. Thượng tá Đào Hà cũng là hội viên Hội KHLS Việt Nam, Hội viên hội Văn hóa dân gian Hà Nội.
Nhưng với chừng ấy công việc vẫn chưa đủ chiếm trọn niềm đam mê của người Thượng tá Công an giản dị, bé nhỏ nhưng có ý chí và sức sáng tạo mãnh liệt này. Anh có một năng lực làm việc không mệt mỏi, khả năng bền bỉ khám phá, tìm kiếm và lưu giữ những nét đẹp của lịch sử văn hóa dân tộc Việt. Thượng tá Đào Hà là người sở hữu bảo tàng cá nhân lưu giữ hàng ngàn kỷ vật chiến tranh. Anh dành phần lớn không gian trong khu vườn rộng 1.500m2 của anh tại thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, Hà Nội để lưu giữ những ký ức của một thời mưa bom bão đạn mà anh sưu tập được trong mấy chục năm qua.
Một góc bảo tàng chiến tranh của Thượng tá Đào Hà. |
Thượng tá Đào Hà tâm sự, mặc dù anh chưa từng ra trận, chưa trải qua đời lính, nhưng những gì diễn ra thời hậu chiến đã ám ảnh anh rất nhiều, nhắc nhớ anh về những hy sinh xương máu của cha ông để có được cuộc sống hòa bình hạnh phúc như hôm nay cho con dân đất Việt. Nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, lưu giữ lại những kỷ vật một thời chiến tranh là cách để Đào Hà để lại cho thế hệ sau thông điệp không được lãng quên những năm tháng chiến tranh đau thương mà hào hùng của dân tộc.
Hơn 3.000 hiện vật chiến tranh từ thời kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ như bi đông, ăng gô, vỏ đạn, vỏ bom, đạn cối, ống nhòm, mũ cối cũ của bộ đội ngày xưa, dép cao su, áo tô châu… đã được Thượng tá Đào Hà trưng bày trong bảo tàng chiến tranh của anh khiến người xem phải ngạc nhiên xen lẫn thán phục.
Trong số những hiện vật đó, có những hiện vật gắn liền với câu chuyện cảm động đó là chiếc mũ cối, kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường, quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình hi sinh năm 1968 tại mặt trận Quảng Trị khi đang làm nhiệm vụ lái xe zin trên đường Trường Sơn. Chiếc mũ đã được người đồng đội là bạn thân của liệt sĩ Cường cất giữ và mang theo bên mình những năm tháng chiến tranh. Đến khi hòa bình lập lại, khi người bạn của liệt sĩ Cường đã già, ông tìm đến Đào Hà để trao nó cho anh nhờ cất giữ hộ.
Hay chiếc thắt lưng là di vật của liệt sĩ Đào Văn Khoa quê ở Đan Phượng, Hà Nội hi sinh tại Đèo Ngang năm 1973. Gia đình của liệt sĩ Khoa cùng dòng họ Đào đã tìm đến Đào Hà nhờ anh giữ gìn kỷ vật của con trai họ, để góp thêm cho bảo tàng lưu giữ những kỷ vật chiến tranh của anh thêm phong phú và ý nghĩa hơn.
Bảo tàng chiến tranh cá nhân của anh cũng là nơi các bạn bè của anh và ở Hội cựu chiến binh Đan Phượng làm nơi tụ tập sinh hoạt và chia sẻ những ký ức của một thời hoa lửa. Học sinh phổ thông ở Đan Phượng cũng thường xuyên tổ chức học ngoại khóa nơi đây.
Sau sáu năm nghỉ hưu, gặp lại Thượng tá Đào Hà trong những ngày đầu xuân Tân Sửu vẫn thấy anh bận rộn với công việc "hàng tổng" chuẩn bị chào xuân Tân Sửu của Câu lạc bộ văn nghệ sĩ Xứ Đoài. Tôi có cảm giác như mặc dù rời đơn vị, nhưng Thượng tá Đào Hà như chưa từng rời vị trí công việc năm xưa của anh. Công việc tiếp xúc, đi điền dã, nghiên cứu và sưu tầm tư liệu lịch sử, tư liệu văn hóa anh đam mê từ hồi đang công tác ở Công an Hà Nội nay càng được dịp để phát huy. Hơn thế nữa, anh có thêm điều kiện thời gian để sáng tác nhiều hơn.
Thượng tá Đào Hà rất yêu thơ và âm nhạc. Anh là tác giả của hơn 20 ca khúc được thu thanh và phát sóng, trong đó có các ca khúc đi vào lòng khán thính giả như: "Tìm em trong lễ hội làng Phùng"; "Đồng Đêm"; "Chùa Thầy"; "Tất cả vì yêu"; "Chín dũng sĩ đập Phùng"; "Xứ Đoài quê tôi" và ca khúc về người chiến sĩ Công an nhân dân mang tên "Chúng tôi người Cảnh sát giao thông" phổ thơ của Nguyễn Xuân Cửu. Anh cũng là tác giả của tập thơ vừa xuất bản "Xứ Đoài đẹp mãi vườn quê".
Ngoài ra về địa phương anh tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ của thành phố. Hiện anh thay nhạc sĩ Hoàng Lân làm Chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài, một câu lạc bộ được thành lập gần 30 năm nay và có tới 340 hội viên với 7 chi nhánh Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Sơn Tây và nhiều hội viên quê ở Hà Tây cũ đang cư trú ở nội thành Hà Nội hoạt động trên tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật khá hùng mạnh.
Đón xuân Tân Sửu, câu lạc bộ văn nghệ sĩ Xứ Đoài có các hoạt động thiết thực như tổ chức câu lạc bộ Ngày thơ Việt Nam, triển lãm ảnh, tổ chức hát Chèo Tàu, đào tạo ca nhi… và quan trọng nhất là nuôi dưỡng tinh thần yêu văn nghệ trên đất Ba Vì, Sơn Tây, Đan Phượng, Hà Nội, nơi quê hương của cố thi sĩ Quang Dũng, thi sĩ Tản Đà, họa sĩ Phan Kế An...
Trăn trở của Thượng tá Đào Hà từ ngày anh giữ cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ sĩ Xứ Đoài là làm sao để phát triển kinh tế, dần dần giúp các hội viên không phải đóng phí sinh hoạt. Câu lạc bộ có đủ kinh phí để tài trợ cho tất cả các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, đào tạo các ca nhi, ca nương và mong mỏi lớn nhất là phát hiện bồi dưỡng đào tạo các mầm non nghệ thuật, đặc biệt là trong văn chương để biết đâu có thêm được một nhà thơ Quang Dũng hậu sinh trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Như BìnhNguồn tin: vnca.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn